Đường về Quê Cũ 1, 2, 3


Đường Về Quê Cũ

- Phần 1 -

Bạn bè PTG & PCT họp mặt quán Mái Lá Saigon

France ---Hè 2005

Nhận mail Bảo tư bản gởi cho cả nhóm: « ---Thọ ơi, mi cho tao biết giờ để tao ra phi trưòng đón. Tao có Oshin rồI, tao sẵn sàng đón mi».

Thọ thắc mắc : « ---Oshin là xe hai bánh hay bốn bánh ? ».

Bảo tư bản trả lời : « ---Oshin là liên tử, tức là con sen đó ! ».

Thọ bổ ngửa.

Lại nhận thêm mail mụ Điệp: « ---Mi không biết là đúng rồi. Phải theo dõi phim Nhật mới biết Oshin ».

Mail Hoàn trinh nữ giải thích: “Oshin nổi danh lắm ! Bây giờ bên Việt nam người ta gọi người giúp việc nhà là Oshin đó mi ! ».

Sáng 14/6/2005 Thọ ra phi trường CDG Paris , nhớ lại chuyện Oshin và mỉm cười một mình. Đang ở porte số 87 chờ giờ lên phi cơ, bỗng nhiên một giọng đàn ông Pháp nói oang oang : « Avançez ! Avançez ! ». Thiên hạ ngơ ngác nhìn quanh. Đoàn người từ porte 90 mất bình tĩnh ùn ùn đẩy tới porte 87, Thọ bị cuốn theo. Giọng hét lanh lãnh tiếp tục : « Đi tới ! Đi tới ! ».

Thọ hỏi ông râu xồm bự con người Pháp bên cạnh :

---Chuyện gì vậy ông ?

---Hình như người ta nghi ngờ gì đó.

Bà Đầm già nghe lóm mẫu đối thoại, run rẩy thều thào với ông Tây già đi kế bên :

---Họ phát hiện có chất nổ ông ơi !

Nét mặt thiên hạ khẩn trương, kéo lếch thếch những xách hành lý chen lấn nhau về phía cuối phòng đợi. Thọ nghĩ tới ngày 11/9 New- York, bụng chưởI thầm tụI khủng bố ác ôn. Sau 15 phút nhón gót theo dõi đám nhân viên Pháp lăng xăng chạy lui chạy tới, trật tự vãn hồi và loa phóng thanh kêu gọi hành khách đi Việt nam trở lại porte 87. Lần này không đơn giản như những chuyến bay trước đây, nhân viên phi trường mặt mày cực kỳ táo bón, bắt buộc hành khách cởi giày và lục soát kỹ lưỡng. Vậy là chuyến bay cất cánh trễ gần 1 tiếng chỉ vì báo động hoảng.

Càng ngày tiếp đãi viên hàng không Việt nam càng tiến bộ hơn so với những năm trước. Có lẻ vì thiên hạ thường phàn nàn vẻ mặt lạnh lùng kênh kiệu của họ trên báo chí. Thật ra công việc chỉ đơn giản bưng dọn thức ăn, nhưng họ tưởng phục vụ khách hàng trên phi cơ quan trọng hơn các tiệm ăn dưới đất. Lần này nam cũng như nữ tiếp viên cởi mở lịch sự, các mâm thức ăn hấp dẫn hơn, mời nước liên miên và món mì gói muốn ăn bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng. Họ bắt chước lối phục vụ của hãng hàng không Đại Hàn và Hongkong.

Chuyến đi hôm nay hành khách Việt nam chiếm 60%, người nào cũng có số ghế nhưng cái tật chen lấn của dân mình bất trị. Nhiều người ở nước ngoài lâu năm vẫn không tôn trọng nơi chốn công cọng, làm biếng bấm nút dội toa –lét hay có thể họ không biết xử dụng tiện nghi của loại Boeing 777 mới ra lò hơi đặc biệt. Thọ ngồi gần một đồng hương tuổi sồn sồn xứ Canada ghé transit, làm nghề địa ốc, nhà ở gần Nguyễn ngọc Ngạn. Ông này đấu hót với Thọ không hở miệng. Ông nhắc lại chuyện trễ chuyến bay và chê nước Pháp thua xứ Canada. Đáng lẻ nhân viên an ninh Pháp phải giải thích lý do di tản , đồng thời lịch sự yêu cầu hành khách hợp tác, đằng này họ đuổi thiên hạ chạy như đuổi vịt !

