MƯA TRÊN PHÍM NGÀ

Truyện dài –THÙY AN

tác phẩm được chuyển thể thành phim truyện nhựa

TIẾNG DƯƠNG CẦM TRONG MƯA (2003)

CHƯƠNG TÁM

 

Tường lại chơi trò mất tích. Đã hai tháng nay, tôi không nhận được một tin tức nào của anh. Vì tự ái, tôi không gọi điện ra Huế –chỗ anh công tác để hỏi. Anh lại gặp chuyện gì rắc rối chăng? Niềm vui mẹ sắp trở về làm tôi quên đi nỗi bực tức trước sự im lặng đáng ghét ấy.

Bác Cả vào tận Thành phố đón mẹ. Hai anh em hàn huyên suốt ba ngày làm tôi không có dịp sà vào lòng mẹ nũng nịu như xưa. Bác trở ra Hà Nội sau khi dặn dò tôi rất nhiều lần: “Tết này cháu phải đưa mẹ ra thăm quê ngoại nhé.” Tôi cho học trò nghỉ một tuần để chở mẹ đi chơi khắp nơi, còn đăng ký cho mẹ tham gia vài chuyến du lich ngắn ngày nhưng mẹ không đi. Mẹ nói: “Mẹ chỉ muốn ở nhà thôi. Ngôi nhà của chúng ta thay đổi nhiều quá, nhưng dù sao cũng ấm cúng vì có con và những kỷ niệm của ba .” Nếu biết chị Ngọc đang có ý định bán nhà, mẹ sẽ nghĩ sao đây? Lạ một điều là chị Ngọc không đá động gì đến chuyện ấy cả, chỉ suốt ngày lăng xăng bên mẹ đến nỗi chú Chín phải kêu lên: “Ngọc ơi, sao mặt cháu dày quá vậy.”

Cho đến một đêm mưa. Mưa không lớn, chỉ dầm dề ray rứt làm tôi không thể không ngồi vào đàn thả hồn theo những âm thanh êm ái. Chú Chín đến bên ra dấu tôi ngưng đàn. Chú chỉ tay về phía phòng của mẹ, hất hàm bảo tôi hãy vào đó. Tôi rón rén lại gần cánh cửa khép kín, lắng tai nghe. Tiếng nhiều người lẫn lộn, tiếng khóc thút thít. Tôi nhận ra mẹ, chị Ngọc và anh Hùng. Chú Chín đứng sau lưng tôi, thì thào:

-Thằng quỉ đó vừa mới về.

Giọng “thằng quỉ” rên rỉ:

-Dì ơi, dì hãy cứu con. Con không thể bị bắt được.

Giọng chị Ngọc:

-Dì ơi, thằng Hùng là cháu đích tôn của dòng họ Nguyễn. Mong dì nghĩ đến tình ba của chúng con mà chấp thuận.

Tôi nhòm vào ổ khóa. Cảnh tượng diễn ra trước mắt thật lạ lùng. Mẹ ngồi trên giường, anh Hùng và chị Ngọc qùy gối dưới sàn nhà, trong tư thế sẵn sàng đập đầu xuống đất. Mẹ đưa tay ra:

-Anh chị đứng dậy đi, có gì cứ từ từ mà nói.

-Dì ơi, chúng con đã trình bày tất cả rồi, còn nói gì nữa. Giờ dì chỉ việc quyết định thôi. Hay là dì còn đợi em Châu? Để con ra gọi nó.

Không thể dừng được, tôi đẩy cửa bước vào. Chị Ngọc đứng lên, nhảy bổ vào tôi:

-Châu ơi, em hãy nói giúp chị. Nếu không bán nhà, anh Hùng sẽ chết trong tù, dòng họ nhà ta sẽ tuyệt tự, ông bà nội và ba của chúng ta sẽ không thể ngậm cười nơi chín suối.

Chú Chín vào theo, nhìn chị Ngọc trừng trừng:

-Ngọc, sao cháu độc mồm vậy. Hãy để cho những người khuất mặt được yên nào.

Chị Ngọc hét:

-Cậu im đi, chuyện gia đình tôi không mắc mớ gì đến cậu.

