Đường về Quê Cũ 1, 2, 3


Đường Về Quê Cũ

- Phần cuối -

Họp mặt PTG hè 2005

Thăm bạn

Hoàn trinh nữ, Thuận và Thọ rủ nhau tớI nhà Trần Quảng. Hè năm ngoái ôn Quảng mạnh cùi cụI, ôn cầm tay đỡ mấy mụ lên xuống tàu Cát Tiên . Qua Pháp mấy tháng sau Thọ nhận hung tin ôn bị tê liệt nằm một chỗ, á khẩu và ôn chỉ biết khóc mỗI khi bạn bè tớI thăm. Thọ bàng hoàng buồn cho ôn. Chao ơi số phận con ngườI sao quá mong manh!

Ôn Quảng đang ngồI trên xe đẩy. Miệng ôn bị méo chút xíu nhưng vẫn có duyên. Ôn đã nói chuyện lạI được và có hy vọng đi đứng bình thường. Vấn đề chỉ chờ thờI gian. Ánh mắt ôn lộ vẻ vui mừng khi thấy ba mụ xuất hiện đột ngột. Nhớ năm ngoái ôn bự con, mặt hơi phệ nhưng nay ôn gọn lạI trông ôn bảnh hơn trước! Cái bụng chứa bia của ôn bị thất nghiệp, lép kẹp.Thọ tát nhè nhẹ vào má ôn (kiểu tát yêu em bé!) và nói nựng: “Quảng ốm lạI thấy đẹp chaiiiiiii phong độ quá chờiii!”. Ôn cườI buồn, chớp chớp đôi mắt u uẩn.

Bà xã ôn Quảng sửa soạn đi ăn đám cưới. Ôn nhất định muốn ở nhà. Thọ tặng ôn cuốn “Chức nữ về làng” chưa bị kiểm duyệt, dài gấp đôi bài đăng trong tờ kỷ yếu, có đầy đủ tình tiết éo le do mụ Điệp copy vớI hàng chữ “nhà xuất bản Hồng Điệp”. Ôn nhìn sơ rồI cất giọng gọI con, sai nó đem ra cuốn CNVL của ôn in, có hình bìa đẹp hơn cuốn mụ Điệp nữa! Thọ cảm động vì được ôn chú ý đến tài nghệ viết văn của mụ. Thọ đem album đạI hộI San José ra khoe. Ôn tự nhiên hơn, ôn nhếch môi cườI nhẹ và điểm mặt, nhắc tên từng ngườI quen một cách thích thú. Thọ được dịp kể lể dài dòng những mẫu chuyện trong ngày đạI hội.

Ba mụ ghé thăm mụ Toán.

HồI đi dự đạI hộI PCT ở San José, Thọ ở chung phòng khách sạn vớI mụ Phương Lan. Sau khi mụ Lan đọc “Chức nữ về làng” trong tờ kỷ yếu có đoạn viết về mụ Toán: “Thiếu tình, thiếu tiền, thiếu dinh dưỡng, thiếu ngủ, thiếu niềm tin…và từ đó chuyển qua lao phổi”. Mụ Lan bùi ngùi thương cảm, gởi Thọ chút lì xì giúp mụ Toán. Thọ vui lắm vì sẽ được thấy gương mặt hí hửng của ngườI nhận tiền. Trong đờI mụ sợ nhất là đi đòi nợ! Nhớ hồI nhỏ má biểu qua hàng xóm đòi nợ, mụ rầu thúi ruột! Mụ chủ trương “thà cho luôn chớ không cho mượn!”.

Mụ Toán năm nay cũng ốm nhom tiều tụy như năm ngoái! Đôi gò má trũng sâu vào cái miệng móm thiếu răng dường như càng móm hơn! Thọ thầm nghĩ nếu đoạn văn “Chức nữ về làng” viết về căn bịnh của mụ Toán được đưa vào nhóm PCT 6270 thì không chừng thiên hạ cũng mủI lòng, và có thể mụ Toán hốt được mớ thần dược đô la cho đờI mụ bớt khổ.

Ôn Tú chở Thọ tớI thăm Ba của ôn Tiến, là bạn thân của ôn Tú từ hồI học Phan thanh Giản. Ba ôn Tiến 94 tuổi.

Hai năm trước Thọ và ôn Tú thuê căn nhà của chị ôn Tiến nằm gần bờ biển Mỹ Khê. MỗI trưa Thọ thường gặp ba ôn Tiến ở Hòn non bộ, ngồI cạnh nhau hóng gió dướI tàn cây râm mát và chiêm ngưỡng những dỏ hoa lan xinh tươi treo lủng lẳng trên chòi tre. Giữa Bác với Thọ làm như có mốI quyến luyến thâm tình, do đó mặc dù ôn Tiến đi làm tận Sài gòn không có mặt ở nhà, mụ vẫn đòi ôn Tú chở mụ đi thăm Bác.

