Truyện dài –THÙY AN
Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN
CHƯƠNG HAI
Tôi vào giảng đường thật sớm. Lác đác một vài bạn còn đi học sớm hơn tôi, đang ngồi hí hoáy ghi chép một cách chăm chỉ. Nhóm bạn của tôi chưa đến, thật là may. Tôi mở cặp, lấy tấm thiệp của Châu ra xem lại. Hàng chữ của anh rất đẹp và rắn rỏi: “Chúc mừng sinh nhật Phương Khanh 18/11/1966.” Y hệt như cảm giác hôm qua, sau khi Châu ra về, một nỗi ấm áp dịu dàng lan tỏa khắp trái tim tôi. Đã từ lâu lắm rồi, tôi không còn để ý đến ngày sinh của mình nữa. Quan trọng gì kia chứ, tôi ra đời cũng như trăm ngàn trẻ sơ sinh khác giữa lòng nôi cổ kính của thành phố Huế này, rồi lớn lên, mười tám năm qua chỉ biết sởn sơ ăn học, mọi nỗi lo toan đã có những người thân đỡ gánh. Thỉnh thoảng, một vài đứa bạn mời đi dự sinh nhật, tôi cũng sốt sắn hưởng ứng bằng cách ráng may một cái áo mới, hoặc chị Lan có sẵn một cái áo đẹp nào đó, thì năn nỉ mượn cho bằng được để trở thành Người-đẹp-nhất-đêm-nay. Đó là nhân vật trong bài hát “La plus belle pour aller danser” mà một vài bạn trai đã hát tặng tôi trong những đêm sinh nhật thân thiết ấy. Nhưng tuyệt nhiên, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc tổ chức cho mình một lần sinh nhật. Có rất nhiều trở ngại. Thứ nhất, nhà tôi tuy có vườn nhưng rất nhỏ, không có chỗ dọn bàn; thứ hai là tôi chẳng giàu có gì. Ba làm công chức lương tháng cố định, mẹ và chị Lan phải bươn chải cực nhọc kiếm thêm tiền mới đủ tiêu dùng; thứ ba, mỗi năm, nhà tôi phải tốn một số tiền đút lót để anh Tùng khỏi ra mặt trận, tuy không nhiều vì là chỗ quen, nhưng cũng đủ tạo nên một lỗ hổng lớn trong ngân quỹ dành dụm của gia đình.
Tôi say sưa ngắm những đóa pensée mịn màng nổi bật trên nền thiệp trắng. Những cánh hoa thật mỏng manh, đủ màu sắc, chập chờn trước mắt tôi ngàn cánh bướm tung bay. Tôi nghĩ đến Châu bằng một tình cảm đằm thắm. Chắc chắn là Châu đã để ý đến tôi, nên mới tìm biết và ghi nhớ ngày sinh của tôi? Minh Hiền và Đoan Trinh nói không sai, nếu Thu Tâm yêu Châu thật sự như dự đoán của hai con nhỏ thầy bói này, chắc là nó sẽ buồn tôi lắm.
Tiếng cười đùa quen thuộc của lũ bạn vang vang ngoài cửa. Tôi dấu vội tấm thiệp vào cuốn sách rồi ngồi thẳng người lại, chống tay lên cằm thản nhiên nhìn mọi người theo nhau vào giảng đường. Ba chiếc ghế bên cạnh đã được tôi xí phần bằng cách đặt lên đó ba quyển vở. Tôi đưa tay ngoắc:
- Ê, Tâm, Hiền, Trinh. Có chỗ đây nè.
Minh Hiền chạy đến trước:
- May quá, chúng tao chỉ sợ phải ngồi ra tít đằng kia thì bỏ bố, làm sao ghi bài được.
Đoan Trinh đặt chiếc cặp đánh rầm lên bàn:
- Tao nghe nói học thầy Thọ thì ngồi đâu cũng vậy thôi, ổng không rành tiếng Việt.
Tôi ngạc nhiên:
- Không lẽ ổng giảng bài bằng tiếng Tây?
Thu Tâm gật đầu:
- Thầy Thọ qua Pháp du học từ hồi còn nhỏ xíu, lấy luôn vợ đầm, mới về nước có mấy năm nay thôi, ăn cơm còn cầm đũa không được nữa đó.
Minh Hiền nhăn nhó:
- Như vậy là thầy sẽ giảng bài theo kiểu nửa nạc nửa mỡ?
Đoan Trinh cười:
- Có gì mà tụi bây lo cuống cuồng thế. Anh Phong nói với tao rồi, ảnh sẽ cho chúng mình mượn tài liệu bổ sung.
