B


 

Tình yêu qua thi ca Việt Nam
 

 Dương Viết Điền

 

Khi nói đến tình yêu, thông thường người ta hay đề-cập đến sự rung động hai con tim của một cặp nhân-tình. Nói khác đi, khi hai trái tim của một nam và một nữ đang cùng thổn-thức bên nhau bất chấp cả thời gian lẫn không gian, người ta nói rằng họ đang yêu nhau. Như vậy ở đây chúng ta cần loại bỏ những trường-hợp tình yêu không do sự rung động của hai con tim bắt nguồn từ một vài trường hợp nào đó, hay vì những hoàn cảnh khác tạo thành. Chẳng hạn như hai người thành vợ thành chồng nhưng không phải vì họ đã yêu nhau ,mà do cha mẹ của hai gia-đình đã hứa hẹn với nhau từ trước như ngày xưa qua mấy câu thơ sau:

Chồng chị là ai
Chị nào có biết
Đợi đến ngày mai
Dòm sang kẻ liếp

Hay là trường hợp của hai nhà khoa-học trong tổ-chức “American Association for the Advancement of Science” đã tuyên-bố nhân ngày Valentine năm 1997 tại Washington rằng, tình-yêu lãng-mạn của con người từ cổ chí kim, từ đông sang tây là do ảnh-hưởng bởi những chuổi phản-ứng hoá-học mà thôi. Sở dĩ chúng ta cần loại bỏ những trường hợp nói trên vì hai chữ tình yêu mang một ý-nghĩa quá rộng lớn và cũng để cho phù-hợp với đề tài vậy.

Ai cũng biết rằng "Cái tình là cái chi chi, dẫu chi-chi cũng chi-chi với tình". Cái chi-chi ở đây là sự yêu nhau say-đắm, là sự nhớ-nhung chất-ngất. Cái chi-chi ở đây là những quằn-quại đớn đau, là những năm tháng giận hờn. Chàng yêu nàng rồi thề non hẹn biển. Nàng yêu chàng để rồi nức-nở sầu thương. Khi yêu nhau họ chẳng biết trời trăng mấy nước đâu cả. Đến lúc xa nhau vì không còn yêu nhau nữa, họ bắt đầu nhìn trời trăng mây nước mà lòng buồn vời-vợi vì "nghìn trùng xa cách người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười!" Thật vậy, tình yêu đúng là cái "chi-chi". Lắm lúc yêu nhau để rồi nhớ nhau mất ngủ. Lắm lúc yêu nhau nhưng bỗng nhiên lại giận nhau để rồi khắc-khoải đêm ngày. Yếu-tố "thất-tình" (vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ) luôn luôn ám-ảnh cặp tình-nhân khi hai trái tim họ đang cùng thổn-thức. Theo y-lý Đông-phương, yếu-tố "thất tình" đưa đến tình-chí bị kích-động, sang-chấn về tinh-thần. Điều này làm cho âm-dương, khí huyết, tạng-phủ, kinh-lạc mất thăng bằng rồi sinh ra đủ thứ bệnh-tật. Bởi vì khi hai người yêu-nhau, chắc-chắn những chuyện vui, giận, buồn, lo, nghĩ, kinh, sợ sẽ xuất-hiện trong tâm-hồn họ hằng ngày. Cứ thế, nếu chàng và nàng càng yêu nhau, yếu-tố "thất-tình" xuất-hiện trong tâm hồn họ càng mãnh-liệt. Và cũng theo thuyết Đông-y, nếu vui quá sẽ hại tim, giận quá sẽ hại gan, suy-nghĩ quá sẽ hại tỳ, lo-lắng quá sẽ hại phổi, sợ-hải quá sẽ hại thận. Vì sự xuất-hiện của "thất-tình" khi họ đang yêu nhau nên nếu ta biểu-diển tình yêu của họ trên một đồ-thị, ta sẽ thấy đường cong khi lên khi xuống, khi cao khi thấp thất-thường. Và một ngày nào đó nếu ta thấy đường cong ấy đâm thẳng xuống và đụng trục hoành, thế là xong: chàng và nàng vì một lý do nào đó không lấy nhau được nên đã cùng nhau nhảy xuống sông để vĩnh-biệt cõi đời cho trọn tình trọn nghĩa, cho trọn vẹn lời thề. Anh chàng Romeo và nàng Juliette của Shakespear đúng là biểu tượng của đường cong này ở nơi có dòng sông Thames tuyệt đẹp và sương mù che phủ quanh năm. Anh chàng Lương sơn Bá và nàng Chúc anh Đài cũng không nằm ngoài quỹ-đạo đó ở bên xứ Vạn lý trường thành.