Chị ôn Tiến cho biết năm nay Bác yếu lắm rồI! Nhưng Bác vẫn khoái uống bia, mỗI bữa ăn phảI nhâm nhi một chai bia mớI ngủ ngon. Thọ vào nhà trong lúc Bác đang mơ màng giấc điệp. Bác ở trần nằm trên giường trảI chiếu, chỉ mặc quần xà lỏn. Lặng ngắm làn da nhăn nheo lốm đốm vô số vết đồI mồI trên khuôn mặt hiền hòa, Thọ nao nao xúc động. Thấm thía cho kiếp ngườI phảI trảI qua con đường sanh, lão, bịnh, tử!…Không chừng lần này là lần cuốI cùng gặp Bác!

Bỗng Bác mở mắt ngơ ngác ngồI dậy. Thọ ghé bên cạnh choàng vai Bác, âu yếm hỏI : “Bác nhớ con không?”. Bác cườI sún mấy cái răng trước, đôi mắt sáng lên mừng rỡ, giọng yếu ớt: “Cô Thọ”. Mụ cầm tay Bác, Bác nâng tay mụ lên mũi hôn nhiều lần (theo lốI Việt nam hít mạnh hơi vào mũi). Chị của Tiến cườI nói: “Ổng thương cô đó, ít khi ổng hun ai! Tui còn không được ổng hun!”. Mụ cảm động ôm lấy Bác và âu yếm hôn vào hai má Bác hai cái thật kêu. Gương mặt Bác rạng rỡ mang lạI cho mụ một niềm vui khó tả.

Đám cưới nhà hàng Phì Lủ

Chuyến này về Thọ được dự 3 đám cướI và 1 đám hỏi.

Đám cướI cháu Hoàn Trinh nữ tổ chức ở nhà hàng Phì Lủ đường Nguyễn chí Thanh. Hơn 30 năm rồI mới được dự đám cướI tạI quê nhà, Thọ thấy cái chi cũng lạ lùng. Đoàn vũ công mặc áo đầm voan múa mở màn trông rất ngoạn mục và long trọng. Ban nhạc sống chơi toàn nhạc vui tạo không khí tưng bừng náo nhiệt. Hoạt náo viên oang oang trên micro điếc cả con ráy. Cô dâu xinh đẹp và chú rể khôi ngô từ từ bước lên khán đài trước bao nhiêu đôi mắt hâm mộ. Mụ Thủy được lên chức bà già vợ nhưng vẫn lí lắc như hồI trẻ. Thiên hạ đông như kiến. Thọ, Tú và hai cha con Thông ngồI chung bàn vớI một số mặt lạ. Thọ lắng tai nghe mẫu chuyện ông bên cạnh hỏI Thông:

---Anh đọc tờ kỷ yếu 30 năm Phan châu Trinh chưa? Ngay sau đêm đạI hộI bên San José, ngườI bạn của tui đem về cho tui ngày hôm sau. Anh chưa có thì tui cho anh mượn.

Thông quay về phía Thọ, nói:

---Chị của tui ở Pháp cũng đi dự đạI hộI bên San José và đem về cho tui rồi. Chị Khánh Thọ của tui nè, có viết bài trong đó. Đây là Toàn Vân. Anh bạn của em là nhạc sĩ nổi danh Đà nẵng đó chị !

Bà vợ ngạc nhiên, giọng vui vẻ :

---A! Chị Khánh Thọ viết bài « Chức nữ về làng » đây à !

Thọ cười gật đầu.

---Trời ơi không ngờ được gặp chị ở đây. Thật là chuyện hi hữu ! Chị viết vui ghê !

(Bỗng nhiên mụ có cảm tình với người đàn bà xa lạ và thấy nàng khả ái hơn mấy phút trước).

Bà vợ bồi thêm :

---Chị Thọ trẻ đẹp hơn trong hình nhiều lắm !

(Lần này mụ còn thấy nàng thông minh nữa !)

Bà vợ nhìn Tú, cười hóm hỉnh :

---Ngưu Lang đây à ? Anh còn đi cái xe Vespa nổ ồn cả phố không anh ?

Tú cười gật đầu. Thọ nói thêm :

---Chút nữa tiệc xong, chị chỉ cho em xem cái xe của Ngưu Lang. Tiếng nổ càng ngày càng ác chiến !

Ông chồng chồm qua phía Thọ, giọng cởi mở :

---Chị Thọ sáng tác một bài thơ rồi đưa em phổ nhạc cho.

Thọ cười buồn thú nhận :

---Chị không biết sáng tác thơ tình lãng mạn. Chị có thể làm thơ tiếu lâm thôi. Em cũng biết loại thơ này làm hư nhạc của em hết !

Ông nhạc sĩ nghe ớn quá làm thinh.

Đám cưới nhà hàng Đại Thống

Đám cưới con trai một nhà địa ốc nổi tiếng Đà nẵng tổ chức tại nhà hàng Đại Thống đường Nguyễn văn Linh. Nhà tư bản có khác thiên hạ ! Trên tường một màn ảnh thật lớn như trong rạp ciné, trực tiếp chiếu chiếc xe hơi bóng lộn mui trần đang chạy chầm chậm ngừng trước nhà hàng. Cô dâu rời xe, lộng lẫy trong chiếc áo đầm trắng phủ chân, khoan thai cùng chú rể sánh vai nhau bước trên tấm thảm đỏ. Quan khách chào mừng bằng những cây pháo bông đặt sẵn trên bàn tiệc. Đèn vụt tắt. Những đốm lửa reo vui phát ra âm thanh tí tách tạo nên một khung cảnh ấm cúng long trọng.

