Truyện dài - Thùy An

Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN

 

CHƯƠNG NĂM

Chúng tôi đi học lại sau mười lăm ngày nghỉ Tết. Giờ thực tập Hóa học đầu tiên vắng mặt Châu. Tôi cố dấu nỗi thắc mắc trong lòng, nhưng lũ bạn cứ nhao nhao lên:
- Phương Khanh, Châu đâu rồi?

- Châu có nói với mày khi nào ra không?

- Anh ta không nhắn chi với mày hết à?

Thầy Kỳ giảng bài kiêm thêm những công việc của Châu như điểm danh, hướng dẫn thực tập. Cuối giờ, thầy nói:
- Tuần sau Châu mới ra. Anh ấy có viết thư xin phép, mẹ anh ấy trở bệnh.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng rồi sau đó lại lo. Không biết mẹ của Châu bệnh gì?
- Mẹ Châu đau tim - Thu Tâm cho tôi biết - Thỉnh thoảng lại lên cơn, thở không được. Bà ấy hiền lành phúc hậu lắm.

- Sao mày biết?

- Có một lần, vào Đà Nẵng chơi, tao đã ghé nhà anh ấy.

Minh Hiền hỏi:
- Anh Châu cho mày địa chỉ à?

Thu Tâm thản nhiên:
- Tao hỏi bác sĩ Phú, chủ nhà trọ của anh ấy.

Thảo nào, Châu đánh giá Thu Tâm rất đúng. Con nhỏ quá tò mò. Đầu năm, thầy Kỳ cho về sớm, bốn đứa rủ nhau qua Chaffanjon mua pâté chaud. Ngang Bưu điện, có tiếng gọi tôi.
- Phương Khanh.

Một chiếc xe Jeep dừng lại. Người sĩ quan sau tay lái nhìn tôi cười rạng rỡ. Tôi reo lên:
- Anh Hải. Anh mới về phép hả?

Chị Diệu Hạnh ngồi bên anh, mặc áo dài đỏ, tươi thắm như một đóa hồng nhung:
- Phương Khanh và các bạn đi đâu đấy, lên xe đi cho nhanh.

- Cám ơn chị, tụi em đi gần đây thôi.

Bé Hạnh Hoa ngồi cạnh mẹ, đầu cài nơ hồng, áo đầm cùng màu kết rất nhiều reng, giống hệt con búp bê xinh xắn. Bé khoe:
- Dì Khanh, Ti Ti đi chụp hình với ba nè.

Tôi vuốt má bé:
- Ti Ti đẹp quá. Cho dì mượn cái áo mặc thử coi.

- Dì Khanh lớn lắm, mặc không vừa đâu - Bé quay sang anh Hải - Phải không ba?

Anh Hải sung sướng hôn lên đôi má phúng phính:
- Phải quá đi chứ, con gái cưng của ba thật là giỏi.

Chị Diệu Hạnh dặn:
- Chiều nay qua nhà cô chơi nhé. Nhớ rủ Phương Lan nữa.

Anh Hải bảo:
- Chiều nay anh sẽ qua thăm cậu mợ rồi đưa hai em qua luôn. Em có bận đi học không?

- Không ạ, em sẽ chờ anh.

Chưa bao giờ tôi thấy chị Diệu Hạnh đẹp như bữa nay. Đôi má chị hồng mơn mởn, mắt chị sáng, long lanh niềm hạnh phúc tràn đầy. Mùa xuân đã về với chị, dù muộn, nhưng vẫn nồng nàn thơm ngát hương yêu. Hôm trước Tết, chị có được thư anh Hải hẹn về cùng chị đón xuân. Nhưng rồi anh cứ biền biệt. Hai mươi, hăm mốt… rồi hăm lăm Tết, vẫn không thấy bóng dáng anh. Chị bồn chồn lo lắng, quên đầu quên đuôi, tay chân chị lóng cóng làm hư hết cả một nia bánh nướng khiến cô Sâm phải la:
- Hàng của người ta đặt, mày muốn tao dẹp tiệm sao?

