Nhớ Về Những Ngày Xưa...

Cô Thùy An
cựu G/S Phan Thanh Giản Đà Nẵng

(Hình: Ước Mơ Hòa Bình - Tác Giả: Phạm Văn Mùi)

I. NGÔI TRƯỜNG THƠ ẤU

Con gái tôi có ba người bạn đồng môn: Thu Hiền, Diệu Hiền và Phương Hiền. Không biết giữa các cô đã xảy ra chuyện gì, nhưng mỗi lần nhắc đến bạn bè, nó thường nói: “Ai tên Hiền cũng dữ cả mẹ à.” Nhận xét của nó quá chủ quan, dễ làm mích lòng những ai tên Hiền mà không dữ, nhưng lại gợi cho tôi nhớ đến một cô bạn thời thơ ấu của tôi cũng tên Hiền - Nguyễn Thị Hiền - cùng học lớp nhì (lớp 4 bây giờ) dưới mái trường Phan Thanh Giản.

Đó là năm 1955, khi tôi theo gia đình từ Huế chuyển vào Đà Nẵng. Hình như niên khóa 1955-1956 là niên khóa đầu tiên của trường tư thục Phan Thanh Giản(?), vì dưới mắt một cô bé lên mười, ngôi trường tinh tươm với những bức tường hồng nhạt và cửa lá sách màu nâu tươi trông thật đẹp mắt, như vừa mới được xây xong ngay hôm tôi bước vào năm học mới.

Trường không lớn, nhưng khoảng sân cũng vừa đủ cho chúng tôi bày những trò chơi đuổi bắt, nhảy lò cò, bắn dây thun... Lớp tôi là một căn phòng nhỏ, nằm phía sau trường. Bạn bè trên dưới bốn chục đứa. Hết 1/3 tổng số học sinh là dân di cư. Ngày đầu tiên, thầy xếp tôi ngồi cạnh một con nhỏ tên Hiền, có bề ngoài khá chững chạc, xem ra nó phải lớn hơn tôi đến vài tuổi. Hiền cũng từ miền Bắc vào, rất xinh, gương mặt trắng trẻo, tóc xỏa ngang lưng, nói giọng Hà Nội lãnh lót. Nó thường kể cho tôi nghe nhiều chuyện ở quê nó với những địa danh lạ lẫm, những trò chơi nghịch ngợm... rồi bảo tôi: -Mày kể chuyện quê mày cho tao nghe xem nào.

Trước vẻ khôn ngoan, cách ăn nói lưu loát của nó, tôi trở nên vụng về, ấp úng:

- Tao không có quê, tao ở thành phố.

Nó ra vẻ đàn chị:

- Nói như thế mà cũng nói. Con người sao lại không có quê cha đất tổ chứ. À, tao hiểu rồi, mày muốn nói là mày chưa từng ở quê, đúng không nào?

Tôi gật. Nó vẫn không buôn tha:

- Vậy thì mày nói chuyện thành phố xem. Trước mày học trường nào?

- Tao học trường dòng Mai Khôi ở Huế.

- Trường dòng là trường Bà Xơ, suốt ngày đọc kinh chứ gì? Tao chúa ghét!

Tôi cãi:

- Ghét chi. Vui lắm. Có Xơ Tê-Re (Thérèse) rất thương tao, thường dẫn tao đi múa hát, cho tao mặc áo đẹp, còn mang đôi cánh thiên thần nữa.

- Vớ vẩn, mang cánh mà có bay được hay không mới là điều đáng kể. Thôi nói chuyện khác đi. Ở Huế mày có nhiều bạn không?

- Bạn tao nhiều lắm, có mấy đứa người Tàu nữa, chúng nó dạy cho tao hát tiếng Tàu bài Mai Quế, bài...

Tôi càng hào hứng bao nhiêu, nó càng sổ toẹt bấy nhiêu:

- Mai Quế với chả Mai Trầm, hay ho gì mấy bài xí lô xi la đó chứ. Thôi, nói chuyện khác đi. Mày có trò chơi gì hay không?

- Tao thường nhảy dây, chơi ù mọi, đánh ô làng và... còn tắm sông nữa.

- Ờ, cái mục tắm sông hấp dẫn đấy. Khi nào gia đình mày ra Huế, mày nhớ xin bố mẹ cho tao theo với nhé. Nghe nói sông Hương đẹp lắm, tao phải ra đó tắm mới được.

Nhận xét ban đầu của tôi là Hiền khôn ngoan, học khá, tuy hơi đáo để một tí nhưng có thể là một người bạn tốt. Tôi định kết thân với Hiền thì một sự việc xảy ra làm tôi choáng váng. Hôm đó là giờ tập vẽ. Hiền không mang tẩy theo nên dùng chung tẩy với tôi. Nhưng đến cuối giờ, sợ nộp bài trễ, tôi khư khư giữ cục tẩy trong tay, không cho Hiền mượn nữa. Chuông reo báo giờ chơi, Hiền hét vào mặt tôi:

- Đồ tồi, đồ ích kỷ.

- Xin lỗi mày, nhưng nếu mày là tao, mày cũng làm vậy thôi. Ai biểu mày không chịu đem tẩy theo.

Thế là Hiền lồng lộn lên:

- Mày chẳng những ích kỷ mà còn ác ôn côn đồ nữa. Không ngờ mặt mày sáng sủa vậy mà lòng dạ tối đen như đêm ba mươi. Mày “phân biệt chủng tộc”, mày “chia rẽ Nam Bắc”. Chúng tao là dân du mục, từ bỏ quê hương sống kiếp lang thang , tha phương cầu thực, sao mày nỡ dồn tao đến bước đường cùng...

Nó nói thao thao bất tuyệt, có lớp có lang, lên bổng xuống trầm, lôi cuốn đến nỗi các học sinh quên cả giờ ra chơi, xum đen xúm đỏ quanh hai đứa tôi để cùng... lắng nghe cho hết những “danh từ hoa mỹ”. Riêng tôi, ban đầu cũng hơi ngỡ ngàng, nhưng sau thấy Hiền văn chương cứ tuôn trào lai láng, ngỡ như nó đang đóng kịch mà đối tượng không phải là mình, nên cũng trố mắt ra nhìn nó “diễn xuất”.

Sau hôm gây chuyện với tôi, Hiền xin thầy đổi chỗ. Hiền trở nên dữ dưới mắt bạn bè nên không ai muốn làm thân với Hiền nữa. Thay vào chỗ Hiền là Vinh. Vinh tên giống con trai - Trần Vũ Thế Vinh - cũng dân di cư, nhưng so với Hiền, nó khác xa một trời một vực. Vinh học kém, hiền lành, cả tin. Đặc biệt, Vinh hát rất hay. Bài tủ của nó là “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương. Suốt ngày, Vinh dùng tập vở cuốn tròn, chỉa vào tôi, rên rỉ: “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo mầu tung gió chơi vơi..”

Hồi đó, phong trào văn nghệ ở Đà Nẵng nói chung và trường Phan Thanh Giản nói riêng, rất phát triển. Người hát hay không nhiều nhưng người hay hát thì dồi dào như lá mùa thu. Riêng với tôi, ngoài Thế Vinh ra, còn có Minh Tâm, Ngọc Yến và... cả tôi nữa. Bốn đứa được tham gia Ban Văn Nghệ nhà trường, được tập hát nhiều bài rất hay. Tôi thích nhất là bài Tuổi Thơ của nhạc sĩ Lê Thương: “Trời xanh xanh mát, hương thơm thơm ngát, cùng nhau ta múa điệu ca, cùng nhau ta hát lời ca. Chìm trong đôi mắt bao ước mơ trong vắt, sướng thay đời trẻ thơ, mỗi trang là một bài thơ..”. Giọng tôi và Minh Tâm yếu nên thường hát bè phụ. Tuy hơn buồn nhưng được cái an ủi là trong phần điệp khúc: “Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa, chiều lại ra dạo chơi vườn hoa. Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn, bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy Tiên..”. chữ Tiên được hát trầm xuống thành chữ Tiền, đã xảy ra một cuộc tranh luận: giữa “thấy Tiên” và “thấy Tiền”, thấy cái gì thích hơn? Kết quả, 2/3 lớp đứng về phe Minh Tâm và tôi. Mãnh lực kim tiền quả là đáng sợ, tác động lên cả tâm hồn của trẻ con!

