Mùa Hoa Trong Trí Tưởng...
Tùy Bút - ÁI CẦM
Cho đến nay trên hai mươi lăm năm lưu lạc nơi xứ người, nhưng cứ mỗi mùa hoa phượng tím nở đầy trên lối đi lòng tôi bỗng chạnh nhớ về những mùa hoa phượng đỏ ở quê nhà. Và chính những phút giây nhớ nhung như thế lòng tôi lại bùng vỡ lên những kỷ niệm êm đềm của một thời cắp sách đến trường Phan Thanh Giản. Những kỷ niệm như viên sỏi ném xuống mặt hồ tung tóe lên những hạt nước lấp lánh ánh mặt trời kim cương từ tiềm thức như một bức tranh thủy mặc ảo huyền tuyệt diệu... “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ đã ai quên...” (Thế Lữ). Cái thuở đẹp nhất của thời con gái trăng tròn mộng mơ. Tâm hồn trắng trong như trang giấy mới. Những cánh hoa phượng ép trong vỡ thẹn thùng trao nhau mà lòng bâng khuâng chia biệt khi tiếng ve sầu bắt đầu thở than trên khóm lá. Không biết tan trường em có còn trở lại để cho người ngẩn ngơ thầm lặng với nỗi buồn vương.
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ta có đậm đà.
(Hàn Mặc Tử)
Bạn ta như những cánh bướm dậy dìu trong lớp học. Những tà áo trắng như những cánh hoa huệ trắng thơm ngát, trong sân trường. Những buổi cuối tuần họp mặt đồng ca Hội Trùng Dương để chuẩn bị góp phần vào chương trình văn nghệ tất niên. Ôi lòng nôn nao vui sướng. Tiếng hát học trò và tiếng cười thủy tinh làm ngây ngất nhiều nam sinh trong cùng lớp. Những buổi chiều trốn học rủ nhau dạo bờ sông Bạch Đằng ngắm hoa phượng soi trên dòng nước biếc, ngắm những con thuyền gác mái viễn phương. Nếu bảo quê hương là nơi chốn đẹp nhất, thì ngôi trường Phan Thanh Giản ở Đà Nẵng là ngôi trường thân yêu nhất trong đời tôi. Ở đó những ông thầy thật đáng kính yêu và những người bạn cùng lớp thật dễ thương vô cùng mà tôi không bao giờ tìm thấy ở chốn tao phùng nơi viễn xứ. Nhà triết học Harman Hesse đã nói “Không bao giờ chúng ta tắm hai lần trong một giòng sông”. Quả đúng như thế, giòng sông trong vắt tuổi xuân của ngày xưa, nay đã cành khô củi mục làm hoen cạn đôi bờ! Giòng nước vẫn thầm lặng xót xa chuyển mình ra biển, hòa tan vào cõi mênh mông của đại dương mịt mờ khói sóng. Thôi hãy để cho những hình ảnh tuyệt vời yêu dấu nằm lặng yên dưới nguyệt hồ tiềm thức. Những cơn bão thời đại đã thổi qua trên quê hương một thời cũng đã trầm lắng. Xin người hãy chuyển hóa tình thương đến với nhau để cùng thắp lên ngọn lửa sum vầy. Và hãy cầu nguyện trong mỗi sát na trong đời sống trầm luân nghiệt ngã nơi trần thế, chúng ta mong được tìm thấy trong tâm niềm an lạc. Hạnh phúc thay tuệ giác đã cảm nhận những mùi hương hoa Ưu Đàm.
Hãy xóa bỏ đôi bờ tri kiến, để hòa nhập từ tiểu ngã vào đại ngã từ ái thênh thang . Cũng chỉ là một giòng Thu Bồn réo gọi cho dù Cửa Hàn hay Cửa Đại ra khơi. Nếu không có những kỷ niệm từ Phan Thanh Giản, chắc lòng tôi sẽ hoang vu kinh khiếp ở quê người, như chuyến xe về Hội An – Đà Nẵng giữa những chiều đông vắng khách. Thời gian rồi sẽ qua đi. Có còn lại chăng là những dòng văn hóa đặc thù mang theo trong trí tưởng vơi đầy. Để từ đó chúng ta còn nhận diện ra nhau, còn gọi tên nhau giữa hoang vắng cuộc đời. Hay thầm nhắc nhở nhau hãy ngược dòng về ngọn nguồn cố quận như loài cá hồi vượt nghìn dặm mù khơi.
Bây giờ nắng đã bắt đầu rực rỡ trên những hàng cây phượng tím ở California . Mùa chia tay của bầy trẻ thơ trong các trường lớp. Tôi lại chạnh nhớ như quay quắt về mái trường Phan Thanh Giản thân yêu của một thời lưu luyến nhớ, mỗi độ hoa phượng đỏ nở đầy trên lối đi. Và tôi đã mường tượng ra từng khuôn mặt thầy cô, từng khuôn mặt bạn bè, từng âm thanh rộn rã buồn vui. Bây giờ thực sự tôi mới hiểu “Không có ai tắm hai lần trên một giòng sông”... Tất cả đều vô thường. Nhưng đó cũng là hiện tượng của miên viễn tồn tại. Nước đã ra biển nhưng sẽ còn dòng hải lưu của Thu Bồn chảy mãi trong tim chúng ta ngọt ngào suốt cả một đời. Và trong mỗi cội nguồn tâm linh đó, chúng ta đã nghe tiếng cười vọng lên thanh thoát cao vút từ ngọn đỉnh ngôi trường Phan Thanh Giản từ thành phố Đà Nẵng dấu yêu...
Không phải bây giờ đến tuổi “tri thiên mệnh” tôi mới chiêm nghiệm đến sắc màu hoa phượng tím – đỏ ảo huyền, và đâu phải cho đến bây giờ những biến thiên của tạo hóa, tôi mới hiểu tất cả đều như huyễn, như giọt sương trên ngọn cỏ. Thực sự tôi đã cảm nhận qua sự đổi thay tuần hoàn của xuân hạ thu đông, từ lúc tôi cắp sách đến trường và “lòng bâng khuâng không biết vì sao tôi buồn khi nắng chiều hiu hắt trên ngọn cây trong khu vườn tịnh vắng”. Nắng đã có từ vô lượng thời gian. Hoa đã tỏa ngát sắc màu và lung linh hương thắm từ vô thủy cuộc đời. Đâu có phải chiều hôm nay mới cho tôi những niềm rung động tao phùng trong phút giây ngây ngất, trong sát na hạnh ngộ êm đềm... phải chăng Tâm động “sắc hoa màu nhớ”, tơ tưởng từ một màu hoa ở bên này, đến một màu hoa ở bên kia bờ Thái Bình Dương ngút ngàn cố quận kể từ đêm lòng tôi chùng xuống với bao tê tái đớn đau tận cùng khi con thuyền lướt qua cửa sông Hàn... Trong đêm tối mịt mùng chỉ có những vì sao lặng lẽ chứng giám cuộc “từ ly não nùng...”. Nỗi nhớ phải chăng chỉ còn là ảo giác quẩn quanh, làm khổ nhau thôi. Câu thơ của Trúc Lâm lại hiện về thanh thoát như dòng sông tương tư một vầng trăng ở quê nhà:
“Vạn sự nước xuôi nước
Trăm năm lòng ngỏ lòng
Tựa lan nâng sáo thổi
Trăng sáng đầy cõi tâm...”
Ái Cầm
Buổi chiều vào hạ ở Los Angeles
- Trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -