Hoài Niệm

- Bùi Đặng Hà Phụng -
Cựu giáo sư trường PTGĐN


- Giáo chức Phan Thanh Giản Đà Nẵng niên khóa 72-73 -

Như một lữ khách không biết mệt mỏi đã sải những bước đi vững chắc trên con đường sự nghiệp “trồng người” tôi cũng đành phải dừng chân khi tuổi đã cao và sức cũng đã cạn.

Tuy vậy, đôi lúc lại trầm ngâm ngoảnh nhìn lại những chặng đường đã đi qua, bằng phẳng có, quanh co khúc khuỷu có mà lòng không khỏi bồi hồi với bao hoài niệm...

Như hôm nay, trong tĩnh lặng của một ngày Xuân ấm áp, quá khứ lại về sống động trong tôi.

Điểm lại từ ngày đầu tiên đứng trên bục giảng tại Trường Đông Yên, Bình Sơn, Quảng Ngãi niên khóa 1947-1948 trong kháng chiến 1 đến ngày tôi rời trường lớp gác bút để nghỉ hưu tại trường Kim Đồng năm 1981 tính ra tôi đã dạy tại tất cả 8 trường trong 34 năm tuổi nghề. Điều đặt biệt là sự nghiệp dạy học của tôi, theo dòng chảy của cuộc đời, hình như song hành với những đổi thay của thời cuộc, với bao thăng trầm của đất nước có thể nói hòa nhịp cùng với những sự kiện trọng đại của lịch sử.

Thật vậy, từ năm 1950 đến năm 1954 tôi dạy môn Toán Lý tại trường Hoàng Diệu và dạy môn Pháp Văn tại trường Khuyến Học ở Đà Nẵng. Từ năm 1955 đến năm 1975 tôi là giáo sư Toán tại trường Phan Thanh Giản, trường Tây Hồ, trường Thánh Tâm ở Đà Nẵng. Từ năm 1975 đến 1981 tôi được phân công về dạy môn Toán tại trường Hoàng Văn Thụ và tiếp theo là trường Kim Đồng ở Đà Nẵng.

Có thể nói trong số 8 trường học mà tôi đã đến dạy thì trường Phan Thanh Giản là trường tôi cọng tác trong thời gian dài 20 năm và cũng là trường đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và những kỷ niệm không bao giờ phai.

Nhớ mãi một sáng đầu thu năm 1955 tôi đến trường Phan Thanh Giản để nhận thời khóa biểu phụ trách môn Toán 2 lớp Đệ Nhất.

Ngoài luật sư Nguyễn Thúy hiệu trưởng, tôi đã được giới thiệu với ông Nguyễn Gia Chánh sáng lập trường và với một số giáo sư như thầy Trần Thành Dung, thầy Lương Quế, thầy Trương Chi Phô, thầy Trần Ngọc Lan, thầy Giao, thầy Cẩm... Ngoài thầy Cẩm nói giọng bắc các thầy khác đều nói giọng Quảng Nam.Nhìn quanh không thấy giáo sư nữ nào tôi cảm thấy như lạc lõng giữa các đồng nghiệp còn xa lạ. Sau đó tôi sung sướng được biết có cô Nhu dạy bên tiểu học thế là hai chị em có đôi lúc chuyện trò vào giờ ra chơi. Hiệu trưởng Nguyễn Thúy sau này được biết tôi là bạn học cùng lớp với chị gái ông ta tại College Đồng Khánh Huế nên ông ta đối với tôi có phần vừa thân mật vừa nể trọng.

Còn chủ trường ông Nguyễn Gia Chánh, theo tôi nhận thấy trong nhiều năm là một người lịch thiệp, hòa nhã thường ân cần mời ban giáo sư dự những bữa cơm thân mật để trò chuyện, trao đổi việc trường. Ông Chánh có thiện chí biết lắng nghe những góp ý của các giáo sư mà vui vẻ cấp học bổng cho một số học sinh nghèo hiếu học. Theo tôi được biết có một em, con một công nhân bốc vác ở cảng đã được học miễn hoàn toàn học phí suốt từ năm lớp 3 đến năm lớp 12 cuối cấp.

Và quan tâm đến các giáo sư dạy lâu năm, ông Chánh đã gửi vào ngân hàng một số tiền tiết kiệm nhằm sau này về già các thầy giáo có một số tiền bồi dưỡng. Do đó, năm 1975 khi trường Phan Thanh Giản không còn hoạt động, một số giáo sư trong đó có tôi đã nhận mỗi người một số tiền tuy không bao nhiêu nhưng đáng trân trọng thể hiện tấm lòng chu đáo của ông chủ trường Nguyễn Gia Chánh.