Đặc biệt, khoảng thời gian này, không hề có nhạc “sến”. Nhiều bát hát rất hay như Tình Ca, Dừng Bước Giang Hồ, Áng Mây Chiều, Thu Quyến Rũ... được phổ biến bằng những giọng ca đang thịnh hành thời bấy giờ như Thái Thanh, Thúy Nga, Kim Tước, Anh Ngọc... Nhạc hợp xướng thì có Viễn Du, Ly Rượu Mừng, Bức Họa Đồng Quê, Ô Mê Ly... đã làm nên tên tuổi của nhiều ban hợp ca, trong số đó, có ban hợp ca của trường Phan Thanh Giản. Hơn 40 năm qua, tôi vẫn còn nhớ như in những buổi tập múa, tập hát trên lầu nhà ông Nguyễn Gia Chánh - Giám Đốc của trường - để chuẩn bị cho những ngày liên hoan, lễ tết... “Giọng ca vàng” nổi tiếng nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ là chị Bích Thuận, cũng là học sinh trường Phan Thanh Giản, năm đó chị học đệ tứ (lớp 9 bây giờ). Ngoài ra, trường còn có nhiều “danh ca” khác nữa, nhưng rất tiếc, tôi quên mất tên. Chỉ nhớ mỗi chị Mộng Điệp - chị không có tên trong Ban Văn Nghệ nhưng lại là Hoa Khôi của trường, hình như đang học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ), mỗi lần sắp hàng vào lớp, nhìn chị bước lên cầu thang , nước da trắng ngần, dáng vẻ đầy đặn trong tà áo màu xanh hồ thủy, bọn nhóc chúng tôi thường kêu réo: “Chị Địp, chị Địp..” ồn ào đến nỗi thầy dọa cho zéro hạnh kiểm mới chịu im.

Nói đến thầy cô, tôi không nhớ được nhiều. Vì đang cấp 1 nên chỉ học với một thầy mà thôi. Thầy phụ trách lớp tôi khoảng bốn mươi tuổi, tên là Đa. Tôi không nhớ thầy họ gì, cả tiếng thầy nói tôi cũng quên mất, có thể là Huế hoặc Quảng Nam(?). Chỉ biết là thầy rất hiền, thương chúng tôi như con đẻ và thưởng phạt rất công minh. Nhà thầy ở trong một con hẻm tận Ngã Ba Cây Lan, xa lắc xa lơ. Có lần thầy bệnh, chúng tôi đi bộ thăm thầy muốn rã cả đôi chân, nhưng vẫn thích thú vì được leo lên dốc Cầu Vồng, rồi lại chạy ào xuống, cứ chạy lên chạy xuống mãi như vậy, đến tối mịt vẫn chưa chịu về nhà.

Tôi còn nhớ thầy Thúy - Hiệu Trưởng, mỗi lần vào lớp phát bảng danh dự, thầy thường xoa đầu tôi: “Tháng sau nhớ đứng nhất nghe con”. Hồi đó, hằng tháng, mỗi lớp có 5 học sinh được bảng danh dự. Tôi học cũng khá, thường đạt vị thứ từ hạng 2 đến hạng 5. Mặc dù rất cố gắng, tôi vẫn không vượt nổi tên Hùng lớp trưởng. Hắn cực kỳ thông minh, môn học nào cũng xuất sắc nên chiếm độc quyền vị trí đầu lớp.

Mùa Hè 1956, trường tổ chức dạy hè. Tôi ghi tên học lớp nhất (lớp 5 bây giờ) nhưng thường bỏ lớp chạy theo mấy chị đệ thất, đệ lục (lớp 6 và 7 bây giờ) học giờ Anh Văn để nghe thầy Trần Thanh Dung kể chuyện, hay nhất là chuyện về “Vụ nổ bom nguyên tử ở Hiroshima trong những ngày cuối cùng của đệ nhị thế chiến”. Hình như thầy đã từng đi Nhật, đã từng chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn của thành phố này, nên những chi tiết thầy kể rất sống động và hấp dẫn, nghe hoài không biết chán.