Thọ khoe mới đi Mỹ cách đây một tuần. Ông so sánh người Việt nam ở xứ Mỹ làm giàu bằng nghề Nail, còn người Việt nam ở Canada làm giàu bằng nghề bắt trùn làm mỹ phẩm. Thọ trợn mắt :

---Bắt trùn thấy ghê quá ! Mà phải bắt cho nhiều mới có tiền ! Họ cân kí lô hả ông ?

---Không, họ có một lớp trấu kế bên, thỉnh thoảng họ xát trấu vào tay cho bớt trơn

Ông nói thêm :

---Mấy người làm nghề này mình mẩy, tóc tai, áo quần vô cùng hôi hám. Mùi trùn tanh lắm !

Tự nhiên Thọ khịt khịt mũi nhăn mặt, lẩm bẩm nhắc lại :

---Mùi trùn hôi lắm à ?

Ông xác nhận :

---Tắm rồi mà vẫn còn phảng phất mùi đó !

---Trùn ở đâu mà bắt nhiều rứa hè !?

---Không phải chỗ nào cũng có trùn. Bên Canada có vùng đất đặc biệt đầy trùn và chủ thầu mua chủ quyền, phải có phép mới vào được.

Ông còn cho biết thêm xứ Canada của ông thiên hạ khỏi mua báo, toàn là báo biếu. Chủ báo sống bằng tiền quảng cáo, dư sức trả nhuận bút cho những mục thời sự, mục xe cán chó và truyện ngắn.

Máy bay Air France ít khi có hành khách nhi đồng. Trái lại chuyến bay của Việt nam Airline nhan nhản trẻ con da vàng mũi tẹt. Thọ đang thiu thiu thả hồn vào giấc điệp thì bỗng tiếng con nít khóc ré lên, lôi cuốn những bạn khác khóc đồng ca. Người mẹ hiền ngồi băng ghế trước mặt Thọ dỗ con không nín, điên tiết tát cái bốp vào mặt thằng nhỏ. Volume của tiếng khóc nạn nhân được vặn hết cở, ằng ặc uất nghẹn như bị ai bóp cổ. Ông chồng càu nhàu nho nhỏ :

---Em đánh con làm gì để nó khóc quá !

Người vợ chồm qua ghế, vất đứa con vào tay chồng, hậm hực lớn tiếng :

---Anh có giỏi dỗ nó đi !

Năm nào Thọ cũng nhủ thầm « lần tới ta sẽ mua Air France đi cho sướng! », nhưng rồi đến giờ phút gay cấn chi tiền vé thì lại đổi ý vì phải trả thêm 150 euros.

Phi cơ hạ cánh chạy dài trên phi đạo. Một vài người Việt nam nôn nóng tháo dây nịt bụng. Bỗng nhiên tiếng cô chiêu đãi viên hàng không đầm ấm bằng 3 ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh :

« ---Yêu cầu quí khách gài dây an toàn cho đến khi phi cơ ngừng hẳn ». Vậy là họ tiu ngỉu loay hoay cài lại dây. Ông xứ Canada hỏI Thọ :

---Cô có bỏ 5 đô vào passport cho tụi công an không ?

Thọ chưa kịp trả lời thì bà ngồi cùng hàng ghế, xấp xỉ lục tuần, người Việt gốc Hoa nói hớt :

---Phải cho chớ ông! Nếu không tụi nó làm khó dễ đó!

Thọ chen vào:

---Lần đầu tiên mới về, tui sợ quá tui cho. Sau đó người ta xúi đừng dại dột cho tụi nó quen tật. Nếu ông mang đồ về buôn bán thì phải hối lộ. Tui không đem chi hết. Tui khỏi cho.

Ông xứ Canada thở phào nhẹ nhõm :

---Tui có đem gì đâu. Dzậy nghe lời cô thì tui cũng khỏi cho.

Bà Xẩm lo lắng :

---Tui có mang thuốc Tây về nhiều vì tui đủ thứ bịnh, chắc là phải cho rồi ! Tui định bụng cúng 20 euros đó cô !

Thọ tiếc dùm :

---Trời ơi, bà cúng chi dữ rứa bà ! Bà có đem theo toa thuốc không ?

Bà Xẩm lôi trong túi áo mấy tờ giấy trắng, giọng mất bình tĩnh 

---Tui có toa nhưng mà sao tui vẫn sợ ghê !