Minh Hiền nói lớn:
- Phong với chả cùi. Con nhỏ Đoan Trinh thì lúc nào …
Tiếng xì xào:
- Thầy vô kìa.
Một bóng người cao cao, mặc áo blouse trắng bước lên bục giảng làm Minh Hiền im bặt. Tôi buột miệng:
- Ủa, anh Phong.
Minh Hiền reo nhỏ:
- Sao mà thiêng thế, giá nhắc tiền nhắc bạc mà thấy được ngay thì đỡ quá.
Phong là anh họ tôi, con út của cô Sâm. Cô góa chồng sớm, có bốn người con. Anh Trí, hai chị Diệu Hương, Diệu Hạnh và anh Phong. Anh Trí đi tập kết từ hồi tôi còn nhỏ xíu, để lại vợ là chị Thảo Sương và con trai là Thanh, cùng tuổi với thằng Bách em tôi. Phong vừa tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Vạn vật, được trường giữ lại làm việc tại phòng Thực vật, với tư cách giảng nghiệm viên. Phong yêu Đoan Trinh từ hồi con nhỏ mới học lớp 11. Dù bây giờ hai người rất thắm thiết, nhưng chưa tới lúc tôi phải gọi nó bằng chị dâu.
Biết không phải thầy Thọ, cả giảng đường lại lao xao như bầy ong vỡ tổ. Phong gõ tay cồm cộp lên bảng:
- Xin các anh chị im lặng. Tôi chỉ nói một phút thôi.
Tiếng ồn lắng xuống. Phong cầm phấn viết lên bảng đen ngày, tháng, rồi nói:
- Chủ nhật này chúng ta sẽ đi du khảo.
Một giọng nam cất lên ồ ồ:
- Biết rồi thầy ơi.
- Có một thay đổi nhỏ tôi muốn báo trước cho các anh chị biết: Thay vì đi Thuận An, chúng ta sẽ lên rừng Thiên An và đồi Vọng Cảnh.
Đám sinh viên nhao nhao:
- Sao vậy thầy? Sao vậy thầy?
- Đó là lệnh của thầy Vinh, tôi không rõ lý do.
Phong đi ra ngoài một lát rồi trở vào cùng với một người đàn ông cao lớn, nước da hồng hào, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Ông mặc một bộ veston xám nhạt, sơ mi trắng, cravate hoa, giày da đen bóng lộn. Không khí trong giảng đường bỗng trở nên nghiêm trang khi Phong cất tiếng giới thiệu:
- Giới thiệu với các anh chị, đây là giáo sư Tôn Thất Thọ, Thạc sĩ Vạn vật học, vừa từ Sài Gòn ra. Năm nay, thầy sẽ hướng dẫn các anh chị môn Sinh học Thực vật. Đây là giờ đầu tiên.
Một tiếng vỗ tay kéo theo những loạt vỗ theo, trong phút chốc, cả giảng đường ồn ào náo nhiệt như đang trong rạp hát. Trước khi rời chỗ, Phong nói:
- Các anh chị trật tự để nghe bài giảng. Hôm nay, bộ phận ampli bị hỏng nên không có micro.
Vị giáo sư - thầy Thọ bước ra chính giữa bục giảng, ánh đèn trên trần chiếu xuống dáng dấp hào hoa, thầy đưa tay sửa lại cặp kiếng gọng vàng, nhìn bao quát toàn thể giảng đường, và… nhoẻn miệng cười. Minh Hiền suýt soa:
- Ôi, thầy đẹp quá!
Đúng như lời Đoan Trinh, suốt hai giờ nghe thầy nói thao thao bất tuyệt, tiếng Việt xen lẫn tiếng Tây, không dàn bài, không bố cục, nếu không có cái đề bài viết bằng chữ in lớn trên bảng, chúng tôi sẽ không tài nào hiểu nổi thầy đang giảng về vấn đề gì. Chuông reo hết giờ. Thầy ngưng lại như một cái máy, không một lời từ giã hoặc dặn dò, thầy xách cặp bước nhanh ra khỏi giảng đường, chẳng thèm nhìn đám sinh viên lục đục đứng dậy tiễn đưa. Tôi ngẩn ngơ:
- Thầy này dạy kiểu chi lạ quá.
Đoan Trinh phụ họa:
- Đúng là nửa nạc nửa mỡ, lung tung cả lên.
Thu Tâm nhăn mặt:
- Tao chả ghi được gì cả.
Minh Hiền dựa người ra ghế, thở một hơi dài:
- Tao chưa thấy ai có nụ cười đẹp như thầy Thọ.