Riêng tại nước ta, lịch-sử tình yêu cũng đã cho ta thấy rất nhiều chuyện tình buồn vời vợi, mỗi khi nhớ lại ai ai cũng phải rơi lệ đến nghẹn-ngào. Vậy thì qua thi-ca Việt-nam, ta hãy xem "cái tình lá cái chi-chi, dẫu chi-chi cũng chi-chi với tình" đó được diễn-tả như thế nào?

Vì hai chữ tình-yêu quá rộng lớn nên để trình bày được dễ-dàng, chúng ta tạm thời chỉ đề-cập đến ba phần: lúc đang yêu nhau, tình yêu bất thành và tình yêu đã thành nhưng rồi phải xa nhau.

A. Lúc đang yêu nhau:

Một triết-gia Tây-phưong, ông Virgile, đã từng nói rằng ái-tình còn mạnh hơn sự chết. Vì thế mà lúc đang yêu nhau, đôi tình-nhân chẳng biết trời trăng mây nưóc hiện giờ nẳm ở đâu. Họ chỉ biết yêu nhau thật say đắm, yêu nhau thật điên-cuồng, miễn sao họ cảm thấy đê-mê trong hồ bơi tình-ái cho dù nếu có động đất xảy ra đến 9 hay 10.9 Độ Richter, họ cũng vẫn yêu nhau đắm say vì "ái-tình còn mạnh hơn sự chết" mà! Lúc mới bắt đầu yêu, đôi tình-nhân nghe tim mình đập thình-thịch. Thế rồi bốn mắt nhìn nhau như bị thôi-miên vì đang say đắm và ngụp lặn trong men tình. Rồi môi bắt đầu run như bị cảm lạnh khi đi giữa đêm đông đầy giá rét. Cặp tình-nhân cảm thấy như có cái gì chận ở cuống họng nên bị nghẹn lời. Vâng, họ đang yêu nhau đấy:

Môi run, lời chẳng ngỏ,
Mắt đắm trong men tình:
Thì ra hai đứa chúng mình say yêu,
Lòng phiêu-phiêu.
Ngợp trong cảm-giác rất nhiều mến thương.
Phải chăng giấc mộng yêu-đương
Hay cơn say tình bất thường là đây?
(Trong bài "Say Yêu" của Nguyễn thị Vinh)

Tuy-nhiên có nhiều đôi tình-nhân không muốn trầm lặng, không muốn nghẹn-ngào. Bởi vì chàng muốn nàng phải nói, phải nói và phải nói. Chàng muốn nàng phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần. Chàng muốn nàng khi yêu thì tay phải riết, miệng phải cười, đầu phải ngà chứ đừng êm-đềm và phẳng lặng như mặt nước hồ thu khi đứng gió. Yêu tha-thiết như thế vậy mà vẫn thốt lên là chưa thấm vào đâu:

Yêu tha-thiết thế vẫn còn chưa đủ,
Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần;
Phải mặn-nồng cho mãi mãi đêm xuân,
Đem chi bướm thả trong vườn tình ái.
Em phải nói, phải nói và phải nói:
Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày.
Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say,
Bằng đầu ngả, bẳng miệng cười, tay riết,
Bằng im lặng, bằng chi anh có biết!
Cốt nhất là em chớ lạnh như đồng,
Chớ thản-thiên bên một kẻ cháy lòng,
Chớ yên-ổn như mặt hồ nước ngủ.
Yêu tha-thiết, thế vẫn còn chưa đủ.
(Trong bài: "Phải Nói" của Xuân-Diệu)