Chị khóc:
- Con không còn lòng dạ nào để làm việc được nữa. Đêm nào ngủ cũng nghe tiếng súng vọng về. Anh Hải của con đang trong vòng lửa đạn. Mẹ ơi.

Cô gắt:
- Thôi nín đi, tao rầu mày quá.

Nhờ khéo léo, chị Diệu Hương đã sửa được nia bánh khỏi hư, chỉ hơi bị cháy phía dưới. Chị nói:
- Bánh này để nhà ăn cũng được. Con sẽ làm nia khác giao hàng.

- Ngày mai người ta đến lấy đó. Liệu có kịp không?

- Mẹ yên chí đi, con sẽ thức suốt đêm nay.

Chị Diệu Hạnh vẫn khóc, Chị Diệu Hương bảo:
- Không sao đâu em, thế nào Hải cũng về. Đời lính mà, em đòi hỏi nó phải đúng hẹn sao được.

Mồng ba Tết, tôi qua nhà thấy chị Diệu Hạnh nằm bẹp dí một chỗ. Cô Sâm ngao ngán:
- Cái con này thật, mê chồng gì mà mê can không nổi

Anh Phong cười hic hic:
- Mẹ can làm chi? Chồng không mê chả lẽ đi mê ông hàng xóm?

Chị Diệu Hương nạt:
- Thằng quỉ sứ, ăn nói bậy bạ.

- Trời ơi, ngày Tết sao chị không kiêng gì cho em cả thế.

Tôi nhìn theo chiếc xe Jeep vừa vọt đi, lòng thấy vui vui. Đoan Trinh bảo tôi:
- Chị Diệu Hạnh dễ thương quá. Nhưng sao… hình như chị ấy không ưa tao.

Minh Hiền chọc:
- Mày gặp chị chồng không thèm chào, ai mà ưa cho nổi.

Đoan Trinh cãi lại:
- Sao lại không chào. Tại chị ấy không nhìn tao thôi.

Tôi an ủi nó:
- Chị ấy đang mừng anh Hải về, mày đừng trách chị ấy.

- Tao không trách, nhưng tao xin chúng mày một lời khuyên. Bữa tiệc chiều nay tại nhà chị Diệu Hạnh, tao có nên đến không? Vì hồi nãy, Phong có mời tao.
- Không nên, vì mày chưa phải là thành viên trong gia đình.

- Nên, vì mày là người yêu chính thức của Phong.

Hai ý kiến trái ngược của Minh Hiền và Thu Tâm làm Đoan Trinh bối rối. Tôi đồng ý với Thu Tâm. Vả lại, chiều nay có Đoan Trinh, tôi càng vui.

Chị Diệu Hương làm bún bò chiêu đãi anh Hải. Một tay chị làm tất cả các khâu, từ đi chợ, hầm thịt, nhặt rau, nêm nếm… Chị không cho em gái động móng tay. Cô Sâm la:
- Mày bắc thang cho con Diệu Hạnh leo.

- Mẹ không thông cảm gì cả. Nó cần có thì giờ dành cho chú Hải chứ.