Sau màn Chủ tịch thành phố chúc mừng cô dâu chú rể là phần văn nghệ, thiên hạ nhốn nháo khi ca sĩ Đàm vĩnh Hưng lên khán đài trình diễn. Mấy bà thầm thì ca sĩ ĐVHưng không bao giờ hát trong tiệc cưới vì sợ mất giá trị, nhưng nể mặt nhà địa ốc nên phá luật. Nhà địa ốc chơi đẹp tặng cho ca sĩ một bì thư dày cộm nhưng ca sĩ còn chơi nổi hơn một bực, ký tên lên bì thư và tặng lại cho cô dâu. Thiên hạ suýt xoa tiếc rẻ món quà 2.500usd. Có người cho rằng ca sĩ không ngờ món quà dollar, cứ tưởng là tiền Việt nam nên không thèm lấy. Có kẻ binh vực ca sĩ chịu chơi coi nhẹ chuyện tiền bạc.

Thọ ngồi chung với đám phụ nữ, được nghe nhiều chuyện đời tư thiên hạ. Thông thường sau mỗi câu chuyện có thòng thêm lời dặn dò :« Tui kể bà nghe mà bà đừng có nói với ai ! ». Đây là câu thần chú làm người kể yên tâm…kể và rồi chuyện chạy lòng vòng… Những tờ báo lá cải của xứ Phú Lãng Sa bán chạy nhất nhờ viết về đời tư của tài tử nổi danh hay những người có máu mặt trong xã hội. Tây Đầm còn tò mò huống chi mình ! Thọ nghĩ vậy và an tâm về tật xấu khoái nghe ba chuyện tào lao hơn là nghe những mẫu chuyện đứng đắn thời sự chính trị.

Những tin tức nóng hổi quí bà thuộc lòng rồi, chỉ có một mình Thọ từ phương xa về chưa hay biết gì, tha hồ cho các bà thay phiên nhau kể…

---Chị thấy bà mặc áo đỏ ngồi bàn kế mình hông ?

---Có hai người mặc áo đỏ, người nào ?

---Bà mặc áo hở ngực đó !

---Ờ, thấy rồi.

---Chị thấy bả đẹp ghê hông !? rứa mà thằng chồng có mèo làm bả khóc lên khóc xuống.

---Đẹp cở đó mà sao không bỏ quách thằng chồng, kiếm thằng khác cho rồi !

---Nói như chị thì còn nói làm chi ! Ở xứ mình đàn bà tuổi đó kiếm chồng không ra. Thiếu nữ mới lớn mà còn bị ế dài!

---Rồi bả chấp nhận như rứa à !?

---Thì bả rủ thêm mấy bà bạn đi bắt ghen. Đi đông dọa nạt con vợ bé cho nó sợ, nó nhả chồng mình ra. Phiền là thằng chồng nó lại cặp con mới, rứa là phải tổ chức bắt ghen tối ngày !

Trong lúc chờ đợi món ăn thứ hai, đang nhâm nhi ly rượu vin đỏ thì một bà khác khều Thọ…

---Bà thấy ông đầu hói mặc vét tông, thắt khô mực màu vàng đang đứng ở cuối phòng hông ? Đại tư bản thứ thiệt đó !

--Ờ thấy rồi, tướng chả giống Tàu Chợ Lớn !

---Mụ áo vàng ngồi cạnh chả là vợ bé của chả đó, mụ trẻ đẹp như rứa chớ ghen trời sợ luôn! Chả khôn ghê ! chơi sộp với đàn em, xài toàn đô Mỹ, tới đâu cũng phát cho mỗi đứa 100 đô. Lần nọ mụ theo dõi đáp máy bay tới Phú Bài bắt ghen, vừa đáp xuống bãi thì đàn em của chả điện thoại di động báo cáo liền, chả phi tang ngay tức khắc. Mụ vợ tức điên người nhưng đành chịu thôi !

---Xứ mình toàn đàn bà đi bắt ghen, bộ không có ông nào đi bắt ghen vợ sao ?

---Hiếm lắm ! Họ sợ ồn ào. Nếu biết mình bị vợ cắm sừng thì thông thường đàn ông chọn giải pháp ly dị, cho dù họ muốn tha thứ nhưng bị gia đình và bạn bè xúi dục, họ nhục nhã chịu không nổi dư luận.

Trong bữa tiệc Thọ chú ý 70% phụ nữ cổ tay đeo vòng ngọc, có người chơi luôn hai chiếc. Họ săm se giá trị của chiếc vòng :

---Vòng của chị màu nước bí đẹp quá. Vòng tui đeo hoài không lên nước, tháng sau tui sẽ đổi cặp khác.

Một bà ghé tai Thọ nói nhỏ :

---Bà mặc rốp đen đeo chuổi hột trai là Việt kiều Mỹ đó, giàu lắm ! Mới xây thêm cái biệt thự còn hơn dinh ông Tướng . Con mẻ xấu hoắc mà đeo cái nhẫn hột xoàn bự tổ chảng thiệt là uổng !