Thọ trấn an :

---Bà đừng lo. Khi nào tụi nó làm khó dễ, bà hù : « ---Anh muốn giữ thuốc của tui thì anh cứ giữ, nhưng làm ơn viết vài chữ và ký tên anh vào tấm giấy biên nhận. Tui sẽ biểu con tui khiếu nại với tòa lãnh sự. Tui bịnh hoạn thiếu thuốc, lỡ như có mệnh hệ nào thì anh phải chịu trách nhiệm sau này ».

Bà Xẩm mặt mày căng thẳng :

---Tui hồi hộp quá cô ơi. Mười mấy năm rồi đây là lần đầu tiên tui về lại Việt nam.

Bỗng nhiên nét mặt bà thư dãn, giọng khích động :

---Cô thấy tui tính dzầy được hông…Tui cúng tụi nó 5 euros thôi !

Ông xứ Canada lên tiếng :

---Bà cúng khơi khơi tức là « lạy ông tui ở bụi này ». Khi nào bị tụi nó làm khó dễ hãy tính !

Thọ tiếp theo :

---Thật ra tụi nó khôn lắm ! Nhìn mặt hành khách, tụI nó biết ngay dân nào là dân đi buôn. Chận khám là trúng chóc! Tướng ông với tui không giống dân đi buôn.

Bà Xẩm hỏI:

---Tui có giống dân đi buôn hông cô?

Thọ quay đầu nhìn kỹ bà Xẩm hơn. Mái tóc nhuộm đen uốn quăn , bên màng tang chân tóc bạc nhú lên chút xíu. Gương mặt má bầu núng nính trên cái cổ có nọng tố cáo ngườI dư thừa vật chất. Bộ đồ veste màu xanh xám , cổ bẻ đứng đắn kiểu dự hộI hè đám cướI của ngườI không theo thờI trang. Thọ nhìn ông xứ Canada tìm đồng minh:

---Tướng bả sao y chang dân đi buôn à ! Ông công nhận không ?

Ông cười gật gù :

---Bả mặc bộ đồ này thật là giống dân đi buôn. Tui với cô lè phè tụi nó không để ý.

Bà Xẩm xanh mặt hốt hoảng :

---Thấy mẹ rồi ! Thôi tui cúng tụi nó 5 euros cho chắc ăn !

Thọ cản :

---Bà không buôn lậu thì sợ gì tụi nó. Thiên hạ cứ chưởi tụi công an ăn hối lộ nhưng vẫn tiếp tục nuôi dưỡng tụi nó một cách vô lý !

Ông xứ Canada gật đầu :

---Cô nói đúng. Mình có mờ ám gì thì mình mới hối lộ.

Bà Xẩm không nói gì, lui cui kẹp 5 euros vào passport, nét mặt cực kỳ căng thẳng.

 

Sài gòn---Tiệm cắt tóc

Về tới nhà cô em gái khoảng 9 giờ sáng. Đứa cháu kể hôm qua ôn Tú điện thoại từ Đà nẵng, sáng nay ôn gọi lần nữa hỏi thăm làm Thọ tươi hẳn lên vì đúng là ôn có tiến bộ. Nhớ có năm ôn không gọi, Chức Nữ tự ái im rơ không thèm trách móc Ngưu Lang nhưng cõi lòng mụ tan nát. Qua hôm sau ôn tỉnh bơ nói tại ôn tính lộn ngày.

Thọ tới tiệm uốn tóc gần nhà. Tiệm ế ẩm vắng hoe. Nữ chủ nhân quen mặt xấp xỉ 30 mặc short jean, áo thun dây nhí nhảnh, guốc cao gót hợp thời trang. Đặc biệt nàng có cặp đùi thon dài hấp dẫn. Nàng đon đả chào hỏi:

---Chị về hồi nào dzậy?

---Chị mới về sáng nay. Hình như em ốm hơn năm ngoái.

Nàng cười ngỏn ngoẻn khoe mới lấy chồng. Thọ đoán tân phu quân là người đàn ông nằm ngáy pho pho dưới sàn gạch bông trong góc phòng gội đầu . Thọ dặn dò chỉ cần tỉa tóc chút xíu nhưng nàng vui tay xởn hơi bạo làm Thọ nhìn mình trong gương với nổi niềm chua xót. Thọ hơi buồn thấy gương mặt mình tròn vo như bánh bao vì tác dụng đầu tóc ngắn kiểu bum bê.

