Tường Trình Về Đaị Hội Kỳ 3-Seattle, Wasington
(Nguyễn Bích Liên)


(Slideshow)

Du Ngoạn Vancouver, British Columbia-Canada

Chúng tôi nhóm bạn PTG khoảng hơn 20 người, dưới sự hướng dẫn của thầy Võ Anh Dũng và chị Võ Thị Thúy, thực hiện chuyến du ngoạn Canada.

Dư âm của hai ngày tham gia Picnic và Dạ hội vẫn còn vương lại chưa phai, nên chúng tôi chuẩn bị cho cuộc du ngoạn Canada trong tâm trạng hân hoan, phấn khởi. Trước khi lên đường, chúng tôi tập trung tại nhà Huy Ngọc để chờ một vài bạn và chia tay với những người không đi cùng chúng tôi.

Chúng tôi đi Canada bằng hai xe Van do Biên Cương và Đình Huy làm tài xế. Tôi đi chung nhóm với Thầy Dũng, chị Hạnh, chị Thúy, Đình Huy, và mấy người bạn khác. Khi xe bắt đầu lăn bánh là mọi người cũng bắt đầu cười bằng những câu chuyện khôi hài của bạn Kim Liên. Tôi buồn ngủ nên ngủ gà ngủ gật, chỉ nghe được loáng thoáng thôi mà cũng không nhịn được cười.

Đến biên giới Canada, chúng tôi dừng lại để xuất trình giấy tờ. Thông thường thì những công dân Mỹ chỉ việc trình giấy tờ rồi đi. Nhưng hôm đó có anh Hưng từ Úc về nên việc xét giấy tờ của công dân một nước khác có phần kỹ càng hơn, nên chúng tôi phải vô bên trong trạm xét, qua cuộc phỏng vấn nhỏ, và chờ đóng dấu vào hộ chiếu xong mới được đi. Nhờ vậy mà chúng tôi có thêm một con dấu lưu lại trong hộ chiếu để kỷ niệm cho chuyến đi Canada nầy. ( 08/06/07)

Các bạn khác cũng như Thầy Dũng thường đi Canada. Chị Thúy cũng vậy chị gần như quen thuộc ở đây vì năm nào chị cũng đi. Riêng tôi, khi dừng xe tại trạm kiểm soát biên giới, tôi cảm thấy một chút hân hoan vì lần đầu tiên được đi một nước khác ngoài nước Mỹ.

Nhất là Canada, cái tên quen thuộc đối với nhiều du khách. Chị Thúy đã chụp cho chúng tôi tấm hình ngay tại biên giới để kỷ niệm lần đầu đến đây.

Khi xe vượt qua biên giới tôi càng thấy nôn nao hơn. Tôi đã đến Canada, một nơi chỉ nghe thôi và bây giờ mới được nhìn thấy. Mặc dầu ở Mỹ, nhưng tôi vẫn thấy mình như là nhà quê mới lên tỉnh, khi đến một nơi mà tôi chưa hề đi qua.

Quán ăn TSim Chai Noodles là nơi đầu tiên chúng tôi đến để ăn trưa. Rồi đi loanh quanh một vài cửa tiệm gần đó để coi cho biết cảnh dân sinh. Khu nầy giống như khu chợ Việt Nam ở San Jose. Chị Thúy rành rẽ nơi nầy nên chị nhanh nhẹn hướng dẫn chúng tôi. Chúng tôi cũng được ăn nhiều thứ trái cây: nhãn, ổi, măng cụt, bòn bon. Trái cây ở đây mùa nầy không rẻ hơn ở Cali nhưng tươi ngon và ngọt hơn, hay chỉ vì đến nơi lạ nên chúng tôi có cảm nhận khác hơn.

Sau đó chúng tôi đi Vancouver. Chúng tôi dừng lại ở một khu thương mại. Ở đây đường phố nhỏ hẹp hơn ở Mỹ. Một vài dãy phố cũng bày bán gần giống như phố Tàu Chợ Lớn ở Việt Nam. Chúng tôi gồm hơn 20 người vì vậy không thể tập trung đi chung, nên

chia thành nhiều tốp giống như là những nhân vật trong phim “Cảnh sát hình sự” đang thi hành công vụ. Mỗi tốp bảy hoặc tám người hăng hái tỏa về một dãy phố để truy tìm…..trái cây và đồ ăn.