Thọ đưa tay khoe cái nhẫn, hỏi :

---Bà thấy hột của tui bự bằng hột của bả hông ?

---Nảy giờ tui để ý cái nhẫn của bà hoài mà tui không dám hỏi, ngại bà nói tui tò mò. Hột của bà cũng tương đương. Cái vỏ của bà đẹp hơn !

Thọ đưa bàn tay mình cho bà nọ chiêm ngưỡng (…cái nhẫn, không phải bàn tay !). Mụ mỉm cười nhớ lại cách cây hai tháng đang ở Cali, cô em út trao chiếc nhẫn dặn dò : « Chị sắp về Việt nam, khi nào đi ăn đám cưới nhớ đeo vô cho thiên hạ lé mắt chơi. Nhập gia tùy tục mà chị! Em mua nó ở chợ TrờI có 5 đô thôi! chị là Việt kiều bảo đảm ai cũng tưởng đồ thật !”.

Hội ngộ

Hè năm nay 16 mạng họp tạI quán Spice đường Nguyễn tất Thành : Mãi, Kha, Hoa, Anh, Thuận, Duẫn, Vân, Cấp, Tương, Lục, Bình, Hoàn, Tú, Thọ, Lê văn Thông và bà xã.

Trong khi bà xã ôn Tưởng lên sân khấu hát hò, ôn thoảI mái kể lạI vài kỷ niệm thờI còn đi học…

---Nhớ hồI đó thật tức cườI, tui hung hăng uýnh Mai San một trận vì ổng chê Cẩm Lai: “Bài toán này dễ ợt mà giảI không được thì ấu trĩ quá!”.

Ôn Tưởng kể thêm:

---ThờI đó tụI này thường hay tớI nhà Nguyễn thị Liên. Ôn Hùng chịu đèn Liên nhưng ông già Liên tỏ ý khó chịu vớI Hùng. Tui và mấy đứa kia thì ổng không nói gì! (Tưởng đắc ý cườI hí hí! ). Thọ biết sao không!? Ôn Hùng hậm hực phóng một câu xanh dờn vớI tụI bạn: “Có ngày tao đem lựu đạn tớI nhà rút chốt chết hết cho ông già Liên biết mặt!”.

Internet

May quá tiệm internet ở đường Trưng nữ Vương chỉ còn một ghế trống, Thọ nhào vào dành chỗ ngay. Tiệm đông nghẹt tụI trẻ, quạt máy gắn tường chạy vù vù. Người ngồI bên cạnh lẩm bẩm một câu nghe rợn tóc gáy: “Mở nắp quan tài hôn em lần cuối”. Thọ liếc mắt nhìn trộm, một thanh niên tuổI chưa quá hai mươi, mái tóc nhờn dường như cả tháng trời không gộI dính bê bết vào cái cổ cò xương xẩu. Thọ chán chường bị nghe cậu ta lập đi lập lạI câu nói đó nhiều lần. Có lẻ trờI nóng quá làm con ngườI trở nên hơi khùng khùng chăng!?

Đọc mail cô Mộng Hoàn:

---Sao em không gởI “Đường về quê cũ” cho web MTPCT Đà nẵng? Địa chỉ email…Cô chờ em gởi tiếp ĐVQC đoạn 2.

Thọ mail trả lời :

---Thưa cô, khi về lại Pháp em sẽ viết có dấu rồi gởi sau. Ở đây đường truyền Yahoo rất khó vào, đôi khi em ngồI cả tiếng rồI phảI bỏ cuộc. Phiền nhất là viết mail dài nhưng gởI đi không được và cũng biến mất tiêu luôn.

Đọc mail ôn Hùng từ Houston:

---Thọ ơi, Nguyễn thị Liên nhớ sai rồI, Liên không phảI là Doanh Doanh.

Nguyễn văn Tưởng hồI đó thương Liên lắm ! Bọn trong lớp gọI Tưởng là Lâm bình Chi, còn Liên là Nhạc linh San. Ai cũng nghĩ Lâm bình Chi là nhân vật chính, còn Lệnh hồ Xung chỉ là tên nghịch ngợm, không bằng Lâm bình Chi.

Hùng lúc đó nghịch lắm nên mớI có tên Lệnh hồ Xung. Các bạn không phảI khen Hùng đâu! Hàn giang Nhạn dịch văn Kim Dung gọI Lệnh hồ Xung là “hắn” mà gọI Lâm bình Chi là “chàng”.

Thọ ơi, không biết Liên có để ý gì đến Hùng hồI đó không, chứ Hùng chưa bao giờ để ý hay thương Liên cả. Liên hồI đó học giỏI và hiền lắm, thành ra có nhiều cậu để ý theo đuổI, nhưng Hùng nhà nghèo đâu có dám lôi thôi gì đâu! Có lẻ ai đó biết Tưởng thương Liên nên thêm mắm muốI câu chuyện “Hùng rút chốt lựu đạn” cho dzui thôi”.

A! thì ra ôn Tưởng và mụ Liên cũng là nạn nhân của bịnh mất trí nhớ!

Hè năm ngoái mụ Liên mờI bọn bạn ăn sáng ở Sài gòn, cả bọn hí hửng chờ mụ nhưng mụ không tớI vì mụ…quên!

