(Nguyễn Bích Liên)

(Slideshow)

   Tôi, Quí, Công, Dung, và Kim cô con gái nhỏ dễ thương của Công Dung cùng đến công viên Mile Square Regional Park vào khoảng 10:00 sáng thứ Bảy 30/08 để tham dự buổi Picnic. Thoạt đầu, chúng tôi nhìn thấy Huy, anh Lân của Thanh Nhạn, và vài người khác đang phụ nhau đẩy những thùng to nước uống và những vật dụng cho buổi Picnic, trên con đường nhỏ dẫn vào nơi tụ tập Picnic của trường, trong công viên rộng mênh mông phủ kín những thảm cỏ non xanh ngát.
   Nhìn tấm bích chương màu xanh dương nổi bật hàng chữ Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản Đà Nẵng Hải Ngoại, để nghe lòng mình ấm lại cái cảm giác như đang trở về hiện hữu với thời còn làm học trò, dịu dàng trong tà áo dài lụa trắng trinh nguyên của thời “mười sáu tuổi em tập làm thiếu nữ, vai tóc thề áo lụa trắng bay bay.” (Thơ Luân Hoán)
   Hướng về phía trước, một số học sinh PTG đã đến sớm chuẩn bị đón tiếp bạn bè. Ở đó, thấp thoáng những chiếc áo bà ba xanh, đỏ, tím, hồng, lam… của những nàng kiều PTG trong ban tổ chức, như những cánh bướm bay lượn trong công viên khoe sắc. Nổi bật nhất là chị Ái Cầm với chiếc áo bà ba lụa màu vàng hoàng yến trong dáng dấp nhỏ nhắn, xinh xắn dịu dàng bên chiếc nón lá buông lơi dải lụa cùng màu.
   Chúng tôi và những người bạn PTG gặp nhau chào hỏi tay bắt mặt mừng, mới đó mà một năm đã qua, bây giờ Thầy trò bạn bè lại có dịp gặp. Thêm một lần gặp mặt là thêm một tuổi đời đi qua trên mái tóc ngày càng nhiều những sợi bạc, nhưng ai nấy hình như đã quên đi tuổi tác của mình, chỉ biết hội ngộ hôm nay là ngày vui mong đợi trong suốt một năm qua.
   Càng lúc những cựu học sinh PTG càng đến đông hơn. Có hơn hai trăm người từ khắp nơi trên thế giới về tham dự. Đặc biệt, Thầy Hiệu Trưởng trường chúng tôi - Giáo Sư Lê Quang Văn cùng phu nhân cũng đã có mặt tại công viên Mile Square để tham dự buổi Picnic.

Tôi vừa gặp Thanh Nhạn là vội vàng thú tội ngay:
- Nhạn ơi! Chị xin lỗi hôm qua không tới Nhạn được.
Cô bạn nhỏ giọng dỗi hờn rất là dễ thương:
- Ham chơi quá mà. Tôi cười cầu hoà:
- Không Nhạn ơi, chị về đây trễ quá nên quên mất.
Thanh Nhạn cũng đồng lòng nhoẻn miệng cười với nụ cười duyên dáng thường ngày.
Vậy là tôi nhẹ lòng, trút được băn khoăn vì cái tội hay quên nên đã thất hứa tối thứ Sáu ghé nhà Thanh Nhạn.

   Tôi chưa gặp Huyền Linh bao giờ. Lần đầu tiên gặp người thủ vai chính trong Ban Biên Tập của Tập San chào mừng Đại Hội. Huyền Linh nhỏ nhắn, dễ thương hơn trong hình Đại Hội Liên Trường năm 2006 đăng trên trang web trường PTG.