Mẹ lên tiếng:

-Chị Ngọc nói sai rồi. Tôi xem chú Chín như người thân. Ba năm qua chú ấy đã trông nom ngôi nhà này. Chuyện có bán nhà hay không, cũng nên bàn với chú một tiếng. Chị để thư thả vài ngày cho tôi còn suy nghĩ.

Chị Ngọc đẩy anh Hùng ra khỏi phòng, nét mặt đã bình tĩnh lại:

-Chúng ta ra ngoài cho dì nghỉ ngơi –rồi liếc qua chú Chín –Cậu đừng thấy chết mà không cứu nhé.

Tôi biết. Mẹ có cảm tình với chú Chín là vì tôi. Trước khi gặp nạn, mẹ không hề nghe ba nhắc đến chú. Mãi sau này, những lần vào thăm, tôi có thói quen kể cho mẹ nghe mọi diễn biến xảy ra ở nhà. Hình ảnh chú Chín thấp thoáng qua từng câu chuyện và hình thành trong tưởng tượng của mẹ một người đàn ông rất tốt. Chú đã thay thế mẹ xem tôi như con gái, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ những buồn vui cùng tôi trong thời gian qua. Tôi cũng rất thương chú Chín. Có đôi khi, tôi ngỡ chú là ba, nhưng cũng có lúc tôi thấy mình với chú không có mối liên hệ nào cả. Nhất là trong việc bán ngôi biệt thự để gánh nợ cho anh Hùng. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Không hiểu mẹ nghĩ thế nào mà lại đi hỏi ý kiến của chú Chín.

-Chú Chín à, sự việc đã xảy ra như thế này thì tôi không thể làm ngơ được. Dù sao thì nó cũng là con trai của anh Tân. Vì vong linh anh ấy, tôi phải cứu nó.

Không ngờ chú Chín phản đối quyết liệt:

-Chị Tân ơi, chị đừng quá tốt như vậy chớ. Chị nghĩ mà xem, xưa nay chúng nó đối xử với mẹ con chị như thế nào? Mặc xác chúng chị ơi. Bài học nào cũng có giá, cứ để cho chúng trả đi.

-Nhưng cái giá này quá đắt, trả đến hết đời cũng chưa xong đâu. Chú Chín, bộ chú không thương hai cháu của chú sao?

Chú Chín ậm ừ rồi không nói thêm nữa. Lòng nhân từ của mẹ thật hiếm có. Dù biết bán nhà, bao nhiêu thiệt thòi mẹ gánh hết, nhưng mẹ vẫn ký tên vào hợp đồng mua bán. Giấy tờ nợ nần của anh Hùng được đem ra bàn cãi, đưa đến một quyết định không thể khác hơn: 90% tiền bán ngôi biệt thự dùng đểû cứu mạng anh Hùng. 10% còn lại vừa đủ mua cho mẹ con tôi một căn nhà. Tất cả đồ đạc để lại cho chủ mới, trừ cây Piano được trở thành vật sở hữu của tôi.

Tôi dọn về một chung cư 6 tầng mới xây, dành cho các hộ ở ven kênh Nhiêu Lộc vừa bị giải tỏa trong chiến dịch Làm Sạch Đẹp Thành Phố. Nhà mới của tôi ở tầng trệt, khá khang trang. Chú Chín đã trở về quê, kỷ niệm chú để lại cho tôi là đôi cá vàng mua tận Trung Quốc. Dù bây giờ nhà tôi không còn liễu rũ ven hồ nữa, tôi vẫn đem đôi cá vàng về nuôi trong chiếc chậu thủy tinh hình bầu dục, để mỗi ngày nhìn ngắm chúng bơi lội giữa đám cây thủy sinh, nhớ về một con người đôn hậu, không ruột thịt nhưng tôi hằng thương kính như cha.