II. ĐÀ NẴNG VÀ BẠN BÈ CỦA TÔI

Thương vô biên những con đường Đà Nẵng
Buổi học về im bóng lá Quang Trung...

Năm 1957, tôi thi đậu vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường công lập Phan Châu Trinh, bắt đầu cho những tháng năm miệt mài đèn sách bên thầy cô, bạn bè mà mãi đến bây giờ, dưới lớp bụi thời gian phủ mờ vùng ký ức, có những hình ảnh vẫn còn rõ nét như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.

Đệ thất năm đó gồm 2 lớp: Đệ thất một và đệ thất hai. Đệ thất một của tôi gồm toàn con gái, họp thành cái chợ, khiến thầy cô nào bước vào cũng đề cao cảnh giác. Không biết tôi có duyên với người di cư hay sao mà năm này, hai nhỏ ngồi bên phải và bên trái tôi cũng đến từ phương Bắc: Nguyễn Thị Bích Lan và Đinh Thị Kim An. Bích Lan nói giọng Hà Nội rất chuẩn, phân biệt t, c (hiểu biết, xanh biếc), có g không g (nghiêng xuống, nghiên bút), hỏi ngã (bỗng nhiên, bổng lộc) rõ ràng. Cho nên mỗi lần đọc chính tả, thầy cô dạy văn thường cho Bích Lan lập lại câu đã đọc, thế là chúng tôi không còn biết sợ sai nữa. Kim An tính nghệ sĩ, thích chép thơ và ngâm thơ, giọng hay không thua gì Hồ Điệp (một nghệ sĩ ngâm thơ lừng danh thời bấy giờ).

Nói về bạn tốt, phải nhắc đến Lê Thị Trang, con của ông Lê Ấm, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh. Tánh nết của tôi và Trang rất khác nhau; Trang đằm thắm, dịu dàng, khép kín; trong khi tôi hiếu động, lanh chanh, ưa chơi nổi như làm thơ đăng báo, dự thi ca hát... nhưng lại rất thân nhau bởi chúng tôi có điểm tương đồng: Sức học ngang nhau và đối xử với nhau bằng sự chân thành. Năm 1961, chúng tôi cùng đậu bằng Thành Chung (tốt nghiệp Phổ Thông Cơ Sở bây giờ), Trang uốn ba tấc lưỡi thuyết phục tôi cùng thi vào khóa Nữ Hộ Sinh, nhưng tôi từ chối. Trước khi ra Huế học, Trang mời tôi ra Ngã Năm ăn cơm gà Hải Nam , có vẻ “dùng dằng nửa ở nửa đi”. Sau đó, hai đứa vẫn liên lạc thư từ cho nhau. Đến 1965, Trang Lấy chồng, gửi cho tôi một tấm hình đám cưới, rồi im hơi lặng tiếng cho đến 30 năm sau (năm 1995, tôi về Đà Nẵng và có ghé thăm Trang. Trang đã nghỉ hưu, con cháu đầy đàn).

Nhớ năm mới chân ướt chân ráo vào đệ thất, thầy cố vấn (bây giờ gọi là “chủ nhiệm”) giao cho tôi giữ chức trưởng ban văn nghệ, bao nhiêu trách nhiệm nặng nề đổ trút lên vai, nào làm báo tường, tham gia ca hát... Tờ báo tường năm đó lấy tên là Mầm Non với hai chữ M, N được tôi nắn nót, cọp pi theo các mẫu chữ trong sách dạy thêu. Ban biên tập gồm nhiều người nhưng tôi chỉ nhớ mỗi Bích Lan với bức tranh Hai Bà Trưng do nó vẽ bằng màu nước đầy ấn tượng. Tết năm ấy, thầy lại bắt buộc lớp phải có một tiết mục văn nghệ mừng xuân. Tôi thức suốt ba đêm liền, định viết một vở kịch cho các bạn trình diễn. Viết hoài không được, cuối cùng đành “chôm” ý một vở nhạc kịch của ban Thăng Long trong dĩa hát. Diễn viên gồm 4 đứa: Tôi và Hồ Thị Hồng đóng vai thanh niên, Bích Lan và Phạm Thị Duyệt đóng vai thôn nữ. Áo quần trình diễn được Thủy Tiên - con gái của chủ nhân Photo Phụng Ký - cho mượn nên không gặp trở ngại gì cả. Vở kịch được các thầy cô tuyển chọn tham gia đêm văn nghệ tất niên. Chúng tôi rất vui, nhất là Duyệt, mừng đến nỗi nhảy nhót lung tung. Con nhỏ này lai Pháp, rất xinh, thật thà và đầy thiện chí. Nhưng cũng vì nó mà tiết mục của chúng tôi bị “bể dĩa” một cách oan uổng. Số là, khi lên sân khấu, học sinh cứ nhắm vào nó mà hét ầm lên: “Tây lai, Tây lai, mười hai lỗ...” làm chúng tôi quên hết cả lời thoại.