Nói đến nấu ăn, cả thành nội này, không ai là không biết đến tài năng của chị Diệu Hương. Chị không theo học một trường lớp nào cả, nhưng khi được nếm một món ăn ngon, chị cố bắt chước nấu cho bằng được, pha chế thêm vài thủ thuật để mức ngon đạt tới tuyệt đỉnh. Từ hồi còn học Đồng Khánh, một mình chị có thể làm được một bàn tiệc hai mươi người ăn. Chị đẹp người đẹp nết, bao nhiêu bà bạn của cô Sâm đều ngấp nghé chị cho con trai của mình. Chị từ chối tất cả vì chị đã có anh Khoa. Anh Khoa là một luật sư mới ra trường, tốt mã nhưng lòng dạ tiểu nhân. Để củng cố sự nghiệp của mình, anh đã không ngần ngại bỏ rơi chị để cưới con gái của một viên chức cao cấp trong thành phố, mặc dù so với nhan sắc của chị, cô ấy xấu hơn vạn lần. Lập tức, anh được đề bạt vào một địa vị quan trọng ở tòa án. Ngày chủ nhật, anh lái xe hơi bóng loáng dạo khắp các nẻo đường thơ mộng trong thành phố, nhưng có một điều không thơ mộng chút nào, là bên cạnh anh, về - phía - trái - tim, luôn luôn hiện diện một gương mặt gớm guốc đến nỗi quỉ Dạ Xoa cũng phải ghen hờn. Huế là một thành phố cổ kính đầy thành kiến, chỉ trong vòng nửa năm, chịu không nổi lời đàm tiếu, anh Khoa xin chuyển công tác vào Nam, đem cả gia đình đi và không bao giờ trở về Huế nữa. Còn lại chị Diệu Hương ôm vết thương lòng quá lớn, trái tim tuổi đôi mươi trở nên chai cứng, chị không còn rung động trước bất kỳ ánh mắt ai. Thời gian như nước chảy qua cầu, những mùa xuân dần qua trên mái tóc còn xanh của chị. Chị vẫn đẹp, vẫn đảm đang hiền thục, vẫn có rất nhiều người ngỏ ý cầu hôn, nhưng chị không yêu ai nữa, giờ chị sống cho gia đình, cho mẹ, cho anh chị em.

Khi tôi và Phương Lan bước vào nhà, đã thấy Đoan Trinh ngồi nơi phòng khách, cạnh anh Phong. Thằng Bách chạy lung tung:
- Thanh ơi, Thanh.

Cô Sâm vén màn từ nhà sau bước ra:
- Nó đi Quảng Trị với mẹ nó rồi. Bà ngoại nó đau nặng cháu à. Phải xin phép nghỉ học đấy.

Tôi hỏi:
- Mẹ chị Thảo Sương đau sao vậy cô?

- Bà bị tăng-xông. Chắc là cô phải cho Thảo Sương ra đó ở với bà để tiện bề săn sóc. Tội nghiệp. Giá có thằng Trí bên cạnh, nó thương vợ và quí trọng mẹ vợ lắm.

Phong buột miệng:
- Thôi mẹ đừng nhắc đến anh Trí nữa. Mười mấy năm không có tin tức, chị Thảo Sương sắp thành bà già rồi. Thật là phi lý.

Cô Sâm khóc:
-Trí ơi, sao con không về để mấy đứa em con chì chiết mẹ. Ngày nào mẹ cũng nghe radio, nhưng chẳng có một tin tức của con.

Anh Hải đến bên, cầm đôi bàn tay cô, ái ngại:
- Nín đi mẹ ạ. Chúng con lúc nào cũng thương yêu mẹ.

Cô Sâm ôm lấy anh, gục đầu vào vai anh:
- Con đi hoài nên không biết. Tụi nó ác với mẹ lắm, nghe radio nó cũng cấm.

Chị Diệu Hạnh nói;
- Trời đất, không cấm để mấy mẹ con bà cháu vô nhà đá nghỉ mát à - chị nói với chồng - Anh biết không, đêm nào mẹ cũng nghe đài phát thanh Giải Phóng, dễ sợ.

Cô Sâm thút thít:
- Hải ơi, con đi lính Quốc Gia, con có thù ghét con trai của mẹ không?

Anh Hải cắn môi một lát rồi nói:
- Ngoài mặt trận, chúng con ở hai giới tuyến, nhưng trong gia đình, anh Trí vẫn là anh ruột của chúng con.

Chị Diệu Hương từ bếp nói vọng lên:
- Phương Lan, Phương Khanh ơi, xuống giúp chị dọn bàn nào.

Anh Phong cầm tay Đoan Trinh:
- Em cũng xuống với chị Diệu Hương đi.

Đoan Trinh ngần ngừ, tôi kéo nó:
- Thôi đừng yểu điệu nữa, tập làm dâu đi là vừa.

Nồi nước bún đang riu riu trên bếp mới hấp dẫn làm sao. Tôi khịt mũi hai ba lần. Chị Diệu Hương sai:
- Phương Khanh, sắp rau ra dĩa coi.

Đoan Trinh mở tủ lấy chén bát. Chị Diệu Hương cản:
- Em lên nói chuyện với Phong đi, để tụi chị làm được rồi.

Đoan Trinh nhìn tôi thầm hỏi. Tôi bảo:
- Hay là mày lau cho tao hai cái dĩa bàn.

Chị Diệu Hương liếc tôi, rồi bảo Đoan Trinh:
- Phong đang chờ em kìa.

Chị bước đến, ôm vai Đoan Trinh, nhất định đẩy nó lên nhà trên. Chị quay lại, lấy hai cái dĩa lớn đưa cho tôi:
- Em tự lau đi. Đoan Trinh là khách, em không nên sai nó.

- Khách gì chớ. Nó sắp làm chị dâu của tụi em đó.
Chị Diệu Hương cười:

- Dâu chi mà dâu. Diệu Hạnh ghét nó lắm. Nghe nói gia đình nó thân Cọng, chị cũng sợ.

Ấm nước reo trên bếp. Chị Phương Lan lấy trà bỏ vào bình:
- Còn cô thì sao? Có chấp nhận Đoan Trinh không?

- Mẹ chị ba phải lắm, lại cưng thằng Phong nữa, chắc là bà không phản đối.

- Đoan Trinh nó cũng tốt, chắc là không sao đâu.

- Ừ, thì chị cũng mong rứa. À, Phương Lan bao giờ đám cưới đó?

Chị Lan bẽn lẽn:
- Em muốn sang năm nhưng anh Thành không chịu.

Cô Sâm đi xuống bếp:
- Xong chưa, sao chúng mày chậm chạp như rùa thế.

Cả nhà quây quần chung quanh chiếc bàn tròn. Anh Phong đứng lên tuyên bố:
- Hôm nay là ngày tái ngộ của anh Hải và chị Diệu Hạnh, nói chung là ngày vui của tất cả chúng ta, những thành viên trong gia đình này. Chị Diệu Hương có nhã ý đãi chúng ta một bữa bún bò tuyệt diệu, tài nghệ của chị thì ai cũng biết rồi, chỉ nhắc lại chút xíu là, nếu chị mở quán kinh doanh bún bò, thì người đầu tiên nhảy xuống cầu Trường Tiền là…
Cô Sâm la:
- Cái thằng ăn nói tầm bậy tầm bạ. Thôi, cầm đũa lên đi các cháu.

Bé Hạnh Hoa níu tay anh Hải, vòi vĩnh đủ thứ. Anh Phong nạt:
- Ti Ti hư quá, để cho ba ăn nào.

Anh Hải cười:
- Kệ nó Phong ạ, gần cả năm trời, anh chỉ nằm mơ thấy Ti Ti nhõng nhẽo.

Chị Phương Lan trêu:
- Thiệt không đó, Ti Ti hay Diệu Hạnh?

Anh Hải vòng tay qua vai vợ:
- Đương nhiên là anh mơ cả hai mẹ con, phải không em?

Chị Diệu Hạnh mắc cỡ, nhéo tay anh:
- Thôi đừng có nịnh đầm nữa, nguội bún hết rồi kìa.

Tiệc đang nửa chừng, chị Thảo Sương về tới. Thanh gặp Bách, reo lên mừng rỡ:
- Chú Bách, Thanh đã làm xong con diều ó.

- Hay quá, đâu rồi?
- Ở trong tủ của mẹ Thanh.

Chị Thảo Sương nhìn con:
- Con hư quá, sao không chào bà nội và các chú các cô?

Anh Phong nói:
- Nó thấy thằng Bách là như cá gặp nước như rồng gặp mây.