Chủ nhân ngọt ngào mời Thọ làm móng chân tay. Trước khi đi về Việt nam, con em gái bên Mỹ cẩn thận dặn chị nhớ đem theo cái kềm làm Nail với lời đe dọa Sida, nhưng Thọ lu bu quên phức. Thọ tự trấn an rằng số tử vi đoán mình không bị bịnh ngặt ngèo, sống lâu đến 80 tuổi lận! Vậy là mụ phó thác cho em thợ Nail với lời dặn dò tha thiết:

---Em cắt da sơ sơ thôi nghen, đừng cắt khóe nghen em!

Em thợ Nail “dạ” nhưng vẫn quen tay cắt mạnh làm Thọ la oai oái:

---Ái dza! Đau quá!

Lòng thầm lo bị chảy máu và kinh hãi tưởng tượng đến căn bịnh Sida. Chủ nhân thị uy thợ Nail:

---Ngâm chân cô lâu hơn chút---Chờ chút xíu cho mềm da ---Bôi va dờ lin nhiều vào!

Chủ nhân nâng niu sấy tóc Thọ và dịu giọng:

---Tóc kiểu này làm highlight hết xẩy! Làm nghen chị!

Thọ hững hờ:

---Phải gội đầu lại mất công lắm!

---Gội nhanh lắm chị ơi! Chút xíu hà!

---Chị lớn tuổi rồi mà làm tóc kiểu 2 màu coi kỳ quá em à!

---Em làm cho chị ít thôi. Mốt mới đó chị! Bảo đảm thấy trẻ lắm!

Chữ“trẻ“ như câu thần chú mầu nhiệm. Vậy là một tâm hồn yếu đuối bị dụ dỗ!

Hồi hộp theo dõi bàn tay cầm kềm của em thợ Nail...Em đang chăm chú xăm xoi những đầu ngón chân tội nghiệp của Thọ, bỗng nghe tiếng chủ nhân thầm thì:

---Ông xã em đó chị.

Trong gương phản chiếu một người đàn ông trẻ tuổi mặc xà lỏn, khoe tấm thân ốm teo trần trụi, đầu tóc bù xù, style“ hận đời đen bạc“. Chàng uể oải tiến về phía cửa, lơ đãng nhìn dòng xe cộ qua lại trên đường phố. Nàng nhìn theo chàng, giọng nũng nịu:

---Anh ăn gì em mua?

Giọng chàng lừ đừ:

---Anh muốn ra ăn ngoài.

Nàng nhanh nhẹn móc túi quần short, dúi vào tay chàng món tiền ăn sáng.

Sau khi âu yếm dõi mắt trông theo thật lâu bóng dáng khẳng khiu của người chồng yêu quí phóng xe khuất xa cuối đường, nàng quay lại săn sóc đầu tóc Thọ. Nàng tháo những mảnh giấy cắt từ tờ báo cũ đã thấm thuốc nhuộm, đăm chiêu quan sát và bảo em thợ Nail gội đầu. Lần gội thứ hai này cũng như lần trước, em thợ Nail quen tay dùng 10 ngón nhọn gãi sột sột trên da đầu Thọ đau điếng. Bực bội lắm nhưng Thọ đành giả dối cất giọng ngọt ngào:

---Gãi bằng móng đau quá em! Em làm ơn chà nhẹ bằng đầu ngón tay dùm chị đi em.

Thọ không quên hứa hẹn:

---Chút nữa chị sẽ thưởng.

Ngắm ngía đầu tóc Thọ vẫn không thấy có vẻ gì highlight, chủ nhân buồn rười rượi.Chẳng cần hỏi ý kiến Thọ, nàng bôi thuốc lần thứ hai và quấn lại 5 mảnh giấy báo cũ mèm.

Thêm nửa tiếng chờ đợi. Nàng tháo ra xem, miệng mỉm cười đắc thắng, dặn dò em thợ Nail chỉ xả nước, không cần thuốc gội.

Khi tính tiền, Thọ chưng hửng. Cô em gái tưởng Thọ chỉ cắt tóc nên đưa tiền vừa đủ cho dịch vụ cắt tóc. Thọ không có một quan niệm rõ rệt về giá cả, bị lôi cuốn vào màn Nail và màn highlight đột xuất. Đang bối rối thì ông chồng của nữ chủ nhân đi ăn điểm tâm về, chủ tiệm đề nghị đức lang quân chở Thọ về nhà lấy tiền. Em thợ Nail mặt rầu rĩ với viễn ảnh không được boa(pourboire), dương đôi mắt u uẩn nhìn Thọ thầm nhắc nhở. Thọ hiểu ý và không làm em thất vọng.