Lớp tôi có Nguyễn Thị Trân Châu, gương mặt đẹp thanh thoát như Đức Mẹ đồng trinh. Nhớ có lần nó mặc chiếc áo dài màu hoa cà, thế là hai tuần sau, trên báo VNTP xuất hiện bài thơ đề tặng, ký tên V.Y.: “Em mặc áo màu tím, đi trong bụi hoàng hôn, tôi nhìn theo quyến luyến, cô đơn mảnh tâm hồn..”. Trân Châu học rất giỏi nhưng tình duyên lận đận. Năm 1964, nó thi rớt Tú Tài vì gặp phải một cú sốc (người yêu chết). Nói đến người đẹp lớp tôi, còn có Phan Thị Thu Liên và Phan Thị Thu Hà. Thật ra, chỉ có Thu Liên là xinh nhờ có đôi mắt đẹp giống Andrey Hepburn, còn Thu Hà mắt một mí nên không có gì đặc sắc. Tính nết hai chị em khác nhau một trời một vực. Thu Liên dịu dàng thùy mị, Thu Hà nóng nảy, hay giận. Nó đụng độ bạn bè nhiều lần nhưng không buồn cười bằng một chuyện vui, năm chúng tôi học đệ ngũ (lớp 8 bây giờ). Giờ Việt Văn hôm đó, học trích đoạn tác phẩm “Chinh Phụ Ngâm”, có hai câu; “Hà lương chia rẽ đường này, bên đường trông bóng cờ bay bùi ngùi..”. Trong lớp lại có bạn nam tên Mai Xuân Lương, thế là tụi nó cáp đôi Hà-Lương, Hà-Lương náo loạn cả lớp. Chuyện không có gì ầm ĩ, vậy mà Thu Hà khóc toáng lên, méc thầy, thầy cho qua. Tức quá, nó lên văn phòng méc ông Hiệu Trưởng (bấy giờ là ông Nguyễn Đăng Ngọc), ông cũng chỉ biết cười, không phân xử nổi.

Nói chung, các bạn nữ lớp tôi, người nào cũng có nét duyên dáng riêng: Võ Thị Hồng Đóa, Bùi Thị Lệ Hằng, Lê Thị Quý Phẩm, Ngô Thị Kim Oanh, Hồ Thị Bán, Đặng Thị Thành, Châu Thị Yến Loan, Nguyễn Thị Lạc Giao, Phạm Thị Quỳnh Chi, Bùi Thị Hồng, Lưu Thị Lựu, Đào Thị Thái... sau đó xuất hiện một gương mặt mới có nhan sắc của nàng Thúy Vân: Hoàng Bích Quân. “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” của nó đã dấy lên hai nguồn dư luận, kẻ khen người chê. Riêng tôi, tôi thấy Bích Quân rất dễ thương nhờ có làn da trắng hồng, li ti những đường gân máu trông như cánh hoa xuân... Lên đệ lục (lớp 7 bây giờ), phân ban sinh ngữ, nam nữ học chung bên vở kịch Hòn Vọng Phu của chúng tôi năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ), có sự tham gia của bạn Nguyễn Văn Khánh. Ngoài ra, tôi còn nhớ một số bạn nam khác như Vương Ngọc Hà, Nguyễn Hữu Lân, Trần Duyệt Tảo, Phan Xuân Tứ, Cao Ngọc Trảng... với biết bao điều muốn nói, bao kỷ niệm buồn vui của một thời áo trắng - lứa tuổi đẹp nhất đời người.