Tôi cốc vào đầu nó:
- Mày đừng có thúi.
Thế là nó cất giọng chanh chua:
- Còn mày thì thơm tho nõn nường lắm đấy.
Bốn đứa kéo nhau ra sân. Đám sinh viên đứng dưới tàng điệp hồng vẫn còn bàn tán sôi nổi:
- Từ nhỏ đến lớn, tao chưa được nghe một bài giảng nào có tầm cỡ quốc tế như vậy.
- Chắc là ông này sắp chết.
- Sao vậy?
- Đã tên là Thất Thọ thì làm sao thọ nổi.
- Nhưng mà công nhận, thầy Thọ bô trai chịu không nổi.
- Theo ý tao, thầy nên đi đóng xi nê hơn là ra đây hành hạ tụi mình.
Tôi kéo đám bạn đến phòng Thực vật tìm ông anh họ.
- Anh Phong ơi - tôi chìa tập vở ra - Thầy Thọ dạy em không ghi được gì cả.
Phong đang hướng dẫn các sinh viên làm thực tập, đưa tay đẩy vai tôi:
- Khỏi lo, anh sẽ soạn lại bài dùm cho, giờ về đi, anh đang bận.
- Tối anh qua nhà em nghe. Nhớ đó.
Tôi đi bộ qua cầu, hơi nước từ mặt sông tỏa lên mát rượi. Trời trưa nay có rất nhiều mây trắng, lọc ánh nắng dịu dàng trải mật lên mấy nhịp cầu xinh. Đoan Trinh đạp xe lướt qua, vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Về sau nha, người đẹp.
Tôi túm lấy yên sau xe nó:
- Mày chở tao về đi.
- Đâu có được, xe tao sắp rụng bánh đến nơi rồi.
Thật là chán. Bao nhiêu lần mẹ hứa mua xe đạp cho tôi, nhưng có nhiều việc trong gia đình cần đến tiền hơn, nên đành hoãn lại. Hôm tôi thi đậu toàn phần, mẹ đã cho tiền đi mua xe, đang còn lên xuống chọn lựa thì đùng một cái, bà ngoại dưới quê ngã bệnh, mẹ phải mượn lại số tiền để lo thuốc thang. Mẹ an ủi: “Con đừng buồn, ráng chờ mẹ một thời gian nữa”. Tôi đã lớn, đã biết suy nghĩ, nên không buồn chút nào. Tính mạng của bà ngoại quý hơn mơ ước của tôi nhiều. Tôi rất mừng khi hay tin bà ngoại đã bình phục và quên bẵng chiếc xe chưa mua.
Qua khỏi cầu, vừa xuống đến đầu dốc, tôi giật bắn mình khi trông thấy Châu. Anh đang ngồi trên chiếc Vélo đen, có ý chờ tôi. Tôi vờ không thấy, cúi mặt bước nhanh.
- Phương Khanh.
Không thể lờ được, tôi dừng lại. Thu hết can đảm, tôi nói:
- Chào anh Châu - tôi nghĩ đến những cánh hoa pensée lấp lánh trong cánh thiệp - Cám ơn anh đã chúc mừng sinh nhật, nhưng Khanh phải về gấp vì nhà có công chuyện.
Châu quay xe lại:
- Tôi có thể đưa Khanh về để được nhanh hơn.
Tôi lắc đầu, bỏ đi một nước, mặc cho Châu đứng ngẩn tò te. Ngang chợ Đông Ba, tôi nghe tiếng xe nổ nhè nhẹ bên cạnh. Tôi liếc sang, thấy Châu đang kiên nhẫn rà xe theo. Tôi cảm thấy khó xử vì sợ bạn bè trông thấy, nên nhăn mặt:
- Anh về đi, Khanh không muốn anh theo Khanh.
Châu ngập ngừng:
- Vậy chiều nay, Khanh cho phép tôi được ghé nhà nhé.
Tôi nói dối:
- Chiều nay Khanh bận đi học thêm Anh văn.
Châu không một chút nghi ngờ:
- Vậy để khi khác nhé.
Tôi gật đầu. Châu cười, đôi mắt anh cười theo:
- Phương Khanh về nhé.
- Anh cũng về đi thôi. Trưa rồi.
Ánh mắt Châu nhìn đầy vẻ thiết tha:
- Khi nào Phương Khanh qua khỏi cầu Gia Hội, tôi sẽ về.
Không muốn Châu si tình quá đáng, tôi lại nói dối:
- Khanh phải ghé chợ mua trái cây cho mẹ Khanh.
- Thế à - giờ Châu mới chịu quay xe - Hẹn gặp lại nhé.