Về tới nhà bị đứa em gái chê tóc chị khô queo như rễ tre. Thọ lạI mất công gộI lạI lần nữa vớI thuốc làm bóng tóc.

Nắng buổI trưa gay gắt vớI tiếng động ồn ào xe cộ làm Thọ càng thêm mệt mỏi. Cả người bần thần vì thiếu ngủ.

 

Họp mặt bạn cũ và bạn mới

Bạn gái cũng như bạn trai gặp Thọ đều ôm vai chào mừng nồng nhiệt, nhưng đặc biệt đại ca Nhi bị dị ứng mùi đàn bà lạ, đạI ca thối lui vài bước và đưa tay ra bắt, mặt mày nghiêm trang kiểu cụ đồ Nho đang ngồI viết câu đốI ngày Xuân. Thọ thầm nghĩ:“ Ôn ni không thể giỡn mặt! Trách ôn không được vì ôn không thuộc thế hệ của mình. Dù sao ôn cũng thất niên rồi!“.

Bữa họp mặt gồm 10 người tại quán Mái Lá, Tân Sơn Nhì: Đại ca Nhi và bà xã Kim Thoa, sư huynh Lý và bà xã Ngọc Bảo, Ngô tấn Trực và bà xã Liên, Toàn và bà xã Thanh Yên, Việt kiều Úc Mai San và Thọ. Mụ Mỹ Lý bị sao Quả Tạ chiếu! Mụ không bao giờ vắng mặt trong các buổi họp mặt, nhưng lần này mụ bị sốt nặng, muốn lê lết tới cũng không còn sức. Mụ ho sù sụ trong điện thoại nghe rất tội nghiệp!

Cả bọn nhâm nhi Heineken và thưởng thức cua rang muối. Nhân viên nhà hàng ấp úng giải thích loại cua đặc biệt chỉ có một càng. Thọ nói giỡn:“Cua đánh lộn dành gái nên trở thành thương phế CUA!“. Bảo tư bản cười hí hí. Bàn ăn dọn đầy các món: nhồi trường xào thập cẩm, cải bẹ xanh xào tỏi,cá nướng, mực hấp...Mấy mụ chê mắm nêm bị hôi mùi xà bông nhưng bù lại mấy món kia khá ngon. Mặc dù Bảo tư bản cảnh cáo Thọ mập hơn năm ngoái, đôi đũa gỗ của Thọ vẫn múa may quay cuồng thoải mái trên bàn tiệc vì bao tử đang réo rắc biểu tình.

Đớp hít no nê xong mà Mai San vẫn chưa thấy tới. Mỗi lần thấy bóng dáng người đàn ông lạ bước vào quán thì cả bọn nhốn nháo tưởng là Mai San. Thọ lầm bầm với Bảo tư bản:“ ---May mà tao không dại dột nhào hoảng ra tay bắt mặt mừng!“. Chờ dài cổ thì một người đàn ông style trí thức mang kiếng cận, mặc jean xanh, áo thun vàng mang ba lô xuất hiện. Ôn Trực nhận ra kêu nho nhỏ:“Mai San tới rồi!“. Thọ chắc ăn nhanh nhẹn rời bàn ra đón ôn San. Lần đầu tiên gặp mặt nhà thơ lãng mạn xứ Kangourou, Thọ hơi bối rối. Muốn ôm mừng như thông lệ những người bạn Pháp cho thân mật nhưng lại ngại bài học hất hủi của đại ca Nhi vừa rồi, thì may thay San Kangourou nồng nhiệt ôm choàng lấy Thọ. Mụ nhiệt tình ôm chặt lại trả lễ và hài lòng với cảm giác mối tương quan thân thiết giữa hai người bạn khác phái.

Bạn bè làm quen theo đường truyền Internet nhưng tưởng như thâm tình từ thuở nào. San Kangourou vừa tận tình thưởng thức món cua một càng vừa chuyện trò tương đắc. Món tráng miệng là những múi mít Tố Nữ thơm ngào ngạt của ôn San, đã chịu khó mang trên vai từ Long Khánh về.