Trên những chiếc bàn dài đã thấy bày sẵn những thức ăn. Các chị trong ban tổ chức đã đặc biệt chiêu đãi những món ăn mang hương vị quê hương như bánh bèo chén, giống như bánh bèo trường Nam mà chúng tôi thường ăn hồi còn đi học. Đặc biệt là món mì quảng, một rỗ rau sống to với đầy đủ các loại rau thơm được bày ra rất là hấp dẫn, một nồi nước nhân mì quảng to tướng bốc khói, làm mấy o buổi sáng lo sửa soạn trang điểm quên ăn đã cảm thấy đói bụng. Còn có cả bánh bột lọc, những chiếc bánh bột lọc trần bóng láng trong vắt, nhìn suốt được nhân đậu xanh bên trong, được dọn ra trên chiếc khay lớn trông rất ngon. Có thêm món ăn dân giả xứ Quảng, đó là món mít trộn cũng không kém phần hấp dẫn. Ngoài ra còn có các món tráng miệng như chè đậu đỏ, thạch đen hột é, và nhiều thứ trái cây như đào, xoài, dưa hấu…
   Huyền Linh nhanh nhẹn xẻ những quả dưa hấu đỏ tươi thành từng miếng nhỏ khéo léo. Huyền Linh hăng hái trong việc xẻ dưa hấu bởi mục đích dẫn dắt trò chơi thi ăn dưa hấu được diễn ra rất vui sau đó.
   Huỳnh Tường Vi, người bạn đã nhận ra tôi qua trang web trường. Chúng tôi đã liên lạc với nhau và hẹn gặp nhau hôm Picnic. Tường Vi không thay đổi mấy, vẫn dáng vẻ hiền hòa dịu dàng như xưa. Đây là lần đầu tiên Tường Vi tham dự Picnic của trường, hy vọng Tường Vi thực sự được vui bởi thân tình của bạn bè.

   Sau khi chào hỏi và mời mọc ăn uống xong, chúng tôi như thường lệ tập trung lại để bắt đầu chương trình họp mặt. Chúng tôi cùng đứng lại thành một vòng tròn lớn và càng lúc càng “Nối Vòng Tay Lớn” đông thêm những người tham dự. Chúng tôi cùng hát bài hát rất là trẻ thơ bắt đầu cho chương trình Picnic. Chị Ái Cầm vẫn như thường lệ trong cương vị của người hội trưởng thân tình chào hỏi mọi người, phát biểu cảm tưởng của mình cho buổi Picnic nầy, và chị lần lượt giới thiệu Thầy Võ anh Dũng, người cố vấn cho chương trình Đại Hội, và Thầy Hiệu Trưởng Lê Quang Văn đến từ Việt Nam có đôi lời phát biểu. Thầy nói:
   “Tôi rất vui mừng gặp lại các đồng nghiệp của tôi, và tất cả các học sinh cũ của tôi ở xứ người. Tôi rất là cảm động khi mọi người còn tưởng nhớ đến nhau, và nhớ đến trường của chúng ta để tổ chức những buổi họp mặt đông đúc như thế nầy. Tôi rất là vui và hạnh phúc khi nhìn thấy tất cả vẫn được khỏe mạnh và nhiều người đã được thành đạt.” Thầy cũng rất là cảm động vì những tình cảm của học trò PTG dành cho Thầy. Thầy nói thêm: “Tôi đang ở tuổi dậy thì, tôi chưa chết mặc dù tôi vừa trải qua cơn bạo bịnh.Tôi chưa chết thì hy vọng tất cả mọi người không có ai chết trước tôi.” Thầy cao giọng hơn một cách thân tình khi phát biểu: “Tưởng rằng, 60 là tuổi dậy thì, 70 là tuổi mới đi vào đời, 80 là tuổi ăn chơi, 90 tuổi mới rạng ngời sắc xuân, 100 tuổi hãy còn gân, ngược xuôi Nam Bắc xa gần cháu con. Vì vậy, tôi khuyên tập thể của chúng ta hãy nên dùng tiêu chuẩn sống như tôi, để được sống khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn – Đó là ba quên và một nhớ: quên tuổi tác, quên giận hờn, quên bịnh tật; nhiều người đã qua đời sớm vì mới áp dụng ngang đây thôi. Do vậy, ngoài những điều nên quên, tôi bổ sung thêm một điều nhớ nữa, đó là nhớ Yêu - Yêu cỏ cây hoa lá, yêu chim cá kiểng, yêu thương vợ chồng con cái, yêu vợ bé, yêu bồ nhí nữa.” Thầy nói đến đây thì mọi người đồng thanh la ré, vỗ tay cười thích thú. Một bạn đã phát biểu: “Thầy ơi, để chứng tỏ tình yêu mãnh liệt đó của Thầy, đề nghị Thầy hôn Cô đi.”
   Đúng là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”- Đám học trò ngày xưa của Thầy, bây giờ đã trở thành ông bà nội ngoại hết rồi, mà vẫn đáo để như xưa. Thầy chỉ biết đứng nhìn và cười hiền hòa trước những tiếng hô to, hò hét của đám học trò làm náo động cả một góc công viên.Tôi cũng đồng tình với mọi người la to phụ họa. Thầy trò chúng tôi xưa nay vẫn luôn thân thiết trong chừng mực nghiêm túc của tình Thầy trò. Bây giờ vẫn cái thân thiết đó, nhưng có vẻ đời thường hơn và gần gũi hơn.