Để tiếp-tục cuộc chiến tình-yêu như đôi nhân-tình nói trên, nhiều cặp tình-nhân yêu nhau quá cuồng-nhiệt. Tình yêu của họ được biểu-lộ qua những động-tác hết sức mãnh-liệt đầy dục-tình. Nhất là lúc họ đã trở-thành đệ-tử của Lưu-Linh để cố say sưa cho quên đời mặc cho trời đất nghiêng-ngửa, mặc cho mưa gào gió thét, cho dù đó chỉ là hư-ảnh của nàng mà chàng đang ngồi mơ tưởng:

------------------------

Ánh đèn tha-thướt
Lưng mềm, não-nuột dáng tơ
Hàng chân lả-lướt
Đê-mê hồn gởi cánh tay hờ.
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường gương điên-đảo bóng giai-nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập-chờn như biền gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
Tay mềm mại, bước còn chưa chếnh-choáng.
Chưa cuối xứ Mê-Ly, chưa cùng trời Phóng-Đãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi-lả ánh đèn
Cho cung-bực ngả-nghiêng, điên rồ xác-thịt.
Rượu, rượu nữa, vă quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi.
Chân rã-rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi
Trong men cháy, giác-quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng-ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ em ơi!
(Trong bài: "Say đi em" của Vũ hoàng Chương)

Ngược lại với chuyện tình trên, đôi uyên-ương khác lại muốn khi yêu nhau hãy để cho tình yêu nằm lơ-lững giữa trời! Chàng không muốn gặp nàng để cho cuộc tình trở thành huyền-thoại, để cho cuộc tình đẹp mãi nghìn đời. Em hẹn anh rồi nhưng đừng đến nghe em. Có như thế anh mới nhớ em đến điên cuồng và khờ dại, anh mới nhớ em đến điêu đứng, quay quắt để rồi rối loạn cả tâm hồn. Nếu đã trót lỡ đến thăm anh dù trời đang mưa hay nắng, em hãy cố-gắng quay về đừng gặp anh nữa nghe em, đề cho anh được rung cảm hồn anh theo một giai-điệu trầm bỗng tuyệt-vời: Đời mất vui khi đã vẹn câu thề, tình chì đẹp những khi còn dang dở. Mấy vần thơ sau đây của thi-sĩ Hồ Dzếnh đã diễn tả chuyện tình này thật diễm-tuyệt:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân.
Ngó lên tay thuốc lá cháy lụi dần,
Anh nói khẽ: "Gớm, sao mà nhớ thế!"
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi, tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu-luyến lúc ban đầu,
Thưở ân-ái mong manh như nắng lụa.
Hoa lá ngập-ngừng, cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi.

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Anh sẽ trách, cố-nhiên, nhưng rất nhẹ:
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề,
Tình chỉ đẹp những khi còn dang-dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau lơ-lửng...với nghìn xưa.
(Bài "Ngập-ngừng" của Hồ-Dzếnh)

Tuy-nhiên có nhiều cặp tình-nhân thật là rắc rối, mong người yêu đến từng giờ, từng phút, từng giây vì khi xa người yêu thì nhớ nhung chất-ngất. Nhưng khi người yêu đã đến với nàng cũng vì nhung nhớ đến điên-cuồng, nàng lại phủ-nhận sự hiện-hữu của chàng bên cạnh! Giận quá chàng không biết phải làm sao, chỉ biết thổ-lộ tâm-tình qua mấy vần thơ:

Tao ở nhà tao, tao nhớ my,
Nhớ my nên phải bước chân đi.
Không đi my nói rằng không đến,
Đến thì my nói đến làm chi.
Làm chi tao đã làm chi được,
Làm được chớ tao đã làm chi.
(Bài "Bỡn tình-nhân" của Nguyễn công Trứ)

B. Tình yêu bất thành:

Không phải bao giờ yêu nhau cũng thành-tựu cả. Biết bao nhiêu mối tình lúc đầu thật đẹp, thật nên thơ nhưng rồi vì một lý do nào đó đã làm cho họ bất thành, để rồi phải xa nhau đời đời không sống chung với nhau được nữa. Có lẽ lúc mới gặp nàng lần đầu, chàng ta còn bỡ-ngỡ rụt-rè, tim đập loạn nhịp vì chưa bao giờ yêu. Phần vì thẹn-thùng, phần vì ngại-ngùng nên chàng chỉ biết nhìn nàng mà không nói nên lời. Để rồi sau này khi nghe nàng trần tình, chàng mới tiếc quay quắt vì chỉ có "ba đồng một mớ trầu cay" là có thể làm chủ được trái tim nàng mà không biết:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thưở nào ra
(Ca-dao Việt-nam)

