Mưa
Qua Thi Ca Việt Nam
(Dương
Viết Điền-CHS Niên Khoá 57-61)
"Đường
về đêm nay vắng tanh
Dạt-dào hạt mưa rớt nhanh
Lạnh-lùng mưa xuyên áo tơi
Mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh
Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập-ghềnh đường đi tối-tăm
Nghe trẻ thơ thức giấc bùi-ngùi."
...
Trên đây là những lời ca thật ủ-dột âm-u, những màu
sắc buồn-bả của đêm mưa ướt-át lạnh-lùng trong bản
nhạc “Kiếp nghèo” của nhạc-sĩ Lam-Phương. Vâng, nhạc-sĩ
Lam-Phương đã đem “Mưa” vào âm-nhạc Việt-nam.
Những giọt mưa thánh-thót rơi trong đêm khuya thanh-vắng
đã được nhạc-sĩ tạo thành một giai-điệu tuyệt-vời
nghe thật lâm-ly não-nùng.
Còn các nhà thơ thì sao? Họ có đem những giọt mưa
ấy vào thi-ca hay không? Nói đến mưa trong dòng thơ
Việt, ta thấy nhiều nhà thơ đã sáng tác rất nhiều
tác-phẩm bất hủ khi nói về mưa bay trong đời.
Nói đến trời mưa là nói đến cảnh vật u-buồn, ủ-dột.
Đường sá lầy lội ứơt-át triền-miên. Mùa mưa là mùa
của buồn-bã âm-u, mùa của hoang-vắng lạnh-lùng. Nhiều
lúc nhìn mưa rơi ta thấy lòng buồn vời-vợi. Buồn vì
cảnh vật sao mà tiêu-điều xơ-xác, buồn vì đêm khuya
nghe những giọt mưa thánh-thót như nức-nở bên thềm.
Ta hãy nghe bà Huyện Thanh-Quan tả cảnh mưa rơi chiều
thu qua những dòng thơ thật xơ-xác tiêu-điều:
“Thánh-thót
tàu tiêu mấy hạt mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu-sơ
Xanh om cổ-thụ tròn xoe tán
Trắng xoá tràng giang phẳng-lặng tờ.”
Thật vậy,cứ mỗi lần mưa rơi bao giờ ta cũng thấy cảnh
vật thật tiêu-sơ hiu-quạnh. Cây cối như rũ-rượi bơ-phờ
đứng dầm trong mưa qua những tháng ngày rét mướt.
Nhất là cảnh bến đó ngày mưa ở miền quê hoang vắng
mà thi-sĩ Anh-Thơ đã dệt nên những dòng thơ tứ-tuyệt
sau đây, làm cho ta thấy cảnh vật sao mà ủ-rũ tiêu-điều
:
“Tre rũ-rượi
ven bờ chen ướt-át
Chuối bơ-phờ đầu bến đứng dầm mưa
Và dầm mưa dòng sông trôi rào-rạt
Mặc con thuyền cắm lại đậu trơ-trơ.”
(Bức Tranh
Quê)
Cũng thế nhưng thi-sĩ Trần Tế Xương lại tả cảnh trời
mưa giữa đêm xuân, nhưng không phải với cây cối ủ-rũ
bơ-phờ mà “Hết đối đèn khuya lại ngắm hoa.”:
“Thánh-thót
mưa xuân ướt mái nhà
Gió đông gọi khách nhớ người xa
Bể trần lai-láng ,chiều lên xuống
Hết đối đèn khuya lại ngắm hoa.”
Tuy nhiên cho dù “Hết đối đèn khuya lại ngắm hoa.”,
nhưng một khi trời đã mưa thì không sao tránh khỏi
sự buồn-bã được. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây,
chưa bao giờ ta nghe nói đến cảnh trời mưa nào mà
vui cả.