Nói về trường Phan Thanh Giản ta không thể nào không nhắc đến ông Vỏ Đình Trị và ông Nguyễn Ý. Ông Vỏ Đình Trị có thời gian đại diện ban giám đốc và là cánh tay mặt của trường còn ông Nguyễn Ý đại diện ban giám thị đồng thời phụ trách môn thể dục thể thao. Ý thức tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với công việc được giao hai ông đã xem việc trường như việc nhà, hết lòng giữ vững kỷ luật nghiêm minh cùng với hiệu trưởng, các giáo sư hưởng dẫn (bây gọi giáo viên chủ nhiệm) trong đó có sự đóng góp đáng kể của ông Yến, cai trường (bây giờ gọi bảo vệ trường) và của thầy Cưng, thầy Dũng, thầy Sanh phụ trách việc văn phòng.

Trong những năm gần đây, bà Vỏ Đình Trị cùng các anh, chị con của ông bà cũng như bà Nguyễn Gia Chánh tuy ở xa ngàn vạn dặm vẫn luôn luôn hướng về quê hương, hướng về trường cũ. Thầy, bạn xưa. Thật là đáng quí!

Trường Phan Thanh Giản chúng ta trong suốt 20 năm dạy và học luôn luôn được sự ngưỡng mộ của các bậc phụ huynh về kỷ cương đạo đức của trường và sự học hành nghiêm túc và tiến bộ của học sinh. Do đó trường càng ngày càng phát triển về chất lượng cũng như về số lượng.

Ngoài các giáo sư dạy những niên khóa đầu tiên trường đã chọn và đã mời về cọng tác với trường nhiều giáo sư tuổi dày kinh nghiệm như thầy Nguyễn Văn Xuân, thầy Trương Văn Thông, thầy Nguyễn Quang Đỉnh, thầy Nguyễn Tuyên, thầy Hồ An, thầy Hồ Quí, thầy Dương Quang Tiến, thầy Bùi Ngọc Cẩn, cô Phạm Tuyết Anh, cô Lê Thị Khoách, cô Trần Túy Ngọc... và nhiều giáo sư trẻ năng nổ nhiệt tình như thầy Trương Hồng Minh (có thời gian đại diện ban giám đốc), thầy Trần Thành, thầy Võ Anh Dũng, thầy Đoàn Thế Đức, thầy Võ Văn Tuyền, Cô Tuyết, cô Tịnh, cô Huệ, cô Hậu, cô Cẩm, cô Tuyết Anh, thầy Diệp, thầy Hổ... Ngoài các giáo sư bộ môn văn hóa, trường còn mời cô Phương dạy nữ công gia chánh, thầy Khánh kiến trúc sư dạy về thẩm mỹ, thầy Sơn dạy nhạc, thầy Ý dạy thể dục thể thao.

Song song với những yếu tố tích cực và thuận lợi kết quả là số học sinh càng ngày càng đông, số lớp càng ngày càng tăng, trường mỗi năm mỗi xây cất thêm và thành tích học sinh đạt được càng ngày càng nhiều.

Trường Phan Thanh Giản qua nhiều đời hiệu trưởng, các vị: Phạm Kiêm Âu - Nguyễn Thúy – Lê Chí Vịnh – Tôn Thất Dung – Nguyễn Lượng – Lê Quang Văn – Vĩnh Linh – Đào Lan Phương – Trương Văn Thông. (Thầy Trần Thành Dung có thời gian là quyền hiệu trưởng) mà đỉnh cao chói lọi là dưới đời hiệu trưởng Lê Quang Văn, được đánh giá là một trường nổi tiếng ở Đà Nẵng suốt 20 năm hoạt động dạy và học qua những thành quả mà học sinh đã đạt được: dẫn đầu trong các kỳ thi cuối cấp, trong các kỳ thi chuyển trường, chuyển cấp, trong các lần tranh tài về thể dục thể thao môn bóng rổ, bóng bàn, trong kỳ thi hùng biện môn ngoại ngữ tiếng Anh, tham gia các công tác xã hội, từ thiện.

Với ban giám đốc thông cảm quan tâm đến các học sinh nghèo hiếu học, với ban giám thị nghiêm minh, với đội ngũ giáo sư hùng hậu, có khả năng, giàu kinh nghiệm, tận tụy, yêu nghề, yêu học sinh đã xem việc dạy học, không chỉ là một nghề nghiệp bình thường mà còn là một nhiệm vụ cao cả, trường Phan Thanh Giản áp dụng đường lối giáo dục toàn diện văn, thể, mỹ trong 20 năm đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ học sinh nay đã vào đời, đã thành nhân, đã thành danh đang góp phần xây dựng đất nước mang lại vinh quang cho trường vậy.

Nửa thế kỷ đã trôi qua và trường Phan Thanh Giản nay đã 50 tuổi. Giờ đây tên trường đã không còn nữa và cảnh quang trường cũng đã khác xưa. Và sóng gió của cuộc đời đã cuốn không ít thầy trò Phan Thanh Giản xa trường đến sống tại nhiều miền của đất nước hoặc ở tận bên kia bờ đại dương. Đau buồn thay vì tuổi cao sức yếu có thầy cô đã vĩnh viễn rời trần thế để lại bao tiếc thương cho người ở lại.