Tuy-nhiên nhiều khi hai người mới gặp nhau có lẽ chỉ mới liếc mắt đưa tình mà trong lòng đã thấy bâng-khuâng rồi nhung-nhớ. Thế rồi sau đó họ đã xa nhau để rồi một trong hai người thấy buồn diệu vợi mà ngâm lên một giai-điệu thật não-nùng:

Chim xa rừng thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi!
Thà rằng chẳng biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa một nơi sao đành!
(Ca-dao Việt-nam)

Cũng giống trường hợp như trên, nhưng chàng và nàng ở cùng tổng nhưng lại khác làng. Hai người đã gặp nhau đâu đó khi đi cấy đi cày, hay lúc ra đồng gặt lúa rồi bất chợt nhìn nhau liếc mắt trao tình đề rồi hai con tim của chàng và nàng bỗng nghe xao-xuyến, bâng-khuâng. Thế rồi đêm khuya thanh vắng, nàng ngồi một mình mắt nhìn về làng nơi chàng đang ở mà nhớ, mà yêu, mà sầu, mà thảm, rồi cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi! Và nàng đã thốt lên trong cơn mê rằng thương chàng lắm lắm chàng ơi!:

Đêm qua mưa bụi gió bay,
Gió rung cành bạc, gió lay cành vàng
Em với anh cùng tổng khác làng
Nào em biết ngõ nhà chàng ở đâu!
Một thương, hai nhớ, ba sầu,
Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.
Thương chàng lắm lắm chàng ơi!
Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than,
Muốn than mà chẳng được than,
Kìa như đá đổ bên ngàn lầu Tây,
Đá đổ còn có khi đầy,
Thương chàng biết thưở nào khuây hở chàng.
(Bài "Thương nhớ anh", ca-dao Việt-nam)

Có nhiều cặp tình-nhân đang yêu nhau tha thiết thì chiến tranh bùng nổ. Chàng phải lên đường để bảo vệ non sông vì quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Thế rồi cảnh biệt ly sao mà buồn da diết. Chàng và nàng bắt đầu nhớ thương nhau. Chàng ở chốn biên thùy đang say khói súng giữa chiến địa hoang tàn, nhưng lòng vẫn buồn vời vợi và mắt luôn luôn vọng về cố quận xa xăm vì mỗi người mỗi ngã, đôi ngã đôi ta. Nàng ở quê nhà cũng buồn da diết vì nhớ thương chàng để rồi dòng lệ dạt dào tuôn trào trên má vì đôi bờ ngăn cách:

Xa quá rồi em người mỗi ngã
Bên này đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
(Trong bài: "Đôi Bờ" của Quang-Dũng)

Hay là cái thưở ban đầu lưu luyến ấy vào một đêm vừa gió lại vừa mưa, hai mươi bốn năm xưa, trong một gian nhà nhỏ, chàng và nàng ngồi nhìn nhau bên ngọn đèn dầu hiu-hắt để rồi cùng nhau than vắn thở dài rằng, tình thương nhau thì vẫn nặng, nhưng lấy nhau thì cả hai người biết chắc rằng không đặng. Có lẽ chàng và nàng đều biết cha mẹ sẽ không bằng lòng. Nhưng khi chàng và nàng đã quấn-quýt bên nhau giữa một đêm mưa gió bão-bùng thì buông nhau làm sao cho nỡ. Thôi thì chàng và nàng thương nhau được chừng nào thì thương nhưng rồi phải liệu tìm cách mà xa nhau vì không bao giờ thành vợ thành chồng làm sao mà tính việc thủy-chung:

Hai mưa bốn năm xưa
Một đem vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ
Trong gian nhà nhỏ
Hai cái đầu xanh kề nhau than-thở
"-Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng,
Mà lấy nhau hẵn là không đặng.
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi cho bằng sớm liệu mà xa nhau!"
"Hay. Nó mới bạc làm sao chớ.
Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng ấy.
Chẳng qua ông trời bắt ta phải vậy:
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng.
Mà tính việc thủy chung?"

Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ đất khách gặp nhau,
Đôi cái đầu đều bạc,
Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi
Liếc đưa nhau đi rồi!
Con mắt còn có đuôi.
(Bài "Tình già" của Phan-Khôi)

Tuy nhiên không phải ai ai cũng yêu nhau để rồi tính việc chung-thủy đời đời mà trái lại nhiều khi mới yêu nhau, nhưng nàng lại tìm cách xa chàng vì tiếng sét ái-tình từ duyên mới. Điều này làm cho chàng bơ-vơ lạc lòng giữa dòng đời để rồi vết thương lòng triền miên tê tái khiến chàng đã phải thốt lên một giai-điệu đắng cay:

Sao em hờ hững thế cho đành,
Duyên mới cùng người hất hủi anh.
Tội nghiệp cho đời anh biết mấy!
Trăm năm chưa chắc vết thương lành"
(Trong bái "Hờ-hững" của Tế-Hanh)

Và cũng thế, chàng và nàng khi đã yêu nhau cứ tưởng sẽ yêu nhau mãi mãi trọn đời để rồi họ cùng nhau đắm say dưới ánh trăng vàng trong đêm khuya thanh vắng. Ngờ đâu chỉ vì một lỗi lầm nho nhỏ chạm tự ái nhau, chàng và nàng cuối cùng đã phải xa nhau khiến chàng ôm hận muôn đời khi biết nàng đang điên trến gối mộng người thương:

Hôm ấy trăng thu rụng dưới cầu.
Em cười, em nói suốt trăng thâu;
Yêu nhau những tưởng yêu nhau mãi,
Tình đến muôn năm chữa bạc đầu
............................
.......................................................
......................................................

Tình ái hay đâu mộng cuối trời...
Nhầm nhau giây lát hận muôn đời
Kẻ ra non nước người thành-thị,
Đôi ngã tình đi, người mỗi nơi.

Hôm nay ngồi ngắm ở bên sông,
Ta được tin ai mới lấy chồng;
Cười chưa dứt câu tình đã vội...
Nàng điên trên "gối mộng" người thương
(Trong bài "Tình điên" của Lưu trọng-Lư)

Nhưng nhiều khi nàng yêu chàng đến say đắm, điên cuồng và luôn luôn ước mơ xây dựng một lâu đài chung-thủy nghìn năm. Nhưng rồi nàng đã vỡ mộng vì gia đình bắt nàng phải lấy một người chồng mà con tim nàng chưa bao giờ có một mảy may rung động hay thổn-thức. Cuối cùng nàng đành phải ngậm đáng nuốt cay trước những ái-ân lạt-lẽo của người chồng qua biết bao nhiêu mùa lá rụng, để rồi lặng lẽ dệt mấy vần thơ thật nghẹn-ngào đầy nước mắt:

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái-ân lạt-lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim một bóng người.
(T.T.K.H)

Khi đọc mấy vần thơ trên của người yêu cũ, chàng thấy nhức nhối con tim để rồi đầm đìa giọt lệ vì thương nhớ nàng. Đêm đêm ngồi khắc khoải sầu thương khóc cho tình yêu sao mà đầy khổ-lụy, chàng cũng liền dệt mấy vần thơ rồi gởi cho nàng để an-ủi đời nàng:

--------------------------------------

Thôi em nhé! Từ đây anh cất bước,
Em yên lòng vui hưởng cuộc đời vui
Đừng buồn thương, nhớ tiếc, hoặc ngậm-ngùi,
Muôn việc thảy đều do nơi số kiếp.
(Bài "Dang-dở" của Thâm-Tâm tặng T.T.K.H)

Hay là:

-------------------------------------

K. hỡi! Người yêu của tôi ơi!
Nào ngờ em giết chết một đời!
Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ
Hình ảnh em hoài, mãi thế thôi.
(Bài "Màu máu Ti-gôn" của Thâm-Tâm gởi T.T.K.H)

Tuy nhiên có nhiều trường hợp không phải vì chàng và nàng yêu nhau, mà tình yêu chỉ xảy ra đơn phương cho chàng mà thôi. Vâng, chàng thấy nàng thấp thoáng bên cạnh nhà năm ba lần rồi bắt đầu thương nhớ. Chàng nhớ cô hàng xóm, chàng thương cô láng giềng. Hai người sống giữa cô đơn, nhưng chàng lại không bao giờ chịu qua thăm nàng:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cánh nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
(Trong bài "Cô hàng xóm" của Nguyễn-Bính)