Sau kỳ thi Tú Tài (1964), chúng tôi như những cánh chim trời tung bay bốn phương.

Thôi xin giã từ mây trời thành phố
Hàng me nghiêng nghiêng ôm bóng Bạch Đằng
Mai này xa xôi vọng về quá khứ
Ghế đá ngậm ngùi tâm sự giá băng...

III. NGÀY TRỞ LẠI

 

Năm 1972, tôi về trường Phan Thanh Giản nhận một số giờ dạy. Mười sáu năm qua, ngôi trường thời thơ ấu của tôi có một vài thay đổi như sân trường được tráng xi măng, một dãy lầu được xây đối diện với dãy cũ...

Tôi dạy môn Công Dân khối 8 và 9. Năm sau, phụ trách thêm môn Vạn Vật khối 7. Năm 1975, trường giải thể. Ba năm - khoảng thời gian quá ngắn ngủi để khắc sâu những kỷ niệm với trường lớp, các bạn đồng nghiệp và nhất là các em học sinh. Hơn nữa, tôi không làm công tác chủ nhiệm nên không có dịp gần gủi các em, chia sẻ cùng các em những tâm tư tình cảm, những khó khăn trở ngại trong học vấn cũng như trong đời sống gia đình.

Về trường, tôi gặp lại một vài bạn cũ giờ trở thành đồng nghiệp như Lâm Thúy Hậu, Phan Thị Huệ... quen thêm nhiều bạn khác như Tuyết Anh, Mộc Lan, Phạm Thị Cẩm, Võ Anh Dũng... Nói chung, tất cả đều đối xử tốt với nhau, hòa đồng, vui vẻ.

Năm đầu tiên trường tổ chức cắm trại ở Sơn Chà, hôm đó trời lất phất mưa, tôi ghé thăm một trại lớp 8. Cô trò ngồi quây quần bên nhau, có em học sinh ca tặng tôi một bài vọng cổ. Từ trước tới nay, tôi không hề thích cải lương, vậy mà nghe em ca, lòng tôi rung động thật sự. Giọng của em nức nở, ngây thơ, kể lể tâm sự của một đứa bé đánh giày, kiếm tiền về nuôi gia đình. Bài ca vừa chấm dứt, các em tranh nhau hỏi: “Cô ơi, nó ca hay không cô? Hay không cô?” Tôi gật đầu: “Hay lắm, rất cảm động.” “Cô ơi, cô thích vọng cổ không cô?” Tôi lắc đầu: “Cô không thích. Nhưng riêng bài vọng cổ do em.. gì đó vừa ca thì cô rất thích.” Các em lại lao nhao: “Nó tên Minh đó cô!” “Nó là đệ tử của Út Trà Ôn đó cô!” “Nó là..”.

Minh là cậu học trò đầu tiên tôi nhớ (hình như là Trương Phước Minh?), em học không giỏi lắm nhưng rất lanh lẹ, thường giúp tôi viết bảng, phát bài, đọc điểm.. em học sinh gây cho tôi nhiều ấn tượng nhất là Trần Thị Vĩnh Ánh, năm đó em học lớp 9/5. Ánh nhỏ người, trắng trẻo, gương mặt rất thùy mị, hiền lành. Ánh học giỏi, luôn luôn dẫn đầu lớp. Mỗi lần chấm bài Ánh, nhìn chữ viết sạch sẽ, bố cục bài rõ ràng, tôi thường nghĩ đến những hoa thơm trái ngọt đang đón chờ em bước trên đường tương lai. Nào ngờ, khoảng năm 1977, 1978, tôi gặp em ngồi bán kim chỉ ở chợ Cồn. Em chào tôi, thăm hỏi rất lễ phép. Lòng tôi chợt chùng xuống, thương cô học trò bé nhỏ không gặp thời. Làm chủ một sạp hàng ở chợ có nghĩa là Ánh đang giàu hơn tôi gấp bội, nhưng tôi vẫn xót xa cho hoàn cảnh của em, bởi vị trí của em bây giờ phải là giảng đường đại học. Tại sao em lại phải bỏ cuộc nửa chừng?