Tôi giả vờ đi vào chợ. Chờ Châu khuất sau đám xe cộ nhộn nhịp, tôi mới yên tâm đi về nhà.
Khóm bích đào trước cổng nhà tôi vừa nở một chùm hoa tươi thắm. Tôi đến bên cây, say sưa ngắm những cánh hồng mềm mại kết thành một khối tròn trịa như quả tú cầu của những nàng công chúa trong buổi lễ tuyển phu. Có tiếng cười của nhiều người từ trong nhà vọng ra. Chị Lan gọi:
- Phương Khanh ơi, mặt trời đứng bóng rồi, dẹp cái màn mơ mộng đi thôi.
Tôi nhìn về hướng cửa sổ, nhận ra nụ cười quen thuộc của Hoài. Tôi nhẹ gật đầu chào, rồi nâng chiếc cặp lên, ôm vào ngực, mạnh dạn bước vào cửa. Thành, anh của Hoài, đang ngồi cạnh chị Lan, nhìn tôi thân mật. Hoài đứng lên, đỡ chiếc cặp trên tay tôi:
- Phương Khanh vào thay áo rồi ra ăn cơm. Mọi người đang chờ em.
Tôi giữ chiếc cặp lại:
- Để em cất vào trong.
Mùi thơm của sả bốc lên ngào ngạt. Tôi chạy xuống bếp. Mẹ đang xếp những cọng bún trắng tươi vào tô. Tôi hí hửng:
- Bữa nay nhà mình ăn bún bò hở mẹ?
- Ừ, anh Thành con về phép, làm cho nó ăn.
Thành là con trai lớn của bác Tuân, anh tốt nghiệp Đại học Sư Phạm từ sáu năm nay, hiện dạy học tại trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Anh yêu chị Lan. Vừa rồi, bác Tuân đã sang nhà bỏ cau trầu, tết này sẽ làm đám hỏi. Ba mẹ rất vui vì thuyền chị Lan đã tìm được bến bờ xứng đáng. Đúng như vậy. Xét về một phương diện nào đó, anh Thành rất lý tưởng. Khá đẹp trai, con nhà dòng dõi, tính tình vui vẻ hoạt bát, đối xử tốt với tất cả mọi người. Hoài, người em kế anh cũng thế, bởi vậy cho nên chị Lan cứ muốn ghép Hoài cho tôi. Hoài đang học năm thứ năm Y Khoa, anh thường qua nhà tôi chơi, quan tâm và chăm sóc đến tôi. Bằng linh tính bén nhạy của người con gái, tôi cảm nhận được tình yêu của Hoài dành cho tôi càng lúc càng sâu đậm, nhưng thú thật với lòng, tôi chỉ xem Hoài như anh Tùng mà thôi. Giữa chúng tôi, không có những điểm tương đồng. Hoài nghiêm trang, thực tế, còn tôi thì lúc nào cũng thả hồn lên chín đợt mây xanh. Thỉnh thoảng, Hoài mua tặng tôi một bản nhạc hay, một tập thơ in đẹp, một cuốn sách nổi tiếng… chỉ cốt lấy lòng tôi, vì tôi biết, lý tưởng của anh là tấm bằng bác sĩ, là công danh sự nghiệp. Còn nhạc, thơ, văn… nói chung, những gì liên quan đến nghệ thuật, đối với anh, chỉ là trò trẻ. Chị Lan lúc nào cũng nói vô:
- Hoài tuyệt vời như vậy, em còn đòi gì nữa.
- Ảnh khô như ngói.
- Khanh ngốc lắm. Lấy chồng bay bướm đâu có hay ho gì, chỉ được khóc quanh năm vì ghen thôi.
- Em không thèm lấy chồng, ở một mình cho khỏe.
- Nói thì phải nhớ nghe.
Cả nhà quây quần quanh chiếc bàn nhỏ. Thằng Bách nhai xương rau ráu, húp nước sùm sụp. Chị Lan la:
- Bách, ăn uống đàng hoàng coi.
Tôi liếc:
- Mày làm như chết đói trăm năm.
Thành cười:
- Hai cô cứ để Bách ăn tự nhiên, nó đang tuổi lớn mà.
Mẹ chống đũa nhìn Bách:
- Nghe hai chị nói gì không? Con sao phàm phu tục tử quá, may mà hai anh đây là người thân trong gia đình, không thì mẹ phải độn thổ vì con mất.
Bách hơi đỏ mặt, nó luống cuống chống đỡ:
- Tại… con đói bụng quá.