Tôi đã thi xong bằng Cử nhân Anh văn tại chức, đủ điểm đậu nhưng chưa tốt nghiệp được vì thiếu chứng chỉ A một sinh ngữ khác. Dù cố gắng sắp xếp, tôi vẫn chưa có thì giờ học thêm Pháp văn ở Idecaf, đành phải treo bằng lại. Dạo này, đã qua cơn khủng hoảng kinh tế, nên người Triều Tiên và Đài Loan cho con học đàn rất đông. Qua mối liên hệ giao tiếp, Bảo đã giới thiệu tôi đến dạy đàn cho khá nhiều học sinh. Tôi rất mang ơn Bảo. Nhờ anh, tôi đã lo cho mẹ một cuộc sống đầy đủ. Anh rất ân cần và quan tâm đến tôi. Bằng cảm tính con gái, tôi nhận thấy cách đối xử của Bảo khác trước rất nhiều. Bảo không xem tôi như Kim Loan nữa, trong ánh mắt anh nhìn tôi đã thấp thoáng vẻ là lạ –như ánh mắt Tường khi nói tiếng yêu tôi. Tôi luôn nghĩ đến Tường dù anh vẫn bặt vô âm tín. Tôi dẹp tự ái viết cho Tường một lá thư bảo đảm. Nhưng sau hai tuần, lá thư được trả lại với hàng chữ: “Không có người nhận.” Tường đã đi đâu? Cẩm Vân và Thu Hà lại được dịp đay nghiến: “Hắn đi trốn nợ mày đấy. Phải tìm cho ra để tính sổ mới được.”

Trước khi dọn nhà, tôi phôn cho tất cả bạn bè báo địa chỉ, số điện thoại mới… nhưng lại quên mất chị Khuê. Nào ngờ, khi nhận điện nhắn tôi ghé nhà cũ lấy thư thì đó là thư của chị. Một lá thư màu hồng in chữ đỏ –thiệp báo hỷ kèm theo mảnh giấy viết tay: “Em ráng đến chung vui cùng chị.” Tiệc cưới chị Khuê tổ chức tại khuôn viên của một nhà thờ, không sang trọng nhưng rộng rãi, thoáng mát. Họ hàng của chị Khuê còn đông hơn bạn bè, trong số đó có Vĩ –anh chàng “mắt ốc nhồi”. Nhìn thấy tôi, hắn gọi ầm lên. Tôi cảm thấy vui vui khi gặp hắn. Không biết hắn đã chuộc lại căn nhà được chưa.

-Dạo này Châu khỏe không? Tường ra sao rồi, công việc làm ăn ở Nha Trang tiến triển tốt đẹp chứ?

Tôi như cô bé từ trên trời rơi xuống:

-Nha Trang? Anh nói gì, Tường không còn làm việc ở Huế nữa sao?

-Cô đừng nói với tôi là cô không biết chuyện này nhé.

Nỗi tự ái dâng lên làm tôi muốn nghẹn:

-Em không biết thật mà. Mấy tháng rồi em không nhận được tin của anh ấy.

-Lạy Chúa tôi. Cái thằng đểu thật. Hoạn nạn thì bắt người ta gánh, còn sung sướng thì ôm lấy một mình. –Vĩ lấy trong túi ra cuốn sổ nhỏ –Hiện Tường đang làm việc cho chi nhánh của một Công ty Liên doanh với nước ngoài tại Nha Trang, đây là địa chỉ và số điện thoại của nó, tôi ghi cho cô nhé.

-Em không cần.

Giọng Vĩ dịu xuống:

-Cô giận nó cũng đúng thôi. Nhưng còn món nợ thì sao. Số tiền khổng lồ ấy nhất định nó không thể quịt được. Tôi sẽ ủng hộ cô tới cùng.

-Em cám ơn anh. Anh Tường mới đi làm, có dành dụm được thì cũng một hai năm nữa mới đủ số.

Vĩ điên tiết:

-Nhưng tại sao nó lại dấu diếm cô chứ.

-Em nghĩ là anh ấy muốn dành cho em sự bất ngờ đấy thôi.

Tôi nói vậy nhưng không phải vậy. Lòng tôi đau lắm. Những lần “mất tích” trước, Tường đều bị xui xẻo đáng tha thứ. Còn lần này, anh đang gặp vận may, sao anh không chia sẻ cùng tôi?