   Trong khoảnh khắc, những kỷ niệm ngày còn đi học dường như đang ở đâu đây quanh tôi, thật hiễn nhiên như một cuộc tương phùng, như tình học trò chân tình mộc mạc của một thuở vàng son với những ước mơ êm đềm. Đâu đó trong tôi rân rang vang vọng tiếng cười nói, vui đùa của bạn bè trong lớp học ngày xưa, mà ngỡ như mình đang hiện hữu trong sân trường PTG thuở nào, để nghe dạt dào trong tôi cái cảm giác tiếc nhớ về một thời đã qua thật xa xôi, xa hết một chặng đường của hơn ba mươi sáu năm.

   Thầy trò chúng tôi cùng nắm tay nhau di chuyển quanh vòng tròn, cùng vui hát những câu hát thật là trẻ thơ. Tôi liên tưởng đến điều Thầy Văn vừa nói “Ba quên và một nhớ” để cảm được chút hạnh phúc len lén trong lòng, nhịp nhàng qua những câu hát: “Cùng vui múa xung quanh vòng cùng nhau múa cùng vui. Cùng nhau múa xung quanh vòng vui cùng vui múa đều. Bắt tay nhau, nắm tay nhau vui cùng vui múa vui…” làm sống dậy trong tôi niềm hạnh phúc của một thời tuổi trẻ.

   Bây giờ mời các bạn theo dõi diễn biến của trò chơi “Giựt Dép”rất vui do chị Kim Oanh điều khiển. Chị đề nghị tám người tham dự cùng đứng vòng quanh thành một vòng tròn, đường kính khoảng tám mét. Ở giữa chị Kim Oanh để năm chiếc dép, tức là mỗi người đứng cách những chiếc dép khoảng bốn mét. Sau khi nghe chị hô một, hai, ba thì tám người cùng chạy tới dành cho mình một chiếc dép. Chú ý, chỉ có năm chiếc dép cho tám người. Phải thật nhanh mới dành được cho mình một chiếc. Qua vòng đầu, năm người dành được dép là chị Đàm Hạnh, Kim Hạnh, Hoàng Kim, Bích Ngọc, và Biên Cương tiếp tục trò chơi. Lúc nầy chị Kim Oanh bỏ bớt ra một chiếc dép và năm người nầy cùng nhau dành chỉ bốn chiếc dép thôi. Cũng vậy, các bạn phải thật nhanh mới dành được cho mình một chiếc. Cứ sau một vòng “giựt dép” thì số dép bị bớt đi một chiếc. Tiếp tục như vậy cho đến khi chỉ còn lại một chiếc cho hai người. Chị Hoàng Kim và Biên Cương là hai người được vào vòng chung kết của trò chơi “Giựt Dép”.
   Vòng cuối cùng nầy rất vui và hồi hộp. Mọi người đứng chung quanh cổ vũ, cười to la ré lên rất là vui. Chiếc dép được để ngay ở giữa, chị Hoàng kim và Biên Cương trong tư thế sẵn sàng cho màn quyết chiến cuối cùng. Sau khi chi Kim Oanh hô to một, hai, ba là cả hai người nhanh như chớp nhào tới. Chị Hoàng Kim rất thông minh, nhanh nhẹn nhào tới đưa chân giữ chặt chiếc dép. Biên Cương cũng thông minh không kém, đã bay tới một cái vèo, nằm dài ra trên thảm cỏ với tay giữ lấy chiếc dép, vừa đúng lúc chị Hoàng Kim đưa chân đạp trên chiếc dép, thành ra chưa ai dành được chiếc dép về phần mình. Hai người bay tới rất là nhanh làm mọi người cười la lên, trong lúc hai người tiếp tục màn tranh dành lôi kéo để phân thắng bại. Lúc nầy thật là vui, chị Hoàng Kim thì ra sức ghì lấy chiếc dép dưới chân mình, còn Biên Cương thì nằm dài trên sân cỏ cố sức kéo chiếc dép ra khỏi chân chị Hoàng Kim, trong tiếng reo vui cổ vũ của mọi người. Vẫn chưa phân thắng bại vì chưa ai cầm được chiếc dép trên tay mình. Hai bên dằn co làm mọi người đứng coi cười nghiêng ngã. Cuối cùng thì Cương dằn được chiếc dép ra khỏi chân chị Hoàng Kim. Vẫn chưa hết, để cho công bằng, trò chơi được tiếp tục bằng một màn oánh tù tì hồi hộp diễn ra vui như hồi còn nhỏ. Hai bên oánh tù tì còn những người đứng coi thì liên tục la ré cổ vũ rất là vui. Biên Cương là người oánh tù tì thắng. Lúc nầy bọn tôi sốt sắng theo dõi trò chơi, và cười vui quá nên quên chụp hình để kỷ niệm.