Đã nói đến mưa là nói đến buồn thảm, tiêu-điều. Nhất
là đối với những người đang yêu mà lại xa nhau, thì
trời mưa là sự ngăn-cách, chia-ly. Chính trời mưa
đã làm cho những người đang yêu nhau cảm thấy buồn
vời-vợi vì phải xa cách nhau, để rồi nhìn mây trời
bay về nơi vô-định mà lòng nhung nhớ triền-miên. Nhất
là lúc đêm khuya thanh-vắng nghe tiếng mưa rơi thánh-thót
ngoài hiên, rồi nằm thao-thức nhớ người yêu. Lắm lúc
chàng ngồi đếm từng ngày để xem trời mưa kéo dài bao
lâu rồi mà không chịu tạnh để chàng gặp lại người
yêu cho bỏ những đêm dài trằn trọc vì nhung-nhớ. Nhà
thơ Nguyễn –Bính đã diễn-tả những ý-nghĩa trên qua
những dòng thơ lục bát sau đây thật nhẹ-nhàng:
“Tầm tầm
giời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm
Cô-đơn buồn lại thêm buồn
Tạnh mưa bươm-bướm biết còn sang chơi.”
Nhưng đau-đớn thay! Biết bao đêm không ngủ vì tưởng
nhớ người yêu rồi “ Mùa thương tay đợi mắt chờ.” đến
héo mòn cả con tim. Nhưng khi trời quang mây tạnh,
chàng vẫn không thấy nàng sang chơi nữa, nên chàng
đã nức nở lệ sầu giữa dòng đời hiu-quạnh vì vẫn còn
đơn thương độc mã,một bóng một hình :
“Hôm nay
mưa đã tạnh rồi
Tơ không hong nữa , bướm lười không sang
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng…tôi gục xuống bàn rưng rưng
Nhớ con bướm trắng lạ lùng
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.”
(Nguyễn-Bính)
Vì không gặp được nàng nên chàng lại nhớ, nhớ mãi
nhớ hòai, nhớ thương rồi thương nhớ. Trời càng mưa
chàng càng nhớ nhiều. Nhất là lúc trời mưa lại bay
về trên xứ Huế, khiến cho cảnh vật sao mà buồn da-diết
:
“Trời mưa
xứ Huế sao buồn quá
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
Nhớ ai, ai nhớ mà thương nhớ
…………………………….. .”
(Nguyễn-Bính)
Không phải chỉ có nhà thơ Nguyễn-Bính mới nhớ người
yêu khi trời mưa mà bất cứ ai khi có người yêu cũng
đều nhớ nhung chất-ngất, nhất là khi người yêu đó
đã là đấng phu-quân của mình rồi. Ta hãy nghe nhà
thơ Vi-Anh bày tỏ nỗi niềm nhung nhớ của mình đối
với chồng qua bài “ Mưa tím hòang-hôn” với những dòng
thơ ngũ-ngôn thật dễ thương và nhẹ nhàng :
“Mưa chiều
bên sông vắng
Nhớ anh buồn bâng-khuâng
Ngón tay em thầm lặng
Đưa tình vào mênh-mông
Sợi tóc dài thương nhớ
Bềnh-bồng trôi trong mưa
Cơn mưa chiều vội-vã
Ướt đẫm chiều hoang-liêu
Mưa hòang-hôn tím ngắt
Tím tà áo mây bay
Tím khung trời ước hẹn
Tím lòng em nhớ anh.”
( Vi-Anh)
Tuy-nhiên, có nhiều người bất chấp cả trời mưa vẫn
cố-gắng tìm cách gặp người yêu vì đã lỡ hẹn-hò từ
trước. Chàng đi đến quán nhỏ bên đường nơi hè xưa
phố cũ, quyết chí ngồi đợi chờ rồi quay mặt ra công-trường
nhìn mưa rơi lá đổ mà lòng buồn vời-vợi, vì vẫn chưa
thấy bóng dáng người yêu xuất- hiên ở công-trường:
“Mùa thu
đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công-trường lá đổ
Ngóng em kiên-khổ phút giờ.”