Hồi đó, hoạt động văn nghệ của trường Phan Thanh Giản rất rầm rộ, nhiều em học sinh tha hồ phát triển tài năng của mình. Đầu tiên, phải nhắc đến Trịnh Quốc Phú, cậu học sinh cao lênh khênh, gương mặt con gái, dáng đi yểu điệu nên mỗi lần bước ra sân khấu, bạn bè la ó ầm lên.

Nhưng điều không thể phủ nhận là Phú hát rất hay. Bài tủ của Phú là “Ai về sông Tương” của nhạc sĩ Thông Đạt. Giọng của Phú mượt mà đầm ấm, nhất là mỗi lần kết câu... Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ, vô tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ... làm người nghe rung từng nhịp đập của trái tim.

Nhất là bên nữ là Nguyễn Thị Lựu, em hát không thua gì ca sĩ. Tôi rất thích nghe em hát bản Em Đếm Thăm Anh Một Chiều Mưa của nhạc sĩ Tô Vũ... “Có hay lúc em về, gót chân bước gieo âm thầm trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh..”. Lúc đó tôi thường nghĩ, nếu Lựu ở Sài Gòn, chắc chắn sẽ được rất nhiều phòng trà ký hợp đồng như trường hợp Nguyễn Chánh Tín hồi năm 1970. Lựu có cô em tên là Lài hát cũng hay. Mỗi lần trường tổ chức văn nghệ liên hoan, hai chị em thường song ca bài “Hoa rụng bên sông”, dáng dấp nhỏ nhắn, hiền hòa, trông rất dễ thương.

Trường còn có Thùy Dương, em thường hát “Ngày về quê cũ” của nhạc sĩ Khánh Băng, nhịp vững, điêu luyện. Trong Ban Văn Nghệ trường, xinh nhất là Kim Nhàn, bé nhất là Nguyễn Thị Nhung. Nhàn hát không hay bằng Lựu, Thùy Dương... nhưng giọng em chân phương, mỗi lần ra sân khấu, đôi mắt đen xoe tròn, mái tóc dày óng ả của em dễ chiếm trọn vẹn thiện cảm của mọi người. Riêng Nguyễn Thị Nhung có phong cách nhí nhảnh rất đáng yêu, đặc biệt, em rất tự tin trước đám đông. Tôi nhớ có một lần, em mới cất tiếng đã sai tông nhưng vẫn bình tĩnh cười rất tươi, nói với khán giả: “Xin lỗi các thầy cô, các bạn, em xin hát lại.”

Dạy học là một nghệ thuật. Dù đã trang bị kiến thức đầy đủ, nhưng không phải ai cũng thành công khi truyền thụ lại những hiểu biết của mình cho học sinh. Tôi đã rơi vào trường hợp đó. Môn Công Dân hoàn toàn trái ngoe với chuyên môn của tôi, nên những giờ dạy của tôi chắc là khô khan và nhạt nhẽo lắm? Vì hôm đó, tôi bắt được một tờ giấy chuyền tay của hai nam sinh lớp 9: “Cô này là luật sư sao dạy chán quá. Mình phải quay cô mới được.” Cầm tờ giấy trong tay, tôi hơi ngỡ ngàng (Không lẽ làm luật sư mới dạy môn Công Dân được sao?) nhưng vẫn làm mặt nghiêm nghị, ra lệnh cho hai tên “thủ phạm” đứng lên: “Nào, hai em muốn quay gì? Cứ tự nhiên. Cô sẵn sàng nghe đây” Hai gương mặt đang hồng hào chợt tái xanh tái xám khiến tôi cảm thấy tội nghiệp lên không nỡ phạt: “Có gì không hiểu cứ hỏi cô. Nhưng không được bàn luận riêng trong giờ học, cũng như không nên dùng chữ “quay”, vừa vô lễ, vừa bất lịch sự.” rồi cho phép chúng ngồi xuống (rất tiếc là tôi không nhớ tên hai em này).

Giờ dạy Vạn Vật thoải mái hơn. Các em ngoan ngoãn, chăm chỉ nhưng thường hay tị nạnh nhau mỗi lần tôi chấm bài kiểm tra. Hình như năm đó, trường có cả chục lớp 7, nhưng tôi chỉ nhớ tên vài em xuất sắc như Nhược Thủy, Nhật Lệ, Mỹ Phương...