   Còn có trò chơi chuyền bong bóng nước như lần Đại Hội trước ở Seattle. Lần nầy thì do Chương điều khiển. Những cái bong bóng được đổ nước vào căng phồng bằng quả bóng nhỏ. Mọi người đứng xếp thành hai hàng dài đối mặt với nhau, khoảng cách lúc đầu khoảng hơn một mét. Mỗi người cầm một quả bóng nước ném về phía người đứng đối diện. Người kia sau khi chụp quả bóng nước xong thì ném trả lại, và bước lui xa hơn một bước. Do vậy khoảng cách giữa hai người càng lúc càng xa hơn. Cứ tiếp tục như vậy, quả bóng sẽ được ném qua ném về, người nào chụp mà quả bóng nước không bị bể thì sẽ thắng. Tôi cũng muốn một lần nữa thử tài ném bong bong nước chuyền tay cùng với Huy. Tưởng là sẽ kinh nghiệm hơn, nhưng rút cuộc tôi vẫn bị thua vì chụp dở quá.

   Huyền Linh đã bày trò chơi ăn dưa hấu không cầm trên tay, chỉ được để miếng dưa hấu trên bàn rồi kê miệng vô cạp rất khôi hài. Tôi thấy có mấy anh tham dự trò chơi vì hình như đây là trò chơi của nam nhi, mà Huyền Linh cũng mời luôn mấy chị. Rốt cuộc một chị cựu nữ sinh PTG đã thắng. Mấy anh chơi ép dễ sợ, nhất định chưa chịu thua, phân bì bạn nữ gặm chưa hết phần màu đỏ của dưa hấu, nên chị đành phải cạp thêm mấy miếng nữa cho công bằng, giữa tiếng reo hò của bạn bè.

   Sau đó là phần tập dợt trình diễn áo dài trên sân cỏ của mấy người mẫu phu nhân. Những người tham dự gồm có: Bích Ngọc, Bích Hồng , Thanh Hương , Kim Hạnh, Diệu Chi, Tuyết Nhung, Tường Vi, Mộng Thúy, Kim Oanh, và tôi. Huyền Linh phụ trách chương trình và viết lời giới thiệu, đã sốt sắng khích lệ và hướng dẫn chúng tôi tập cách đi và làm dáng. Những người mẫu áo dài bà ngoại ỏng a ỏng ẹo, làm dáng đi tới đi lui dẫm nát sân cỏ công viên.

   Buổi Picnic hôm đó thật đông vui rộn ràng. Nhìn mọi người trong niềm vui hân hoan, tôi bất chợt nghĩ đến những ngày xưa thân ái của trường PTG ngày nào. Hội ngộ nơi nầy để nghe lưu luyến, nhớ thương về kỷ niệm xa xưa của một thời làm học trò áo lụa trắng tung bay. Mùa hè nơi đây không có những hàng cây phượng vĩ trong sắc màu đỏ thắm ngẩn ngơ buồn trước cổng trường khi mùa hè đến, chỉ có ánh nắng xôn xao rực rỡ của những ngày cuối hạ, gợi nhớ bâng khuâng khoảng đời học trò lắm mộng mơ.
   Chúng tôi chia tay nhau ra về với niềm vui còn đọng lại trong lòng. Kỷ niệm xa xưa lẩn khuất đâu đó trong tiềm thức chợt xôn xao hiện về, làm tôi nhớ vô cùng những “Ngày Xưa Hoàng Thị.”

Đón đọc phần Dạ TiệcViết Về Đại Hội


Trở về trang Đại Hội 2008