Tôi ăn không thấy ngon. Nghĩ đến hai giờ Sinh học của thầy Thọ hồi sáng, tôi lo quá. Ngày mai và những ngày kế tiếp, thầy sẽ giảng gấp rút một phần chương trình trước khi trở về Sài Gòn, không biết tôi có ghi được chữ nào không? Hoài nhìn tôi âu yếm:
- Phương Khanh ăn đi chứ. Trông em uể oải quá… Em có mệt không?
Tôi lắc đầu. Anh Thành cười:
- Hoài bị méo mó nghề nghiệp rồi. Khanh mới đi học về nên thần kinh hơi căng thẳng đấy thôi.
Chị Lan trêu:
- Tiếc quá, nếu Hoài có mang ống nghe theo, sẽ khám phá ra được ba mươi sáu kiểu nhõng nhẽo của Phương Khanh.
Tôi vào phòng nằm, trăn trở hoài không ngủ được. Bên ngoài, chị Lan và anh Thành thầm thì to nhỏ, cười đùa khúc khích. Hoài ra về trước, anh có vẻ buồn tôi vì suốt bữa ăn, tôi cứ ngồi im thin thít, mặc cho Hoài săn đón hỏi han. Thật ra tôi mải nghĩ đến những trang vở bỏ trống nên cảm thấy lòng không yên.
Buổi chiều ăn cơm xong, tôi bắc ghế ra vườn ngồi chờ anh Phong qua soạn lại dàn bài, để ngày mai tôi có thể tiếp thu được những bài giảng của thầy Thọ. Bảy giờ, tám giờ rồi tám rưỡi, bóng dáng anh Phong vẫn biệt tăm. Tức chết đi được. Tôi bực bội bước ra cổng, định sang nhà Đoan Trinh xúi nó nghỉ chơi với anh Phong, con người gì mà thất hứa, thấy ghét.
- Phương Khanh, Phương Khanh.
Dưới ánh đèn đường lờ mờ, tôi thấy Minh Hiền đanh chở Thu Tâm trên xe đạp từ xa phóng đến:
- Mày đi đâu thế?
- Anh Phong tao không đến nên định qua Đoan Trinh chơi cho đỡ buồn.
Thu Tâm nhảy xuống xe:
- Nó đi với ông anh yêu quí của mày rồi.
Minh Hiền nhún vai:
- Phen này phải tẩy chay Đoan Trinh ra khỏi nhóm mới được. Đáng lý hôm nay, anh Phong soạn bài cho tụi mình, nó lại cuỗm anh ta đi mất.
Thu Tâm nói:
- Cầu trời cho thầy Thọ bị tiêu chảy, mai nghỉ học một buổi.
Minh Hiền la lên:
- Im đi, mày có điên không? Sao mày ác khẩu thế.
Tôi cười:
- Nó nói chơi mà, làm gì dữ vậy.
Thu Tâm khúc khích:
- Phương Khanh ơi, mày không hay gì sao? Minh Hiền đang trồng cây si thầy Thọ đấy.
Minh Hiền làm mặt nghiêm:
- Chúng mày không hiểu gì cả.
- Sao lại không hiểu - Thu Tâm nói - Chỉ có mày là mù quáng thôi. Yêu gì một người đàn ông lấy vợ đầm, rành ngoại ngữ hơn tiếng mẹ đẻ, thử hỏi, thầy ấy có tâm hồn Việt Nam không?
Tôi can:
- Thu Tâm nói hơi quá đáng. Chẳng qua là vì thầy Thọ quá đẹp trai nên Minh Hiền thích ngắm chứ yêu với đương gì.
Minh Hiền leo lên xe đạp:
- Thôi không nói nữa. Thu Tâm, về cho rồi. Hai người đi chơi cầu đến khuya mới về, không đợi được đâu.
Tôi trở vào nhà, lòng vẫn ấm ức. Nghĩ giận anh Phong, rồi giận luôn Đoan Trinh. Chắc anh Phong đã đến nhà nó, soạn bài riêng cho nó, rồi rủ nhau đi chơi, chả thèm đoái hoài gì con bé Phương Khanh đang ngồi cách đó không xa, chờ đợi đến mỏi mòn.
Tôi đến bàn học, mở bài ghi chép hồi sáng ra xem. Nên đi bằng đôi chân của mình, đừng trông mong vào ai. Từng trang, từng trang, tôi đếm được bảy trang ghi chép lộn xộn, có rất nhiều đoạn bỏ trống. Như thế này thì làm sao nắm bắt nội dung bài? Tôi chán nản nhét cuốn vở vào cặp, lên giường nằm. Tiếng máy may đạp rào rào ngoài phòng ru tôi vào giấc ngủ.
Đọc tiếp
Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7 |