Một cảm giác khoan khoái ích kỷ nhen nhúm vì Thọ nghĩ mình cũng không phảI là ngườI duy nhất gánh chịu luật tuần hoàn của tạo hóa.

Mấy năm gần đây mụ chịu đựng nhiều triệu chứng của tuổI già…Da mặt càng ngày càng xếp plis, đi tiểu đêm mất ngủ và còn thêm căn bịnh mất trí nhớ nữa! Hôm nọ mụ mang xong một chiếc tất vào chân, chiếc tất kia bỗng nhiên biến mất kiếm hoài sao không thấy!? mụ phảI cởI ra để thay đôi tất khác thì chưng hửng vì mình đã mang cả hai chiếc tất vào cùng một chân.

Đọc mail người bạn PCT :

---Thọ ơi, có người lên web bôi xấu “Chức nữ về làng” đó !

Mụ ngạc nhiên nhận ra mình không bực bộI như hồi còn trẻ, không có ý tò mò tìm hiểu lý do và tên họ ngườI “đập”mình. Tâm mụ không xao động. Có lẻ mụ may mắn được thấm nhuần câu chuyện… Đức Phật đang thuyết pháp thì có một người đến công kích ngài bằng những lời nói vô cùng bất lịch sự. Đức Phật hỏi người kia rằng : Nếu anh đưa cho tôi một tờ giấy mà tôi không nhận thì sao ? Người kia trả lời : Nếu ngài không lấy thì tôi giữ lại tờ giấy đó chứ sao nữa. Đức Phật bèn nói : « Đối với lời nhục mạ của anh, tôi cũng làm đúng như vậy. Tôi không nhận nó và nó ở lại với anh. »

Thọ mail trả lời bạn:

---Rồi có ngày họ sẽ hối hận khi biết mình nói oan cho người khác. 

Gặp gỡ

Reng…reng…reng…Giọng Huế của người đàn bà đầu dây bên kia điện thoại :

---Alô, anh Tú hả ?

Thọ trả lời :

---Anh Tú đi chấm thi rồi chị. Chị là ai ? Tui sẽ nói anh Tú gọi lại chị.

---Chị là ai ?

Mụ này thật là vô lý ! Không chịu trả lời mà còn hỏi ngược lại mình. Ta sẽ cho nhà ngươi biết ta là chủ nhà đây !

---Tui là bà xã của Tú. Chị là ai ?

---Tui là vợ anh Tú.

Thọ bổ ngữa.

Ái dà da !Thì ra mụ vợ cũ của ôn Tú !

Ôn Tú vừa về tới nhà, Thọ sôi nổi kể lại câu chuyện vừa qua, và nói thêm :

---Tú gọi lại cho bả tề !

Ôn Tú ngượng ngập :

---Gọi bả làm gì ! Tú sẽ gọi cho con gái Tú.

Đến tối, với gương mặt cực kỳ căng thẳng, ôn Tú ấp úng cho biết đứa con gái của ôn sắp đám hỏi, nó sẽ dẫn chàng rể từ Huế vào Đà nẵng ra mắt ông già vợ. Theo chương trình chỉ có hai đứa vào thôi, nhưng không hiểu sao « mẹ của đứa con gái » mới đây dở chứng nằng nặc đòi đi theo.

Nhìn gương mặt trầm tư áo não của ôn Tú, Thọ cảm thấy thương hại, mụ trấn an : « Bả muốn tới thì cứ tới. Mình phải vui vẻ tiếp đón bả ! ». Ôn Tú nhìn trộm Thọ mấy lần, dường như ôn nghi ngờ mụ nói lẩy.

Ngày trọng đại được sửa soạn chu đáo với bó hoa Lay- dơn đỏ thắm, rượu bia và đồ nhắm bày ê hề trên chiếc bàn phủ đăng ten trắng. Ôn Tú thức dậy thật sớm, xé tờ lịch Tam Tông Miếu, lẩm bẩm đọc và ôn giật mình thất sắc…Trời ơi hôm nay là ngày Tam Nương, kỵ đủ thứ chuyện.Vậy là không chừng sắp có nổ lớn rồi ! Hồi hôm ôn trải qua cơn ác mộng và khi tỉnh dậy ôn vẫn còn bàng hoàng kinh sợ, mồ hôi toát ra như tắm…Hai mụ vợ tranh giải đô vật phụ nữ, áo quần xé rách te tua lộ liễu và hàng xóm bu lại nhà coi đông như kiến làm ôn chỉ muốn độn thổ. Bây giờ nhớ lại ôn càng lo lắng hồi hộp, lòng thầm van vái ông bà giúp ôn tai qua nạn khỏi.

Gia đình ôn Tú xuất hiện nơi khung cửa. Thọ nở nụ cười thân thiện đón tiếp mụ lớn và Thọ đem hết tài nghệ ngoại giao cố gắng tạo không khí cởi mở. Buổi ăn trưa mụ lớn được Thọ săn sóc gắp bỏ đồ ăn lia lịa vào chén. Mụ lớn nói cười thoải mái, con gái và con rể hoan hỉ. Ôn Tú quên giấc mơ đêm qua, gương mặt ôn hoàn toàn thư dãn.