Mụ Yên yêu cầu Thọ kể chuyện tiếu lâm. Được gãi trúng chỗ ngứa, Thọ dài dòng câu chuyện phòng the Tarzan làm cả bọn cười thoải mái.Bữa tiệc kéo dài đến khuya. Cả bọn chia nhau mấy kí lô chôm chôm tươi Long Khánh trước khi giã từ Mai San vộI vã trở về xứ Kangourou. Họp mặt hè 2005 với ôn San...Lần đầu là lần cuối người ơi...Suốt đời hẹn thề ta trở lui...

 

Cô nhi viện KỲ QUANG

Mỗi năm về Viêt nam, Thọ không quên ghé qua cô nhi viện khiếm thị Kỳ Quang ở Gò Vấp. Một nhà sư Phật giáo trẻ tuổi có đôi mắt trong sáng với nụ cười bao dung, thầy Thích Quang Hạnh (tên thật là Mai văn Phúc) là người khởi xướng ra chương trình nuôi nấng và dạy dỗ hơn 200 em cô nhi khuyết tật bẩm sinh từ năm 1995.

Mới sinh ra đời bị cha mẹ bỏ rơi đã thấy tội nghiệp rồi! Trời ơi đằng này đôi mắt còn bị mù thì thê thảm quá! Trên nền nhà lát gạch bông, các em bé tí xíu chưa tới tuổi thôi nôi, tay chân gầy guộc ngo ngoe dưới sức nóng mùa hè 37 độ. Đằng kia những em chập chững tập đi, hai bàn tay nhỏ bé quờ quạng vịn vách tường bước lần ra cửa. Trong căn phòng bên cạnh, những em lớn hơn im lìm nằm hay ngồi sát bên nhau trên những chiếc giường sắt hai tầng, đôi mắt vô hồn lờ đờ tròng trắng, gương mặt u buồn số phận hẩm hiu.

Cảnh tượng viện cô nhi ở đây não nề hơn bất cứ một viện cô nhi nào mà Thọ đã ghé qua!

Mỗi mùa hè 2001, 02, 03, 04 và hôm nay là mùa hè thứ năm tới lại chốn này. Thọ bùi ngùi nhìn những em cô nhi vẫn mang đôi mắt vô hồn sống âm thầm lặng lẽ. Một đứa trẻ tuổi độ 15 đang chơi mandoline. Tụi bạn đồng cảnh ngộ bu quanh, gương mặt thư dãn theo tiếng đàn réo rắc. Thọ ngồi trên giường bên cạnh các em, xót xa chia xẻ nổi niềm với người nghệ sĩ thiếu may mắn.

Những năm gần đây thầy Quang Hạnh nhận thêm một số em bại não chậm phát triển, bị điếc và các loại tật khác, từ vài tháng đến 25 tuổi. Một em bé đang nằm trên chiếc võng, tiếng khóc ray rức khác thường làm Thọ chú ý. Hỏi thăm mới biết em không có hậu môn và cũng không có đường tiểu. Chị nhân viên lật tấm băng, Thọ lạ lùng thấy trên bụng bên trái của em có hai vết thương tròn đỏ lòm trông thật ghê rợn. Để giải quyết tình trạng này, em bị khoét thông 2 lỗ tiểu tiện và đại tiện. Căn phòng hầm hập nóng dưới mái tôn mùa hè, hoàn toàn thiếu trang bị y tế chống vi trùng xâm nhập. Tội nghiệp em. Không một bệnh viện Việt nam nào chịu nhận em miễn phí.

Năm đầu tiên tới đây, Thọ thấy ngôi chùa Gò Vấp khiêm tốn khuất sau con đường hẽm. Nhưng rồi càng ngày ngôi chùa càng được xây cất phát triển đồ sộ trên mảnh sân chật hẹp. Ngạc nhiên và lân la hỏi thăm những người làm thiện nguyện ở đây, được biết ban quản trị chùa bất đồng tư tưởng.

Thầy trụ trì tuổi sồn sồn khoái chơi nổi, thầy cho rằng chùa càng tráng lệ thì sẽ thu hút được nhiều người tới lễ chùa. Như vậy con người có cơ hội tu hành và bớt tham sân si, rằng thuyết nhân quả của nhà Phật sẽ đưa đến kiếp sau hạnh phúc hơn. Chẳng hạn khỏi bị ...mù!

Nhà sư trẻ Quang Hạnh không đồng quan điểm với thầy trụ trì. Mục đích của thầy thực tế hơn. Thầy mang hoài bão nuôi nấng và dạy dỗ các em cô nhi nên người ngay trên cõi đời này. Thọ hoàn toàn đồng ý với thầy. Mới lọt lòng đã mồ côi, mù và đói nữa thì tu cái nổi gì!