Vì không chịu qua thăm nàng nhưng thỉnh thoảng lại nhớ nàng đến quằn quại nên chàng đành phải nhờ một người trung gian, qua một giấc mơ, để liên lạc đêm ngày: con bướm trắng. Khi con bướm trắng bay và nhà chàng, chàng muốn hỏi con bướm tại sao chả bao giờ thấy nàng cười mỗi khi nàng ra hong tơ ướt ở ngoài mái hiên, mà chỉ thấy mắt nàng đăm đắm trông lên. Nhưng chưa hỏi kịp thì con bướm đã bay về bên kia rồi. Thế rồi mấy hôm nay vì tầm tầm trời cứ đổ mưa nên chàng chẳng thấy nàng ra hong tơ nữa, nhớ ơi là nhớ! Nhưng mấy ngày sau, bầu trời đã quang-đãng rồi, mưa cũng đã tạnh, nhưng chàng vẫn không thấy bóng nàng thấp thoáng sau cái dậu mùng tơi, chàng cũng vẫn không thấy con bướm trắng bay sang nhà chàng nữa. Thì ra đêm qua nàng đã chết rồi, khiến chàng đớn đau quằn quại để rồi rưng-rưng chàng gục xuống bàn rưng rưng. Nghẹn ngào chàng khóc đến điên cuồng, khờ dại vì chàng đã yêu nàng da-diết, yêu nàng đến đắm say:

-----------------------------

Tầm tầm trời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn,
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?

Hôm nay mưa đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa bướm lười không sang,
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng...tôi gục xuống bàn rưng rưng...

Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!

Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn-ngào tôi khóc...Quả tôi yêu nàng.
Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này?
(Trong bài "Cô hàng xóm" của Nguyễn-Bính)

Và rồi cũng chỉ đơn thương độc mã, một mình một ngựa, chàng cũng chỉ đơn phương yêu nàng nhưng không phải yêu cô hàng xón mà yêu một người ở xa tận cuối thôn Đông. Cho dù thôn Đông là thôn nàng ở, và thôn Đông là thôn chàng cư-ngụ, nhưng hai thôn cùng thuộc một làng nên chàng và nàng cách nhau chẳng xa gì cho lắm. Vậy mà nàng chẳng bao giờ sang bên này cho chàng được thấy dung-nhan, để rồi chàng thương, chàng nhớ, khiến chàng đã tương-tư thức mấy đêm rồi, biết cho ai biết, ai người biết cho:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Mộng người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương-tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này,
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
Tương-tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai biết, ai người biết cho.
Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các, bướm giang-hồ gặp nhau.
Nhà em có một giàn trầu,
Nhà anh có một hàng cau liên-phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
(Bài "Tương-tư" của Nguyễn-Bính)

C. Tình yêu đã thành rồi xa nhau:

Trong mục này, tình yêu đã thành có nghĩa là hai người đã lấy nhau thành vợ thành chồng rồi, nhưng cuối cùng rồi phải xa nhau vì số phận đã được an-bài: chàng và nàng đành phải ly-biệt vì chiến tranh hay vì chiến tranh triền miên kéo dài quá lâu ngày, hoặc là một trong hai người đã thành người thiên-cổ.

Chúng ta ai cũng biết rằng vua Tự-Đức là một thi-sĩ nổi tiếng vang bóng một thời. Khi bà Bằng-Phi qua đời, Ông đã biểu lộ tâm tư của mình qua bài "Khóc Bằng-Phi" thật là não-nùng ai-oán.

Nhớ Bà Bằng-Phi qúa đến nỗi Ông muốn đập vỡ kính ra để tìm bóng "nàng", rồi xếp mấy tấm áo quần cũ của bà ta lại để dành hơi!:

Ới Thị-Bằng ơi! Đã mất rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi!
Mùa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
(Bài "Khóc Bằng-Phi" của vua Tự-Đức)

Ngược lại với sự ra đi của nàng là chàng. Ở đây chàng đã qua đời lúc nàng còn quá trẻ, khiến cho nàng bàng-hoàng rồi xúc-động đến nghẹn-ngào. Đó là nữ-sĩ Tương-Phố Đỗ thị Đàm.