Khu phố nhỏ nên đi “năm phút đã về chốn cũ”. Một lúc sau, nhóm chúng tôi tập trung tại một góc phố để chờ nhóm các bạn, và lại bắt đầu cho những câu chuyện vui.

Thầy Dũng khởi xướng đầu tiên. Thầy kể, hồi xưa Thầy đi học ở Huế, con gái Huế mỗi lần thấy con trai Đà Nẵng ra là thích lắm. Thầy vừa kể vừa cười, bởi vậy mới có hai câu thơ: “Chàng trai xứ Quảng ra thi. Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành.” (phải không đó, Thầy chế lại thì có) Thầy kể tiếp, có lần Thầy đi học về, biết đi ngang qua trường học thế nào cũng gặp mấy o nữ sinh. Hồi đó Thầy đi chiếc Solex màu đen (le nhất hồi đó rồi) , là trai xứ Quảng mà, nên Thầy muốn dợt le với mấy em nữ sinh Huế, Thầy làm bộ vô tình máng chiếc áo khoác trắng trên xe cho oai. Ai dè mấy o chọc quê Thầy, kêu Thầy là thợ hớt tóc. Từ đó Thầy không dám dợt le như vậy nữa.

Anh Hưng cũng kể câu chuyện làm bọn tôi bật cười. Hồi anh đi học ngoài Huế, khi gặp mấy cô gái Huế anh không dám mở miệng nói chi hết, vì khi nghe giọng Quảng Nam
của anh thì thế nào mấy cô cũng chọc ghẹo bằng cách rao “chiếu hôn”, giọng rao của mấy ông bán chiếu hồi xưa ở xứ Quảng. Tôi cũng còn nhớ giọng rao “chiếu hôn” rất ư là Quảng Nam đó. Thời đó, mấy ông bán chiếu ở Đà Nẵng thường bó hai đầu những chiếc chiếu lại với nhau bằng sợi dây dừa, và dùng chiếc đòn gánh làm bằng một khúc cây tre dài xóc vô giữa những chiếc chiếu gánh đi bán dạo.

Tuy bị chọc ghẹo nhưng mấy anh con trai xứ Quảng hồi đó chắc là thích cái vẻ dịu dàng, yểu điệu của mấy o nữ sinh Huế lắm. Nên chi mới có hai câu thơ “Chàng trai xứ Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế mà đi không đành.”

Chúng tôi đang đứng tại một góc phố của Vancouver,

mấy anh nổi máu tiếu lâm bắt đầu muốn làm thơ tếu đề tài Van- Cou- ver. Rất nhiều câu thơ tếu do anh Hưng, anh Tấn chồng Thu Thủy đặt ra vui hết biết luôn.

Thầy Dũng cũng xuất khẩu thành thơ, họa lại hai câu thơ của anh Hưng, làm mọi người cười một trận hả hê. Vui nhất là khi anh Tấn đưa máy hình lên, Thầy Dũng tưởng chỉ chụp hình thôi, nên cứ tự nhiên mà nói. Không ngờ anh Tấn đã quay phim, thu âm hai câu thơ Thầy Dũng vừa đọc. Ngàn năm một thuở mới chộp được cơ hội nầy, mọi người cười khoái chí, Thầy Dũng thì quýnh lên dặn anh Tấn xóa đi nghe. Mấy bạn muốn chọc Thầy cho vui, xúi anh Tấn để dành đó mai mốt đem ra bán đấu giá.