Thời gian như bóng câu. Kim Loan đi Canada đã gần một năm. Sau này, tôi rất ít gặp chị Phượng. Nghe Bảo nói, chị thường đi công tác liên miên. Không biết mối tình giữa chị và luật sư Trần đã có kết quả gì chưa. Tôi không tiện hỏi chị, lại càng không tiện hỏi Bảo mặc dù anh vẫn ghé thăm tôi hoài. Có nhiều buổi sáng chủ nhật, anh đến ngồi cùng đám học trò của tôi, lặng lẽ nhìn tôi hướng dẫn từng em, rồi thích thú ngắm nhìn những ngón tay nhỏ bé vụng về nhảy nhót trên hàng phím trắng. Một thói quen được hình thành không biết từ bao giờ, sau buổi dạy, tôi đàn tặng anh một bài. Thường là những bài nhạc vui tươi của Mozart, J.Strauss… Bảo giải thích cho sự có mặt thường xuyên của mình là anh rất nhớ tiếng đàn quen thuộc của Kim Loan. Giờ em gái của anh đi vắng, anh phải đến nhờ tôi thôi. Mẹ rất quan tâm đến chuyện tình cảm của tôi. Có lần mẹ nói như nhắc nhở: “Cậu Tường đã tệ như vậy thì con cũng nên thay đổi thôi. Cậu Bảo là người tốt con ạ.” Bảo là chàng trai lý tưởng của thời đại, con nhà giàu, khôi ngô, học giỏi, có công ăn việc làm ổn định. Nhưng trái tim có những rung cảm mà lý trí không thể điều khiển được. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận lời đi chơi với Bảo. Uống cà phê, nghe nhạc… nhưng khi ra về, thao thức trong đêm, nỗi buồn càng ray rứt. Cảnh cũ nhưng không còn người xưa, những bài hát về mưa gợi nhớ khiến tôi lại nghĩ đến Tường, ước được trông thấy anh, nghe anh nói, nhìn anh cười. Nhưng giờ Tường đã quá xa tầm tay. Tôi có lòng tự trọng, lẽ nào lại hạ mình một lần nữa! Vậy thì tôi có nên nghe lời bạn bè ra Nha Trang đòi lại số tiền không? Dù Tường rắp tâm xù nợ, mặt tôi chắc không đủ dày để đưa Tường ra pháp luật đâu.

Mưa. Năm nay sao trời mưa liên miên. Ảnh hưởng của những cơn áp thấp nhiệt đới tận miền Trung. Lại nhớ đến bài hát viết cho Huế vang bóng một thời… Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn. Trời hành cơn lụt mỗi năm khiến đau thương thấm tràn… Nhưng hiện giờ Tường đã bỏ Huế mà đi. Những cơn mưa lũ không làm anh bận tâm. Anh đang bắt đầu lại và trang đời có tôi đã được lật qua. Tôi ngồi vào ghế, mở nắp đàn rồi đóng lại, cảm thấy những ngón tay mỏi rã rời. Có tiếng xe tắt máy. Bảo đến. Anh nói to: “May quá, có Châu ở nhà” rồi đẩy xe lên bậc thềm. Nước từ chiếc áo mưa cánh dơi phủ sùm sụp trên người anh chảy xuống lênh láng. Tôi giúp anh treo áo mưa lên bệ cửa, xong vào nhà lấy chiếc khăn khô đưa cho anh:

-Anh đi đâu mưa gió thế này? Lau tóc đi anh.

-Định gọi điện cho em nhưng đường dây bị hư. Việc cần lắm. Châu à, em có rảnh vào các buổi trưa không? –Bảo hào hứng –Anh có người bạn làm quản lý cho một khách sạn của người nước ngoài. Họ đang cần một pianist nữ chơi những bản bán cổ điển Tây phương vào mỗi buổi trưa từ 12 giờ 30 đến 13 giờ 30. Anh muốn giới thiệu em, em nghĩ sao?

Tôi lại nhận thêm một ân huệ của Bảo. Biết làm sao đền đáp cho anh? Chợt nhớ câu nói đùa của Cẩm Vân: “Chắc chắn là Tường sẽ dâng hiến cả cuộc đời để trả nợ cho mày, phải không Châu?”. Tường không hề dâng hiến cuộc đời cho tôi. Anh đã bước ra khỏi trái tim tôi, để lại những tâm thất, tâm nhĩ đóng băng buốt cóng. Đến với Bảo lúc này là xúc phạm anh. Hơn nữa, hiện tại, tâm trí tôi chỉ nghĩ đến công việc thôi. Trương mục trong ngân hàng của tôi giờ chẳng còn bao nhiêu, tôi cần phải kiếm thật nhiều tiền để lấp đầy khoảng trống đáng sợ đó.