Nữ-sĩ Tương-Phố lấy chồng năm 17 tuổi, xa chồng năm 19 tuổi và trở thành góa-phụ năm 21 tuổi. Khi nghe chồng là bác-sĩ Thái văn Du qua đời, bà đã vào Huế rồi ôm con ngồi khóc bên mộ chồng đến khô cả dòng lệ. Sau đó bà đã nức-nở sầu thương thật lâm-ly bi-thảm, thật thống-thiết ngậm-ngùi qua thi-tập GIỌT LỆ THU đến nỗi một nữ-sĩ Pháp, bà Jeanne DUCLOSSALESSES quá xúc-động nên đã dịch sang Pháp-ngữ với tựa đề "Larmes d'Automme". Sau này khi về lại Huế thăm mộ chồng, bà vẫn ngậm-ngùi thương tiếc qua mấy dòng thơ trong bài "Bình hương lỗi nguyện":

---------------------------------------------------------------

Bỗng một phút bình tan gương vỡ
Để tình này dang-dở, dở-dang;
Thề duyên thôi đã phụ-phàng,
Non sông trăng nước bẽ-bàng vì ai.
Nay trở lại ngậm-ngùi cảnh củ;
Người xưa say giấc ngủ ngàn năm!
Tử sinh xé giải đồng tâm,
Trước mồ, lã-chã không cầm hàng châu.
Khóc nhau, dễ gặp nhau đâu nữa,
Tìm nhau đành tìm ở chốn nầy;
Tro vàng lẫn khói hương bay,
Tro tàn, khói tỏa bao khuây hận tình!

Trên đây là chuyện tình đầy nước mắt cùa nàng và chàng để rồi cuối cùng nàng chỉ biết ngồi khóc trên mộ chàng qua những năm tháng còn lại của cuộc đời đầy đau khồ.

Tuy nhiên có nhiều người vì quá nhớ thương yêu người mình đã chết, liền ra ngồi bên nấm mộ mà nức nở sầu thương, rồi như muốn đánh thức hồn ma dậy để nói chuyện và chàng muốn xuống dưới mộ để thăm nàng! Ta hãy nghe nhà thơ Đinh-Hùng nói chuyện với hồn ma dưới đáy mộ giữa đêm khuya thanh vắng với những vần thơ thật ghê-rợn qua bài "Gởi người dưới mộ":

Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.
Em mộng về đâu?
Em mất về đâu?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Đây màu hương khói là màu mắt xưa
Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ,
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn

Em hãy cười lên, vọng cõi âm
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm
Những hồn phiêu- bạt bao năm trước
Nay đã vào chung một chỗ nằm,
Cười lên em!
Khóc lên em!
Đâu trăng tình-sử
Nép áo trần duyên?
Gót sen Tố-nữ
Xôn-xao đêm huyền
Ta đi lạc xứ thần-tiên
Hồn trùng-dương hiện bóng thuyền u-minh
Ta gởi bài thơ anh-linh
Hỡi người trong mộ có rùng-mình!
Nắm xương khô lạnh còn ân-ái?
Bộ ngực bi-thương vẫn rợn tình?
Hỡi hồn tuyết trinh!
Hỡi người tuyết-trinh!
Mê em ta thoát thân hình,
Nhập hồn cây cỏ, đa-tình mỗi đêm.
Em có vui thêm?
Em có buồn thêm?
Ngồi bên cửa mộ
Kể cho ta biết nỗi niềm.
Thần chết cười trong bộ ngực điên,
Ta nghe em thở tiếng ưu-phiền,
Nỗi lòng xưa dậy tan thanh vắng,
Hơi đất mê người! Trăng hiện lên!
(Bài "Gởi người dưới mộ" của Đinh-Hùng)

Nói chung,cũng như tất cả các dân- tộc khác trên thế-giới qua thi-ca,nước Việt-nam ta cũng có rất nhiều chuyện tình buồn vời-vợi,nhiều chuyện tình thật cay đắng,nghẹn-ngào đầy nước mắt trong lịch-sử tình yêu như ta đã thấy.

California,mùa Valentine .

Dương viết Điền