Tiếp đến chúng tôi đi thăm công viên Stanley. Công viên nầy rất rộng, nhiều cây cối xanh tươi, hùng vĩ, nằm ven theo một phần bờ biển Thái Bình Dương nên khí hậu ở đây mát mẻ, trong lành. Con người phối hợp với thiên nhiên một cách tài tình, biến khu công viên nầy trở thành một nơi rất đẹp và thuận tiện, nên du khách đến đây rất đông. Chỗ đậu xe rộng rãi gần sát vỉa hè, nơi gần như là con đường nhỏ để du khách đi bộ qua lại. Ngăn cách với vỉa hè và bờ biển Thái Bình Dương thoai thoải phía bên dưới, là một hàng rào cao độ hơn một mét rất kiên cố. Du khách có thể đứng từ phía hàng rào nhìn ra biển Thái Bình Dương rộng mênh mông. Nổi bật giữa dòng đại dương xanh thẳm, những chiếc du thuyền màu trắng lộng lẫy đang thong thả chuyển mình kéo theo sau những vạch sóng trắng xóa nhấp nhô, vẽ nên một cảnh đại dương sinh động. Xa xa, phía bên kia bờ biển Thái Bình Dương, những dãy đồi núi chập chùng mờ ảo, mây trắng lãng đãng bay ẩn hiện trong nền trời trong xanh. Nét đẹp diệu kỳ của cảnh sắc thiên nhiên như cuốn hút ta gởi hồn theo trời xanh mây biếc xa xăm.

Đang mãi mê ngắm cảnh, Thu Thủy trờ tới vẻ mặt tỉnh bơ nói với tôi: “Chị Liên biết không, hồi trước Thủy qua đây năm chín mươi, Thủy mua chiếc thuyền” Tôi tưởng thiệt, lắng tai nghe Thủy nói tiếp: “Thủy thả xuống đây, hồi nớ hắn nhỏ chút xíu mà chừ hắn bự như rứa đó.” Thủy vừa nói vừa đưa tay chỉ chiếc thuyền, lúc đó tôi mới chợt hiểu ra, phì cười. Thủy cũng “tào” dễ sợ chưa, hèn chi là bà xã của anh Tấn.

Bên cạnh sự hùng vĩ của núi đồi, hướng về phía công viên, những khóm hoa nhiều màu chen nhau phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, làm tăng thêm vẻ rực rỡ của sắc hoa đỏ, cam, vàng, nổi bật giữa những chòm lá xanh tươi sinh động. Cầu Lions Gate ở đây không đẹp và vĩ đại bằng cầu Golden Gate ở San Francisco, nhưng nhìn cây cầu nầy khiến ta hình dung đến cầu Golden Gate.

Những cây cối quanh đây hầu như toàn là những cây Maple, một loại cây có cùng tên với loại cây Maple của Nhật, mà màu lá có thể thay đổi tùy theo mùa. So sánh những cây Maple ở đây và những nơi khác, có thể nói những cây nầy có lẽ đã có từ trăm năm trước.

Điểm dừng chân cho buổi picnic của đoàn đi Canada chúng tôi là khu công viên, cũng là một phần của công viên Stanley, nằm sát bờ biển Thái Bình Dương. Chúng tôi đến đây khoảng sáu giờ, nên trời chiều se lạnh. Tôi phải đứng ra chỗ có nắng và làm một vài động tác thể dục cho đỡ lạnh.

Chúng tôi đi cả ngày vui quá nên không thấy mệt, lại dừng chân tại một công viên cây cối xanh tươi, cảnh trí thơ mộng, nên chúng tôi cảm thấy rất khoan khoái, dễ chịu.

Chúng tôi bày ra những đồ ăn và những thứ trái cây mà chị Thúy và các bạn đã tìm mua ở Vancouver, rồi cùng nhau vừa ăn vừa chuyện trò rất vui. Mỗi một câu từ các bạn nói ra đều đem lại cho chúng tôi nụ cười. Có bạn tự nhiên phát giác ra hai tài xế Biên Cương và Đình Huy không hẹn mà mặc hai bộ đồ giống nhau, đội mũ giống nhau, cũng ngẫu nhiên làm chúng tôi cười…

Chuyến du ngoan thật vui vỏn vẹn trong một ngày nhưng đã cho chúng tôi niềm vui thân thiết và những kỷ niệm khó quên. Khoảng tám giờ tối, chúng tôi chia tay hai bạn Thanh Dung từ Florida về, rồi cùng nhau trở về Seattle, kết thúc một cách hài lòng chuyến du ngoạn Canada.
 

Trở về trang Đại Hội 2007