QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG
1307-1996

Nguyễn Văn Xuân
(CGS Phan Thanh Giản Đà Nẵng)

Tên Quảng Nam xuất hiện sau năm 1471 với cuộc đại thắng của Lê Thánh Tôn trên đường Nam Tiến. Những cơ sở hình thành từng bước để tiến tới tên Quảng Nam thì bắt đầu từ năm 1306, khi công chúa Huyền Trân đời Trần được vua Chế Mân lấy vùng Châu Rí, Châu Ô làm sính lễ cưới bà về Chiêm Thành. Năm 1307 chính thức vua Trần nhận đất hai châu đổi ra Thuận Châu và Hóa Châu.

Thời bấy giờ, Thuận Châu, Hóa Châu được chia làm nhhiều huyện, trong đó có Điện Bàn - miền núi.

Đây là vùng có đặc điểm: Từ Bắc vào Nam qua ngả Hiên và cũng từ đây muốn vào khu vực Tây Nguyên thì qua ngả Giằng, còn muốn Nam Tiến qua đất Chiêm Thành thì dọc qua đường biển.

Thời kỳ này chưa có đường đèo Hải Vân mà đường qua Dốc Bút rất thông dụng. Cũng thời kỳ thế kỷ XIV, XV, Điện Bàn - miền núi được mở mang lần khỏi khu vực này là Đại Lộc. Hòa Vang tiến xuống lần các đồng bằng trung châu.

Cũng từ đây, Chiêm Thành luôn luôn đưa binh vào đánh với Đại Việt. Kể từ năm 1376, vua Trần Duệ Tông tiến quân vào Chà Bàn (Bình Định) bị chết trận thì đến năm

1377, rồi năm 1383, Chiêm Thành phản thế mang quân đánh kinh đô Đại Việt; năm 1382, năm 1383 và nhiều năm sau, đánh Thanh Hóa, Quang Oai... vua Việt trốn khỏi kinh đô. Cái tên Chế Bồng Nga trở thành hung thần lừng lẫy từ vua đến quan dân đều kiêng sợ, cho đến năm 1390 Chế Bồng Nga chết, triều đình mới thở phào. Đất Điện Bàn trải qua cơn sốt nhiều năm.

Năm 1400, sau khi lên ngôi, Hồ Quý Ly, rồi Hồ Hán Thương phản công. Đường thiên lý dẫn đến Điện Bàn được đắp, dọc đường lập phố xá và trạm dịch, quân Chiêm dâng đất Chiêm Động là phần lợi hại nhất và cũng là đất có những kinh đô Trà Kiệu, Đồng Dương và

Thánh Địa Mỹ Sơn. Đất này sau gọi là Thăng Hoa, tức là phần đất còn lại có biên giới với huyện Điện Bàn đến hết huyện Núi Thành ngày nay. Họ Hồ còn ép Chiêm Thành dâng luôn đất Tư Nghĩa (sau này là Quảng Ngãi).

Điện Bàn và Thăng Hoa rồi ra gặp nhiều gian nan vất vả vì liền đó quân Minh sang đánh, quân ta phải rút về Châu Hóa. Người Chiêm Thành dựa vào quân Minh phản công lấy lại Thăng Hoa, đánh Hóa Châu và khi tiến khi lui suốt đời Hậu Trần. Cùng cuộc kháng chiến với Lê Lợi, Hóa Châu (trong đó có Điện Bàn) lập nhiều công lớn và năm 1441, nhân Chiêm Thành ra đánh quân triều đình chưa tới, tự Hóa Châu xuất quân đánh bại Chiêm Thành, vua khen không hết lời. Tuy vậy, đất Điện Bàn và Thăng Hoa chưa hết xung đột với Chiêm Thành, nhất là Thăng Hoa, coi như vùng xôi đậu.

Cho tới năm 1471, Lê Thánh Tôn mang đại quân vào tập kết ở Tân Ấp (tức cửa Hiệp Hòa, rồi Đại Ấp và nay là Kỳ Hà), không cần đánh, chỉ dùng mưu đẩy lui được quân Chiêm rồi tiến chiếm Đồ Bàn. Bắt đầu từ đây, Đại Việt có Đạo Quảng Nam (Quảng là rộng, Nam là phương nam), bao gồm từ Thăng Hoa vào Hoài Nhơn (Bình Định). Đạo Thừa Tuyên Quảng Nam là đạo thứ 13 của Đại Việt kể từ năm 1471. Điện Bàn vẫn còn là một huyện của Thuận Hóa thuộc phủ Triệu Phong. Còn Thăng Hoa gồm các huyện: Lê Giang, Hà Đông, Hy Giang (Lê Giang đến năm 1604 đổi là Lễ Dương, Hy Giang thành Duy Xuyên).