(Cung Trầm Tưởng)
Đã thế, nhiều người lại thích đi trong mưa để tiễn
người yêu về nhà sau giờ tan học. Hình ảnh chàng dắt
tay người yêu đang còn tuổi hocï-trò đi dưới mưa khi
lá vàng rơi phủ ngập cả đại lộ hôn-hoàng là hình ảnh
đẹp tuyệt-vời của những mối tình lãng-mạn nhất trong
thi-ca Việt-nam. Sau khi tiễn đưa nàng về nhà, chàng
bắt đầu nhớ-nhung buồn-bã để rồi phố-xá cũng buồn
theo dưới cơn mưa tầm-tả ở phố đông :
“Đã một lần
hình như xa xưa
Ta đưa em về dưới phố trời mưa
Cơn mưa tầm cuối giờ tan học
Rồi nhớ thương nhau mấy chẳng vừa
Đã một lần trời mưa phố đông
Ta nghe như ướt cả trong lòng
Đưa em con phố buồn như nước
Một kẻ đi rồi ta nhớ trông .”
(Song-Nhị)
Ngược lại, có nhiều người hẹn mà lại không đến, để
người yêu mỏi mắt chờ trông. Chiều thứ bảy trời mưa
bay bay, nàng ngồi một mình trong phòng vắng, tay
đợi mắt chờ mà lòng buồn vời-vợi. Nàng ước mơ được
chàng đến thăm rồi trao cho nàng những nụ hôn say
đắm. Nhưng chàng vẫn không đến, chàng đã lỗi hẹn.
Đúng là “hẹn mà không đến ,sao đày-đoạ nhau. Ôi, chiều
thứ bảu âu-sầu.!”:
“Chiều nay
thứ bảy trời mưa
Sao anh không đến hẹn-hò với em
Trời mưa ướt cả môi mềm
Sao an h không đến hôn em nghẹn-ngào ?
Cho em tìm ánh trăng sao
Đọng trong đáy mắt anh ngào-ngạt hương“
“Trời mưa một bóng em gầy
Hẹn mà không đến ,sao đày-đọa nhau ?
Oâi! Chiều thứ bảy âu-sầu !!! .”
(Hòang
ngọc Thuý)
Nhưng nếu chàng không có người yêu thì mỗi lúc mưa
bay về trong đời, chàng cũng cảm thấy lòng buồn man-mác
và “ nghe trời nằng nặng, ta nghe buồn –buồn.”, để
rồi nằm nghe mưa “rơi rơi…dìu-dịu rơi rơi…, trăm muôn
giọt nhẹ nối lời vu-vơ.” Nhà thơ Huy-Cận với bài “Buồn
đêm mưa .” đã cho ta thấy rõ điều đó qua mấy dòng
thơ lục bát đầy tiếng mưa rơi :
“Đêm mưa
làm nhớ không-gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao-la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng-nặng, nghe ta buồn- buồn
Nghe đi rời-rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…
Rơi rơi…dìu-dịu rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu-vơ …
Tương-tư hướng lạc, phương mờ…
Trở nghiêng gối mộng, hửng-hờ nằm nghe
Gió về lòng rộng không che
Hơi may hiu-hắt bốn bề tâm-tư …”
Và điều chắc-chắn khi thấy mưa rơi , ai ai cũng cảm
thấy lòng buồn da-diết , nhất là lúc “mưa mịt mờ ngọn
cây, mưa xô rừng núi ngã.” Ta hãy nghe nhà thơ Huệ-Thu
nói về nỗi buồn xa vắng khi thấy trời mưa mãi mưa
hòai:
“Ô hay trời
lạ quá
Mưa hòai mấy bữa nay
Mưa buồn không thể tả
Mưa chảy dài ngọn lá
Mưa mịt mờ ngọn cây
Mưa xô rừng núi ngã
Mưa gió đùa tóc bay.”
(Huệ-Thu)
Nói chung, bất cứ người nào khi thấy cảnh mưa rơi,
dù là gió mưa bão-bùng hay mưa bụi bay bay giữa phố-phường
cũng cảm thấy buồn man-mác.
Có thể buồn vì quang-cảnh tiêu-điều xơ-xác,ướt-át
lạnh-lùng. Buồn vì nhung-nhớ người yêu đôi bờ ngăn
cách. Buồn vì đang giang hồ phiêu-bạt ở đất khách
quê người nên nhớ quê nhà ,khi thấy cảnh trời chiều
mưa rơi tầm-tả vì tình hòai-hương luôn luôn tiềm-tàng
mãi trong lòng người lữ-khách.