Nơi làm mới của tôi là đại sảnh của Khách sạn Bleu Danube. Ở đây, có đặt một chiếc Piano mới tinh màu trắng ngà. Mỗi buổi trưa, tôi chỉ cần mặc áo dài, ngồi đánh đàn theo ngẫu hứng trong vòng một tiếng đồng hồ –thời gian ăn trưa của thực khách. Xem ra, đàn ở đây chẳng khác gì gãi vào tai trâu. Khách ăn mải mê chuyện trò, ít ai để ý đến tôi –một con búp bê trang trí cho khung cảnh sang trọng không hơn không kém. Đôi khi nhìn lại mình, thấy thẹn với lương tâm, muốn xin nghỉ nhưng rồi lại sợ phụ lòng tốt của Bảo. Hơn nữa, người quản lý –bạn của anh đối xử với tôi rất lịch sự, trả thù lao sòng phẳng, còn hứa hẹn cứ ba tháng tăng lương một lần. Thôi thì cũng ráng làm tròn bổn phận, diễn hết vai trò của người nghệ sĩ phi nghệ thuật để đổi lấy niềm vui cho mẹ. Tôi đã tính kỹ, nếu không có gì trở ngại trong công việc, tôi sẽ kiếm lại được số tiền đã mất trong vòng một năm tới.

Buổi trưa đi làm về, nghe mẹ báo tin chị nhân viên quen ở ngân hàng gọi điện cho tôi, tôi vội đi ngay.

-Có người tên là Nguyễn Gia Tường chuyển vào tài khoản của em năm mươi triệu đồng Việt Nam. Anh ấy có viết thư cho em đây.

Tôi lặng người trước tờ giấy nhỏ bằng bàn tay với hàng chữ quen thuộc lạnh lùng: “Tiền nợ Châu. Cám ơn.” Sao vào đến đây rồi, Tường không ghé nhà tôi, không giao tiền trực tiếp cho tôi? Nhớ trước lúc “mất tích”, anh có điện vào hỏi số chương mục ngân hàng của tôi với lời nói vui: “Để anh chuyển tiền vào trả nợ ấy mà.” Anh đã thực hiện đúng lời hứa sớm hơn tôi dự tính. Quá sớm đến nỗi tôi không thể không nghi ngờ Tường đang làm một phi vụ mờ ám. Thái độ kỳ lạ của anh đã làm tôi choáng váng. Tường đã hết yêu tôi rồi sao? Dù đã nghĩ đến phải chia tay với anh, nhưng sao lòng tôi vẫn đớn đau, hụt hẫng.

Tôi phóng xe như bay trên đường. Thầm mong có chiếc xe hơi chạy ngược chiều nào đó đâm vào tôi cho xong một kiếp, rồi bỗng giật mình khi nghĩ, nếu tôi chết, mẹ sẽ sống ra sao? Cầu được ước thấy. Một vật thể màu đỏ to đùng như từ trên trời rơi xuống chụp lấy tôi. Ầm… Tôi cảm thấy mình nằm trên mặt đường, toàn thân ê ẩm. Chiếc xe ngã bên cạnh, giỏ xách bật ra, đồ đạc tung tóe khắp nơi.

-Trời ơi, Châu. Em có làm sao không?

Đôi tay mềm mại nâng tôi dậy. Tôi nhận ra chị Phượng. Chị ôm tôi vào lòng rồi đưa tay vẫy. Anh tài xế mở cửa chiếc xe hơi màu đỏ chạy đến, vẻ lo lắng.

-Cô ấy tự dưng đâm vào, tôi không thắng kịp.

-Thôi khỏi bào chữa. Mau giúp đưa cô em tôi vào bệnh viện.

Tôi nắm tay chị Phượng, thử đứng dậy. Vẫn bình thường. Trời còn thương tôi.

-Em không bị gì đâu. Em về một mình được mà –Tôi cười –Chị em mình đúng là hữu duyên thiên lý.

-Chị sợ muốn đứng tim mà em còn cười nổi. Thôi lên xe chị đưa về nhà. Bửng xe em bị nứt rồi, để anh tài đem đi thay cái mới.