Năm 1604, khi Nguyễn Hoàng vào xứ Đàng Trong và xếp đặt việc cai trị có tên dinh, Điện Bàn mới tách rời khỏi Triệu Phong, Thuận Hóa, thành lập phủ quán năm huyện: Tân Phước, An Nông, Hòa Vinh (Vang), Diên Khánh, Phú Châu và là một phủ của dinh Quảng Nam. Dinh trấn cai quản xứ ban đầu lập ở xã Cần Húc, ít lâu sau dời về xã Thanh Chiêm - Điện Bàn.

Như thế là bắt đầu từ đây, chúng ta có hai phủ: Thăng Hoa và Điện Bàn. Người dân ở phủ nào lấy tên theo phủ ấy và gộp lại thì gọi: Người Thăng Điện. Hai phủ này có công lớn trong việc khai thác miền Nam (Nam Trung Bộ và Nam Bộ).

Cũng vào thời kỳ này, phố Hội An được thành lập cho người Hoa, người Nhật, sau đó người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... vào buôn bán. Do sự buôn bán rộng lớn có tính quốc tế, Trung Quốc biết Hội An hơn cả kinh kỳ, nên gọi xứ này là Nước Quảng Nam . Sau này, khi Tây Sơn ra Bắc, người Bắc cũng gọi là giặc Quảng Nam . Tên xứ Quảng Nam sau khi Tây Sơn thất bại cũng không còn nữa.

Vua Gia Long khi lên ngôi năm 1802 thì chia phủ ra trấn và doanh. Đặc biệt kinh kỳ là Huế, thống lãnh các doanh để làm trực kỳ, tức là trực tiếp với Trung Ương: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (sau đổi Thừa Thiên), Quảng Nam , Quảng Ngãi là trấn nhưng không hiểu sao người ta vẫn gọi vùng này là Ngũ Quảng. Cũng từ đây có lệ ghép tỉnh nhỏ vào tỉnh lớn như Quảng Ngãi ghép vào Quảng Nam , Tổng Đốc đóng tại Quảng Nam và gọi là Nam - Ngãi Tổng Đốc có quyền coi việc binh, dân, quan lại, sửa sang bờ cõi. Mỗi doanh đều có một quan Tuần Vũ coi hành chính, giáo dục. Người dân Quảng Nam bao gồm từ đèo Hải Vân vào biên giới Quảng Ngãi cũng hết gọi là dân Thăng Điện mà là dân Quảng Nam . Đến đời Minh Mạng 1831 doanh đổi thành tỉnh (theo lối Trung Quốc), kể từ đó, Quảng Nam mới thực sự là tỉnh Quảng Nam cho đến nay.

Năm 1888, thực dân Pháp lấy cửa Hàn làm nhượng địa và kể từ đó, Pháp cai trị trực tiếp Hàn, lấy tên Tourane trở thành một thành phố có Thị Trưởng hay Xã Tây cai trị.

Cho đến năm 1945, sau 9-3, Nhật đảo chính Pháp, Tourane vẫn là thành phố. Đến tháng 8 năm 1945, đổi tên thành Thái Phiên và Quảng Nam đổi thành Trần Cao Vân. Kháng chiến chống Pháp, Quảng Đà là tên bao gồm Quảng Nam và Đà Nẵng.

Trong khi ấy, sau 1946, dưới thời bị chiếm đóng. Quảng Nam - Đà Nẵng trở lại hai đơn vị hành chánh riêng rẻ.

Đà Nẵng vẫn là thành phố có thị trưởng. Quảng Nam có tỉnh trưởng đóng lỵ sở tại Hội An.

Thời Ngô Đình Diệm, Quảng Nam được chia thành Quảng Nam , Quảng Tín. Hội An trở thành tỉnh lỵ của Quảng Nam . Từ Thăng Bình vào biên giới Quảng Nam là Quảng Tín, tỉnh lỵ đóng tại Tam Kỳ.

Sau năm 1975, Quảng Nam - Đà Nẵng là một tỉnh, lỵ sở đóng tại Đà Nẵng và đến năm 1997 này, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung Ương và tỉnh lỵ Quảng Nam đóng tại thị xã Tam Kỳ.

 

(KH&PT số 49-50, 1997)

 

- Bài trích từ Đặc San Kỷ Niệm 50 năm trường PTGĐN 2004 -

Quý vị muốn đặt mua đặc san này xin bấm vào Gian Hàng PTGĐN, Đa tạ!