Nhiều nhà thơ khi thấy mưa rơi rả-rích lòng mình bỗng
nhiên buồn diệu vợi. Mặc dầu ngòai trời mưa rơi như
thác đổ, nhung trong lòng vẫn khô cằn không có một
giọt nước như bị hạn hán nhiều năm, bởi tâm-hồn buồn-bã
triền miên vì những nỗi uẩn-khúc u-sầu cứ hiện về
trong tâm-khảm. Những nỗi uẩn-khúc u-sầu đó là tình
hòai-hương, là những ước mơ được trở về quê mẹ. Nhưng
vì nghịch-cảnh của cuộc đời nên những mơ-ước đó vẫn
chưa thực-hiện được, đành phải tạm-thời tha phương
cầu-thực thêm một thời -gian nữa. Và ngày về cũng
chỉ “độ đào bông .” Qua baì mưa rơi chốn cũ sau đây,
nhà thơ Duy-Lam đã cho ta thấy những u-uẩn đó vẫn
tiềm-tàng mãi trong lòng để rồi “ngồi buồn đếm cả
mênh-mông của đời.”:
“Trời mưa
rả-rích trời mưa
Lòng ta nức-nở gió đùa hắt-hiu
Mưa giăng mắc đón buổi chiều
Lòng ta hạn-hán bao nhiêu năm ròng
Xếp chồng u-uẩn trong lòng
Ngồi buồn đếm cả mênh-mông của đời
Tha-phương cầu-thực mọi nơi
Trở về chốn cũ tơi-bời gió mưa .”
(Duy-Lam)
Nhắc đến quê-hương tất cả mọi người ở đất khách ai
cũng cảm thấy lòng buồn da-diết.
Buồn vì xa quê nhà biền-biệt không biết được ngày
về thăm quê cũ, buồn vì nhớ lũy tre xanh bao bọc quanh
làng, buồn vì nhớ những cánh đồng luá bát-nghát như
những sóng lụa trôi trên lúa ở khắp miền thôn-dã.
Đã thế nhìn mưa rơi, lòng người thường quặn-thắt vì
nhung nhớ quê nhà nghìn trùng xa cách. Ta hãy nghe
nhà thơ Cung-Diễm tả cái buồn khi mưa bay về trên
phố vắng chiều đông:
“Trời buồn
trời đổ mưa bay
Ta buồn không rượu để say thêm buồn
Giăng-giăng từng sợi mưa tuôn
Lê-thê như kéo nỗi buồn vô-biên
Mưa gieo từng hạt ưu-phiền
Dòng tâm-tư chảy vào niềm thương đau
Giọt mưa không giọt ưu-sầu
Buồn chi trời cũng rơi châu sụt-sùi
Lạc-lòai một bóng chim côi
Bâng-khuâng đôi cánh giữa trời tha-hương
Bên kia bờ Thái-Bình-Dương
Tre xanh lúa ngát quê hương một trời
Mưa buồn chi lắm mưa ơi!
Trời mưa – không giọt mưa rơi trong lòng.”
(Cung-Diễm)
Xem thế,ta thấy rằng nỗi buồn man-mác của các nhà
thơ thường là bất tận. Vì những nỗi buồn này vô bờ
bến kéo dài triền-miên, khi chúng bắt nguồn từ cái
nhìn về phía mưa rơi rả-rích.
Nhiều người, cuộc sống đã gặp những đau buồn chua
xót vì phải sống bên cạnh người chồng chưa bao giờ
tỏ tình yêu thương vì những ái-ân lạt-lẽo, lại thấy
cảnh mưa rơi bay về giữa cuộc đời ảm-đạm, cô-tịch
nên cảm thấy tâm-hồn quá đau-khổ như con chim đang
bị nhốt trong lồng.
Ta hãy nghe nhà thơ T.T KH nức-nở sầu-thương như con
chim đang quằn-quại :
“Ngòai trời
mưa gió xôn-xao
Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo giam em
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái đời.”
Tóm lại qua thi-ca Việt-nam, ta thấy hầu hết các nhà
thơ đã ngụp lặn trong mưa gió bão-bùng để sáng-tác
nên những dòng thơ phủ ngập cả mưa rơi, gió thổi ,
để lại cho đời những tác-phẩm về mưa thật bất-hủ,
tuyệt-vời.
Dương
Viết Điền |