Viện cô nhi Kỳ Quang không được nhà nước Cọng Sản bảo trợ xu teng nào, chỉ sống nhờ vào tiền đóng góp. Từ mấy năm nay tài chánh của viện sa sút cũng vì thiên hạ bất mãn ngôi chùa mang bộ mặt tư bản. Thầy Quang Hạnh ăn ngủ không yên, bàn bạc với một số nhà hảo tâm lập riêng Kỳ Quang 2. Trong lúc chưa hoàn thành cơ sở 2, một số em vẫn ở tạm cơ sở 1 chùa Gò Vấp.

Người em rể chở Thọ tới chùa Gò Vấp nhưng thầy Quang Hạnh đang ở cơ sở hai phường Thạnh Lộc. Được nhân viên rỉ tai cho biết chùa vẫn tiếp tục nhận tiền của các nhà hảo tâm nhưng chia xẻ cho các em cô nhi rất ít, Thọ quyết định trực tiếp gặp thầy Quang Hạnh. Người em rể cương quyết không chở Thọ đi, viện lý do thiếu mũ bảo hiểm, e ngại bị phạt trên xa lộ và có thể bị giam xe.

Đã đọc qua nhiều bài báo viết về một số nạn nhân Việt kiều bị tài xế taxi, xe thồ cướp giật hoặc giết chết trên các con đường vắng vẻ. Thọ teo lắm! Chưa bao giờ Thọ dám chơi dại. Bỗng nhiên nhớ tớI phim Hymalaya, một thầy tu trẻ tuổI Tây Tạng gặp cảnh bốI rốI giữa hai con đường: nên ở lạI chùa tu hành trầm lặng như bấy lâu nay, hoặc là đồng ý giúp cha già băng qua ngọn núi tuyết vớI bao nhiêu gian lao hiểm trở. Thầy nghe văng vẳng bên tai lờI sư phụ giảng dạy: “---Khi phân vân giữa hai điều, con hãy chọn lựa điều khó khăn nhất!”. Từ lâu Thọ vẫn mong có dịp sẽ áp dụng bài học này. Vậy là Thọ xâm mình, nhủ thầm chắc không sao! Mặt mũi ông xe thồ có vẻ hiền lành. Phiền là cả hai đều không có mũ bảo hiểm. Thọ thầm van vái xin ông bà linh thiêng “mà” mắt dùm con tụI công an.

Xe quẹo vào một con đường gồ ghề đá sỏi. BụI đỏ tung lên mù mịt dướI nắng hè gay gắt. Hơn 40 phút sau xe tớI nơi nhưng thầy Quang Hạnh bận họp trên phường, đang bàn luận về dự án xin nhà nước tráng nhựa con đường vào cơ sở Kỳ Quang 2. TớI đây rồI không lẻ trở về! Thọ bảo ông xe thồ tiếp tục chở Thọ ra phường. Xe chạy vào vùng quê qua nhiều con đường làng nhỏ hẹp. Hai bên là những lũy tre xanh và đồng ruộng vắng vẻ một cách bí hiểm. Thọ chột dạ nếu xui xẻo mình gặp phảI ông xe thồ gian ác thì có thể bị xin tí huyết mà không ai hay biết!

Cũng may không bị mất tí huyết nào và Thọ tớI phường Thạnh Lộc bình an vô sự.

Thọ có bà bạn sùng kính những nhà tu hành Phật giáo tớI độ mù quáng. Bất cứ ai phê bình không tốt về thầy tu thì bị bà quạt ngay. Bà bạn đã giận Thọ vì Thọ dám chê ông thầy tu của bà mặt mũi hơi …gian! Đặc biệt lần nào gặp thầy Quang Hạnh, Thọ cũng có cảm giác như tâm hồn mình lắng dịu êm ả và tất cả niềm thương mến tin cậy hoàn toàn đặt vào thầy. VớI nụ cườI hiền hòa cố hữu, thầy cất giọng miền Nam vui vẻ: “---Cô lặn lộI lên tớI tận đây à!”.