Nhưng thời gian dù có đồng hành với sự lãng quên vẫn không thể xóa đi những thành tích mà trường Phan Thanh Giản đã gặt hái cũng không thể nào xóa đi bao kỷ niệm đẹp đẽ, trong sáng, vui buồn giữa thầy và trò của một trường học đã một thời vang bóng.

Thật vậy, đã nhiều năm rồi với tinh thần tôn sư trọng đạo, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, với tình càm dạt dào của tình bằng hữu keo sơn, các anh chị em cựu học sinh trường Phan Thanh Giản, dù ở xa hay ở gần, dù ở trong nước hay ở nước ngoài đã nghĩ về nhau, tìm đến nhau, đồng tâm vượt qua những khó khăn của đời thường nhằm ngày lễ ngày tết có những buổi thăm viếng thầy cô giáo cũ và tổ chức những cuộc họp mặt hằng năm giữa thầy trò, bè bạn. Khi thì tổ chức của lớp khi thì của liên lớp tại nhà bạn này hoặc tại nhà bạn khác. Và nếu tôi không nhầm thì lớp đầu tiên tổ chức họp mặt hằng năm là lớp của các anh chị em: Điểu – Lan – An – Mai... Hiền – Dũng – Thạnh – Yên – Tự Tốn mà không khí thân mật ấm cúng những ngày ấy vẫn còn đọng mãi trong lòng tôi.

Và thời gian gần đây, hằng năm, cứ độ Xuân về, thầy trò Phan Thanh Giản lại hội về rất đông của nhiều thế hệ tại sân trường cũ. Thế rồi, trong bầu không khí tưng bừng rộn rã nhưng cũng thân mật ấm áp tình người, thầy và trò cũng như bạn cùng lớp, cùng khối lớp, cùng trường đã có những giờ phút đẹp đẽ sống bên nhau, cùng trao đổi cảm nghĩ, hát hò, đọc cho nhau nghe những lá thư đầy tình cảm của các thầy và bạn ở xa gửi về chung vui rồi hàn huyên trò chuyện, chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Do đó tình nghĩa thầy trò cũng như tình bằng hữu ngày thêm gắn bó.

Cá nhân tôi, hòa mình trong không khí vui vẻ thân mật giữa tình bạn đồng nghiệp nhất là giữa tình nghĩa thầy trò thắm đượm cùng thời gian, tôi không khỏi không cảm thấy vui buồn đan xen hồi tưởng ngày xa xưa đứng trên bục giảnh hăng say dẫn giải một bài toán khó với tất cả sự đam mê và nhiệt tâm tiềm ẩn trong người. Rồi, năm này đến năm khác như người lái đò ngày ngày đưa khách sang sông, tôi đã sung sướng chứng kiến các học sinh bé bỏng của mình ngày ấy, lớp này đến lớp khác, thế hệ này đến thế hệ khác, lần lượt bước lên lớp trên.Và giờ đây trước mắt tôi là những con người thành đạt, là những bậc cha mẹ gương mẫu, là những ông bà hiền lành bao dung, là những công dân tốt và trên hết là những con người sống có tình, có nghĩa, có đạo lý đáng mến phục vậy.

Và những lần các anh chị em cựu học sinh trường đến thăm ân cần hỏi thăm sức khỏe cũng như những buổi họp mặt ấm áp tình nghĩa thầy trò, đối với tôi, là những món quà tình cảm quí báu, là những liều thuốc bổ đã động viên, là tiếp sức cho tôi vượt qua những thử thách của tuổi già và bệnh tật.

Vì vậy, dù muốn hay không, tôi cũng xin tất cả các anh chị em cựu học sinh trường Phan Thanh Giản, ở gần hay ở xa, ở trong nước hay ở nước ngoài, hãy vui lòng nhận ở tôi những lời cảm ơn chân thành và sâu đậm nhất.

Giờ đây tất cả chúng ta, những người đã từng sống, dạy và học dưới mái trường xưa, chúng ta hãy sung sướng và tự hào rằng trường Phan Thanh Giản thân yêu sống mãi càng ngày càng thắm đượm, trọng tâm khảm của thầy và trò Phan Thanh Giản bất chấp thời gian, bất chấp không gian vậy.

Và bài viết này là đóa hoa tươi đẹp mà tôi, một cựu giáo sư của trường xin thành tâm đến Chúc Mừng Lễ Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Thành Lập Trường Phan Thanh Giản thân thương.

 

Bùi Đặng Hà Phụng
Cựu giáo sư Trường Phan Thanh Giản 1955-1975

 

- Bài trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -

Quý vị muốn đặt mua đặc san này xin bấm vào Gian Hàng PTGĐN, Đa tạ!