Ăn xong, Thọ rủ mụ lớn lên lầu ngủ trưa. Hai mụ nằm chung một giường hàn huyên tâm sự chuyện đời như hai người bạn thân thiết lâu ngày gặp nhau. Ôn Tú nằm trên ghế bố phòng dưới, tâm hồn ôn phơi phới…Năm nay ôn đã xây xong nhà mới, hai đứa con ôn lần lượt yên bề gia thất , vợ lớn và vợ nhỏ trên thuận dưới hòa, lớp luyện thi Đại học của ôn càng ngày càng đông học sinh và niên khóa tới ôn còn được thêm giờ dạy Cao Đẳng. Ôi đời còn gì vui hơn nữa ! Ôn khoái chí cười tủm tỉm lắng tai nghe tiếng hai mụ cười dòn dã, nhưng ôn có ngờ đâu mụ lớn đang kể tội trạng và tính xấu của ôn, trong khi mụ nhỏ phụ họa tán thành mụ lớn.

Quán ăn bình dân

Mụ Lý dưỡng sinh chê cơm hàng cháo chợ mất vệ sinh, khuyên Thọ nên nấu nướng để tạo không khí đầm ấm gia đình, chứng tỏ mình là người đàn bà nội trợ, và nhất là cho ôn Tú phục chơi ! Thọ không để ý đến những lý do vệ sinh hay nội trợ đảm đang, mụ chỉ loay hoay với ý nghĩ « phải cho ôn Tú phục chơi ! ».

Mụ thức dậy thật sớm, gọi xe ôm trực chỉ chợ Hàn. Mụ mang khăn bịt mặt để thiên hạ không khám phá mụ là Việt kiều, mụ sẽ dễ bề trả giá. Trời không mưa nhưng hàng cá lầy lội nước và mùi tanh tưởi xông lên nồng nặc. Mụ đi chầm chậm quan sát cách mua bán…Phần đông người mua kỳ kèo dưới ½ giá nói thách.

Mua cá xong thì mụ cạn ý, nghĩ không ra mình sẽ ăn món gì trưa nay !? Bất chợt thấy hàng thịt heo quay, mụ mừng rỡ với ý nghĩ đỡ phải xào nấu. Mụ ngạc nhiên thấy vài mụ khác không trả giá (như những cô gái bán bar trước 75). Họ là ai mà chơi sộp hơn Việt kiều Pháp vậy cà !? Thì ra họ là vợ của giới cán bộ cao cấp!

Ôn Tú đi dạy về, tròn xoe mắt ngạc nhiên trước mâm cơm gia đình. Ôn khen món thịt heo quay da dòn rụm rất ngon. Ôn không phê bình về món cá kho và món canh rau của mụ trổ tài. Mụ biết mụ không có năng khiếu nấu nướng nhưng mụ vẫn phân trần… lỗi tại chai nước mắm mặn chát không ngon bằng nước mắm Thái Lan bên Pháp. Nhìn những dĩa đồ ăn còn đầy ắp, tối nay phải ăn lại lần nữa, mụ buồn rười rượi…

Tính tiền đồ ăn và hai cuốc xe thì mới hay là mắc hơn gấp đôi đi ăn tiệm.

Từ nay không nghe lời xúi dại của Lý dưỡng sinh nữa, ôn Tú tiếp tục chở Thọ thăm viếng các tiệm ăn …

Phở 24 đường Nguyễn văn Linh. Bánh canh sau lưng trường Phan châu Trinh. Bánh canh đường Yên Báy. Bún cua Bé Chinh đường 2/9. Hai tiệm cơm 20 và 22 Thái Phiên. Thịt nướng Lam Hồng hẽm Ngô Quyền. Cơm 300 Trưng nữ Vương. Chè đậu ván Phan cTrinh. Đồ biển bà Thôi. Bún bò bà Đào. Bánh xèo bà Dưỡng…

Mỗi lần vào quán cơm Châu bình dân đường Hoàng Diệu, Thọ cố ý mặc áo quần xuề xòa và không trang điểm. Ở đây cơm hộp 6.000 đồng (35 cents USD), cơm phần cho 1 người khoảng 12.000 đồng (trong khi 1 phần ăn hôm đám cưới nhà hàng Đại Thống là 200.000 đồng ) . Khách phần đông là giới công nhân, thợ nề. Họ thường ở trần đưa tấm lưng nhễ nhại mồ hôi, mặt mũi lem luốc. Gương mặt khắc khổ, chăm chú ăn cho kịp giờ làm việc, họ không chuyện trò ồn ào như những người ở quán nhậu.

Trung tâm bảo trợ xã hội

Thọ hỏi thăm viện dưỡng lão thì được Hạnh, người chuyên làm việc xã hội, cho biết có một số người già không con cái hoặc bị con cái bỏ rơi, hiện sống cơ cực ở Trung tâm bảo trợ xã hội. Khẩu phần của họ mỗi ngày chỉ có 5.000 đồng. Tính theo vật giá thị trường thì quả là vô cùng eo hẹp ! Cơm hộp bình dân giá thấp nhất 5.000 đồng. Ổ mì thịt 6.000 đồng. Tô bún thịt 10.000 đồng. VớI số tiền nhỏ nhoi 5.000 đồng một ngày, dĩ nhiên họ bị cơn đói dày vò kinh niên.