Theo thầy về lạI cơ sở 2. Ở đây không xây chùa. Vừa bước vào thấy ngay hộI trường văn nghệ. Hoạt động âm nhạc do các em trình diễn và biên soạn đang từng bước được chuyên nghiệp hóa. Các em chơi cổ và tân nhạc. Các dụng cụ như ghi –ta cổ, ghi-ta điện, đờn cò, sáo…Âm thanh tiếng trống, tiếng đờn của bản nhạc Mỹ giật gân làm gân giật phát ra ồn ào từ hai cái loa trong hộI trường mái lá làm Thọ ngạc nhiên thích thú. Thì ra thầy cho thiên hạ thuê hộI trường tổ chức sinh nhật, đám cướI, tiệc tùng…kiếm thêm chút cháo nuôi các em cô nhi.

Khác với cơ sở 1 Gò Vấp chật hẹp, đất đai ở đây rộng rãi và nhà cửa được kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ. Mái lợp lá đơn sơ. Vách tường là những khúc gỗ chẻ đôi, lớp vỏ cây sần sùi tự nhiên trông rất mỹ thuật. Miền quê trù phú một màu xanh êm dịu hoà bình. Ngọn gió mát rượI thổI vào từ dòng sông hiền hòa êm ả. Cây cảnh được cắt tỉa công phu và tiếng chim hót líu lo làm lòng ngườI lâng lâng…

Chiếc cầu gỗ kiểu Nhật thơ mộng băng qua các lớp tiểu học và trung học trước khi bước vào chương trình hướng nghiệp. Hiện tạI cơ sở đã có 36 em tốt nghiệp các khóa xoa bóp bấm huyệt tạI Viện Y Học Dân Tộc. Ba ngày môt tuần, các em công tác tạI chùa Kỳ Quang, tham gia chữa bệnh cho các bệnh nhân. Hơn 70 em cô nhi khiếm thị và khuyết tật đã trưởng thành. Nơi đây các em được học nghề, được tạo công ăn việc làm ổn định, phát triển tinh thần tự lực và sống độc lập. Thật là khó tin nếu Thọ không trông thấy tận mắt những giỏ hoa xinh xắn, những bộ bàn ghế salon tân kỳ, những trái dừa và ống tre cắt tỉa mỹ thuật.

Theo bước chân thầy leo lên gác là phòng ngủ của các em trai. Sàn gỗ chùi bóng sạch sẽ thay cho giường ngủ. Phía bên kia là phòng ngủ của các em gái cũng tương tự.

Xa xa, ngôi nhà lá dành cho các cặp cô nhi mù bị tiếng sét ái tình đánh trúng mặc dù không trông thấy mặt mũi của nhau. Họ đuợc thầy tác thành vợ chồng và tiếp tục chung sống ở đây. Thọ cười hớn hở nghe tin con cái họ may mắn không bị mù như cha mẹ.

Đi qua một cái chòi tranh vắng hoe, thầy vui vẻ kể:

---Nơi này trước đây là cantine bán chè, bún, mì cho các em bồI dưỡng, nhưng nhiều em cứ bảo nhà bếp ghi sổ đòi cha (tức là thầy Quang Hạnh).

Thầy cườI lắc đầu:

---Riết rồI hết vốn đành phảI dep tiệm!

Theo chân thầy vào phòng ăn, 12 giờ trưa phòng đông nghẹt các em vào lứa tuổI dậy thì. Nghe tiếng thầy, các em ngừng ăn. Những đôi mắt nhắm nghiền cố hữu. Những tia nhìn vô hồn tương phản trên những khuôn mặt trẻ rạng rỡ, đồng thanh nhao nhao: “---Cha ăn cơm chưa cha?”.

Trước khi từ giã, Thọ hộI ý về việc chuyển tiền. Được biết từ nước ngoài gởi tớI thầy Quang Hạnh nhận rất dễ dàng. Thọ xin thầy tấm carte địa chỉ:

MAI VĂN PHÚC ( T. Quang Hạnh)
Mobil : 0903 372 849
Tel : 8 941 442 - 7 199039

CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ HƯỚNG NGHIỆP
THANH THIẾU NIÊN KHIẾM THỊ KỲ QUANG 2
136A Tổ14---Khu phố 3---Phường Thạnh Lộc---Quận 12

Ông xe thồ chở Thọ về cơ sở 1 Gò Vấp hơn 1 giờ trưa. Cậu em rể đứng chờ trước cổng chùa, sốt ruột đi ra đi vào, mặt mày nhăn nhó, thần kinh căng thẳng tưởng tượng mụ vợ yêu quí của mình sẽ xơi tái mình nếu chẳng may bà chị vợ có mệnh hệ nào.

- đọc tiếp -