IV. VÀ BÂY GIỜ

Trên những chặn thời gian của cuộc đời, tôi đã gặp lại một số trong những người tôi đã nhắc đến tên trong bài viết này. Năm 1968, tôi gặp Thu Hà ở trường Dược Sài Gòn, nó nói chuyện rất vui và cởi mở, không còn trẻ con như ngày xưa nữa. Cùng năm đó, tôi gặp Phạm Thị Duyệt cũng tại Sài Gòn, nó đã có chồng người Phi Luật Tân; năm 1970, tôi gặp Bích Quân ở chợ Bến Thành, nó khoe vừa sinh con gái đầu lòng (sau này, thấy cô hoa hậu Lý Thu Thảo có gương mặt hao hao Bích Quân, năm sinh cũng trùng hợp, tôi nghi cô ta là con của Bích Quân. Nhưng hỏi lại thì không phải); năm 1971, tôi gặp Lệ Hằng ở tòa soạn báo Tuổi Hoa, lúc này đang nổi tiếng như cồn với những cuốn tiểu thuyết trữ tình: Thung Lũng Tình Yêu, Mắt Tím, Tóc Mây.. đến năm 1982, tôi lại gặp nó đang công tác tại Xưởng Phim Tổng Hợp Thành Phố, hai đứa qua lại thăm nhau luôn cho đến ngày nó được con bảo lãnh ra nước ngoài; năm 1972, về Đà Nẵng, tôi gặp Bích Lan đã có 4 con, Hồ Thị Hồng góa bụa, Lưu Thị Lựu, Yến Loan hiện đang dạy học, Kim Oanh bán kim khí điện máy ở chợ Cồn; Hồ Thị Bán làm nữ hộ sinh, chính Bán đã đỡ cho tôi cháu đầu lòng vào năm 1973; năm 1976, tôi gặp Đặng Thị Thành làm giám hiệu một trường cấp I, Nguyễn Hữu Lân hành nghề bác sĩ tại nhà; khoảng năm 1983, tôi tình cờ nhận ra Kim Nhàn thấp thoáng trong một vài bộ phim như (Ván Bài Lật Ngửa, Vụ Án Hồ Con Rùa...), sau đó, lại gặp Nhàn bán vải ở chợ Tân Định, em rất vui khi thấy tôi. Năm kia, Nguyễn Thị Lựu từ Đà Nẵng vào có gặp tôi. Lạ một điều là em vẫn còn rất trẻ dù đã 5 con. Trong số bạn bè cùng lớp, chỉ có Đào Thị Thái cùng tôi lên đại học, ra trường, cùng viết cho tủ sách Tuổi Hoa, Áo Trắng, Tuổi Hồng... với bút hiệu Kim Hài, cho đến bây giờ vẫn còn gặp nhau.

Cách đây khoảng vài năm, các cựu học sinh Phan Thanh Giản đã tổ chức những buổi họp mặt tại Đà Nẵng và Sài Gòn để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ. Tôi đã có dịp thấy lại các đồng ngihệp xưa như Thầy Thành, Thầy Diệp, cô Phụng, Thầy Đỉnh, Cô Hội (qua ảnh)... Và nhà Kim Nhàn, ở Sài Gòn, tôi đã gặp lại một số đồng nghiệp và các em học sinh cũ như Tuấn, Dũng, Tâm, Mai, Bích, Nga, Thạnh, Nguyệt, Ngân.. trong bầu không khí thân mật, đầm ấm.

Trải qua bao sóng gió cuộc đời, người thành đạt - kẻ không gặp vận may, người còn ở Việt Nam - kẻ sống đời lữ thứ... thời gian vẫn không tha một ai. Tất cả chúng ta, giờ tóc đã không còn xanh, da đã không còn thẳng, hãy ngồi lại với nhau cùng nhớ về những ngày xưa...

 

Thùy An
Viết xong 14-8-99

 

- Bài trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -

Quý vị muốn đặt mua đặc san này xin bấm vào Gian Hàng PTGĐN, Đa tạ!