Thông thường những nhà hảo tâm mua nhu yếu phẩm phát cho họ như xà phòng, mì gói…Họ tâm sự vớI Hạnh rằng họ mong ước được nhận tiền.

Trung tâm bảo trợ xã hộI chứa khoảng 180 người. Ở đây sự điều hành kém hữu hiệu vì trung tâm nhận đủ thành phần : ngườI già, kẻ tàn tật và mù lòa, bịnh tâm thần loại nhẹ, những ngườI vô gia cư và con nít. Thọ hỏi Hạnh :

---Chị chỉ phát tiền cho ngườI già và kẻ tàn tật thôi được không ?

Hạnh hốt hoảng :

---Không được đâu chị. Những người kia xúm vô đánh chị chết ! Họ cũng đói dài.

Nghe đến chữ « đói», Thọ bỗng nhớ lạI khoảng năm 77-78 gia cảnh sa sút thảm hại, Thọ bị cơn thèm ăn dày vò thật khủng khiếp ! MỗI lần đi ngang khu chợ Tân Định, mùi thơm của phở, của bánh bông lan… ngào ngạt hành hạ Thọ bủn rủn chân tay, chao ơi là khổ sở và xấu hổ… nuốt nước miếng ừng ực ! Trong giây phút đó, Thọ chỉ cầu mong phép lạ, biết đâu có tờ bạc nào rơi trên đường !(mụ chú tâm nhìn xuống đất !). Biết đâu ta sẽ ra ngoại quốc và ta sẽ xơi một lần 3 tô phở bự và cả chục cái bánh bông lan cho « đã » cơn thèm khát !

Bước qua cổng « Trung tâm bảo trợ xã hội Đà nẵng » ở Hòa Khánh, Thọ gặp Phó giám đốc, một người đàn ông trạc ngũ tuần, giọng Quảng nam. Ông đang giải quyết vụ thằng bé 14 tuổi ở Huế ăn cắp tiền cha mẹ, trốn vào Đà nẵng tiêu hết tiền lang thang thì bị công an hốt, ông vừa liên lạc gia đình tới nhận con về. Ông cho biết những người vô gia cư thuộc tuổi lao động chỉ ở đây vài ngày rồi đưa đi vùng Kinh Tế Mới, còn những đứa trẻ được gởi vào trung tâm giáo dục học nghề. Thấy Thọ chăm chú nhìn vào tấm bảng đen có ghi hàng chữ « Ngày mai chủ nhật ăn bún chả cá », ông giải thích :

---Thỉnh thoảng có những nhà hảo tâm giúp một bữa ăn ngon, tui ghi lên bảng cho họ biết.

Một bà già từ ngoài cửa bước vào, tay cầm vài lá trầu xanh và hai trái cau. Ông nói thêm :

---Bà già này thèm trầu, có chút tiền là dông ra chợ ngay.

Bà già gật đầu chào mọi người. Ông nói :

---Bà vào thông báo cho tất cả chuẩn bị tập họp ở hội trường. Sắp phát quà đó !

Bà già cười, đập khẻ vào vai ông, giọng Quảng thân mật :

---Thôi đừng giỡn choa ! Lồm chi có chiện đó !(Thôi đừng giỡn cha ! Làm chi có chuyện đó !)

Đợi bà già khuất sau cánh cửa, ông hạ giọng :

---Bả không tin tui vì ít khi có người tới phát quà.

Ông gọi nhân viên thông báo tập họp và mời Thọ cùng Hạnh đi theo ông. Thật bất ngờ! Khi bước chân vào hội trường, một tràng pháo tay chào mừng nổ như pháo Tết làm Thọ sững sờ, không ngờ mình được họ đón tiếp trọng thể đến mức độ này ! Hai dãy ghế đầy nhóc cả người. Một bên gồm bà già và trẻ em. Một bên gồm ông già và thanh niên. Một số ngồi bệt dưới đất vì thiếu ghế. Những gương mặt khắc khổ hớn hở chiếu tướng vào mụ, bỗng nhiên mụ cảm thấy mình giống như một nhân vật quan trọng.

Phó giám đốc cầm micro giới thiệu và thêm câu cuối làm Thọ điếng người « Yêu cầu chị Thọ phát biểu vài lời». Tiếng vỗ tay vang rân. Biết mình không có khiếu nói chuyện trước đám đông, mụ than thầm : « Trời ơi biết nói gì đây !? ». Mụ ấp úng : « Tui cám ơn sự đón tiếp nồng hậu của quí ông bà. Tui chỉ có món quà nhỏ gởi tới quí ông bà và kính chúc quí ông bà một tương lai tươi sáng hơn ». Lại thêm một tràng vỗ tay nữa. Mụ ngượng chín cả người vì thấy lời nói của mình mỉa mai vô lý. Làm sao có nổi một tương lai tươi sáng trong đất nước nghèo nàn đầy dẫy sự bất công này !?

Loay hoay với máy hình trở chứng, Thọ chán nản :

---Thôi khỏi chụp hình.