Trên đường về, chị Phượng nói năng huyên thuyên. Trông chị đẹp ra, gương mặt rạng rỡ như ánh trăng rằm.

-Chị chưa biết nhà mới của em. Chỉ đường cho chị nha. À, nhớ ghi cho chị địa chỉ chính xác luôn. Có thể từ đây đến ngày đó chị không rảnh gặp em đâu.

-Ngày đó là ngày gì? Chị có số phôn của em mà.

-Đâu có được –chị bẹo má tôi –Chị sẽ gửi thư đến nhà em bằng đường bưu điện –một thiệp hồng hẳn hoi nhé.

A, chị Phượng lấy chồng! Lòng tôi rộn rã vui theo chị. Vậy là chị Phượng của tôi đã tìm thấy hạnh phúc mới. Tôi nhớ đến dáng vẻ trí thức của Luật sư Trần ngồi cạnh chị hôm sinh nhật Kim Loan, thầm cám ơn trời phật đã không còn khắt khe với chị nữa. So với anh Tiến ngày xưa, Luật sư Trần trội hơn rất nhiều.

Về đến nhà, trễ giờ dạy 15 phút. Tôi dò bài rồi cho đám học trò nghỉ sớm. Bây giờ mới thấy thấm đau, nhất là ở bả vai. Mẹ vừa xoa dầu cho tôi vừa khuyên nhủ:

-Tội gì phải như thế. Con nên cám ơn trời phật đã xui khiến nó trả tiền cho con. Đương nhiên, tình cảm rất quý, nhưng nó đã không còn trân trọng thì mình cũng đành thôi. Nghe mẹ, đừng buồn.

Có tiếng gõ nhè nhẹ lên cánh cửa:

-Xin hỏi, có phải nhà cô Châu không ạ.

“Mắt ốc nhồi” đến tìm tôi.

-Anh Vĩ! Chà, hôm nay rồng đến nhà tôm nhé.

-Tôm đến nhà rồng thì đúng hơn. Cô khỏe không?

Vĩ nhìn tôi, vẻ là lạ. Nửa thân mật, nửa cảm thương. Hình như hắn đang có chuyện muốn nói nhưng ngại mở lời. Mẹ hiểu ý đi vào nhà trong. Tôi pha tách trà để trước mặt Vĩ. Chờ đợi. Thời khắc nặng nề trôi. Tôi cảm thấy mình cần nói trước:

-Anh Vĩ, Tường vừa trả nợ cho em đấy. Không thiếu một xu.

Như chạm phải chất xúc tác, Vĩ đánh mạnh tay vào thành ghế:

-Vậy là đúng rồi. Tuần trước tôi ra Nha Trang có tìm Tường, chửi cho nó một trận, bảo nó là đồ ăn cháo đá bát, đồ phụ tình bạc nghĩa, đồ quịt nợ không biết xấu hổ. Nó bảo, nó chấp nhận tất cả, trừ hai chữ “quịt nợ”. Ghé thăm vài đứa bạn ở ngoài đó, thì hay tin… Châu bình tĩnh nhé. Tường sắp cưới vợ. Cô ta là Giám đốc Công ty, là sếp của Tường. Nghe nói hai người quen nhau tại Huế, chính cô ta đưa Tường vào Nha Trang làm việc. Đây chỉ là một chi nhánh thôi. Công ty chính đặt tại trung tâm Sài Gòn. Ba cô ta là Tổng giám đốc. Phen này chuột sa hũ nếp rồi, nhằm nhò gì một món nợ nhỏ. Nó trả cho Châu để lương tâm đỡ cắn rứt thôi mà. Châu, cô… có sao không?

-Em đã chuẩn bị tinh thần rồi.

-Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, liệu bền vững đến bao giờ? Cái thằng chết tiệt.

-Xin anh đừng nặng lời như thế. Biết đâu Tường lại yêu một lần nữa thì sao.

-Yêu với chả quỉ. Xin lỗi. Châu biết không, cô ta hơn Tường đến bốn, năm tuổi gì đó, gương mặt lại không được bình thường.

Tôi giật mình. Không lẽ là chị Phượng?

đọc tiếp

Đọc chương 1, 2, 3, 4, 5. 6, 7, 8, 9