Phó giám đốc sốt sắng :

---Bà để tui sửa cho.

Đám đông bắt đầu lao xao ồn ào. Một giọng đàn ông bực bội :

---Phát thì phát lẹ cho rồi !

Thọ nói nhỏ với phó giám đốc :

---Họ chờ lâu quá sốt ruột ông ơi ! Thôi khỏi chụp hình. Tui phát nghe ông.

Phó giám đốc nhìn vào đám đàn ông và lớn tiếng thị uy:

---Các ông nôn chi mà nôn dữ rứa ! Trước sau chi bả cũng phát mà ! Phải có mấy tấm hình đem ra nước ngoài cho người ta biết, người ta mới tới đây giúp các ông nữa. Chuyện chụp hình là chuyện quan trọng bộ mấy ông không thấy sao !

Mấy bà già nhao nhao :

---Đúng đó ! Ông nói đúng đó !

Vài phút sau Phó giám đốc đắc ý bảo Thọ :

---Tui sửa được rồi. Bà phát đi, để tui chụp cho.

Đám đông mừng rỡ nhốn nháo. Thọ trao cho Hạnh xấp tiền phát dãy đàn ông, Thọ phát dãy đàn bà. Những đôi tay đưa ra nhận quà, ánh mắt rạng rỡ niềm vui. Họ không biết rằng một niềm ấm áp đang choáng ngợp cả tâm hồn mụ. Hình ảnh của họ là hình ảnh của mụ ở bên Pháp… Vào những năm tháng thất nghiệp, mụ cũng đưa tay nhận lãnh tiền trợ cấp xã hội của người Pháp.

Khi phát xong, Thọ ngồi chò hỏ cạnh những người thiếu ghế thì bất ngờ một bà già cầm tay Thọ nâng lên mũi hôn, đôi mắt bà chứa chan cảm động. Bà không biết rằng Thọ còn cảm động hơn bà !

Phó giám đốc dẫn Thọ vào phòng những người đàn ông tàn tật. Mùi khai nước tiểu xông lên nồng nặc. Căn phòng nghèo nàn với những cái giường cũ kĩ. Người mù, người cụt tay, người cụt chân, người có đôi chân nám đen run rẩy nhắm nghiền đôi mắt. Ôi, buồn quá !

Trong căn phòng của những người đàn bà bất lực cũng ngai ngái mùi nước tiểu. Họ không thể đi xa, chỉ quanh quẩn bên chiếc giường trải chiếu xác xơ. Một bà thều thào :

---Cô ơi, cô để tiền trên gối cho bà mới vào cầu tiêu nghen cô.

Một bà khác lẩm bẩm :

---Đi cầu không lựa giờ. Nhằm lúc phát tiền mà đi cầu !

Những người làm công ở đây cũng không khá hơn bao nhiêu ! Trông họ khắc khổ gầy gò thiếu ăn và họ cũng nhận tiền với sự hoan hỉ.

Ngoài sân đám trẻ vào lứa tuổi dậy thì đang chơi đá banh. Một đứa chạy tới Thọ, thở hổn hển :

---Cô ơi cô, cô cho tụi con tiền mua trái banh, banh của tụi con cũ quá rồi !

---Trái banh bao nhiêu tiền ?

---Dạ 60 ngàn.

Thọ đang thầm so sánh khẩu phần ăn một ngày 5 ngàn và giá trị của trái banh, chưa kịp trả lời thì đứa trẻ lo lắng khẩn khoản :

---Cô cho bao nhiêu cũng được, tụi con sẽ góp thêm.

Nhận 60 ngàn, nó chạy lòng vòng la lớn :

---Tụi bây ơi, tụi mình có tiền mua banh rồi.

Cả bọn bỏ chơi banh, bu lại đứa cầm tiền, ồn ào mừng rỡ như trúng số.

Thọ thở dài. Niềm vui của tuổi trẻ Việt nam thật đơn giản, chỉ cần một trái banh mới chơi chung với nhau là thấy cả một bầu trời hạnh phúc !

Thọ quay lui nhìn lại một lần cuối những mái tóc bạc đứng lố nhố trước hàng hiên đưa tay vẫy vẫy. Một bà già nói vọng theo :

---Cô nhớ trở lại nghe cô !

France

Buổi sáng Thọ lang thang với con Minie, dạo quanh bờ hồ mờ ảo sương mù tràn ngập lá vàng rơi, miên man nhớ tới không khí ồn ào, những cơn mưa Ngâu và sức nóng mùa hè Đà nẵng. Nhớ từng nụ cười của kẻ quá giàu và quá nghèo. Nhớ những bữa ăn cao lương mỹ vị và những bữa cơm đạm bạc của giới thợ thuyền bình dân...

Từng đợt gió nhẹ mùa thu nước Pháp dịu dàng mơn man làn da rám nắng biển Mỹ Khê thật là dễ chịu! Thọ ngửa mặt nhìn bầu trời trong xanh, hít thật sâu không khí trong lành và lắng tai nghe tiếng chim kêu ríu rít. Sự tĩnh lặng dường như là âm thanh huyền diệu vang vọng:“Thọ là người may mắn được sống trên đất nước tự do“.

Châteauroux, tháng 11/2005