Cô Sâm hỏi con dâu:
- Mẹ con đã khá chưa?

- Dạ đỡ rồi.
- Sao con không ở thêm với mẹ vài hôm?

- Thưa mẹ, có dì Út con rồi. Vả lại, cháu Thanh còn phải đi học.

- Cứ để nó ở đây đi học, có cô chú của nó lo cho. Con cần phải ở bên mẹ con. Tội nghiệp.

- Dạ, con cũng định hết hè, nhờ dượng Út xin cho thằng Thanh học ở trường Nguyễn Hoàng ngoài đó.

- Rứa cũng tốt. Thôi, Diệu Hương, lấy bún cho chị con và cháu Thanh ăn đi.

*

Châu từ Đà Nẵng ra, đem cho tôi đủ thứ quà, nào bánh tráng, bánh in, kẹo thèo lèo, mạch nha…
- Anh muốn Khanh đau bụng hả?

- Ăn từ từ thôi, ai biểu Khanh ăn một lần.

- Nghe thầy Kỳ nói mẹ anh bệnh hả, bệnh gì thế?

- Mẹ anh bị hở van tim, cũng do lo lắng mà ra cả. Hồi ba anh đi, nghe một tiếng súng xa, mẹ cũng giật thót mình, đến khi ba mất, không còn chờ đợi ai nữa, thì bệnh mẹ đã nặng rồi.

- Qua Tết không thấy anh ra, em lo lắm.

- Em không nên lo gì cả. Chả có chuyện gì xảy đến cho anh đâu. Giờ chúng mình đi ăn bún bò nghe, anh đang đói bụng đây.

Hai đứa đi bộ xuống đường Nguyễn Du. Trời đã chiều, quán mụ Rớt đông nghẹt khách. Châu tìm được một chỗ ngồi trong góc:
- Em ăn gì?

- Bún thịt nướng.

Châu gọi cho mình tô bún giò. Anh nói:

- Có một dạo anh ghiền bún ở đây.

- Giá anh được ăn bún bò chị Diệu Hương nấu. So với chị, mụ Rớt chỉ là đệ tử mà thôi.

Châu nhìn tôi âu yếm:
- Thế thì hên cho anh quá, anh sắp được ăn rồi.

Tôi ngạc nhiên:
- Chị ấy mời anh à? Lúc nào thế?

- Lúc nào anh trở thành em rể của chị ấy.

Tôi đỏ mặt, không biết nói gì. May lúc đó, người ta mang hai tô bún đến. Tôi ngồi cắm đầu ăn.
- Phương Khanh, anh hay đùa, em đừng giận nhé.

- Giận chi, em bị bất ngờ thôi.

- Cho anh xin lỗi. À, ở Tân Tân có phim trinh thám rất hay, chúng ta đi xem nhé.

- Để khi khác, ngày mai nhiều bài lắm. Em phải học.

- Anh có thể giúp gì cho em không?

- Anh đã làm xong bộ xương mèo chưa?

- Gần xong rồi Khanh ạ, còn lâu mà, em đừng lo. À, anh còn báo cho em một tin vui nữa, là thầy Thọ không ra Huế nữa, ông ấy sợ.

- Sợ gì?

- Sợ mất an ninh. Ông ấy đã nói với thầy Vinh như thế.

- Đúng là thỏ đế.

- Dân Tây mà. Thầy Vinh sẽ dạy thay giờ Sinh học Thực vật, sinh viên tha hồ mừng.

Tôi trở về nhà. Chị Phương Lan đứng tần ngần bên cổng. Chị nói nhỏ:
- Anh Tùng về.

- Ủa, anh về sao mặt chị u ám thế?

- Vào trong sẽ biết.

Mâm cơm trên bàn lạnh tanh. Mẹ ngồi nơi ghế mây, gương mặt thất thần, mi rươm rướm nước mắt. Anh Tùng ngồi bên cạnh, vẻ buồn buồn, môi mím chặt.
- Em chào anh Tùng mới về.

- À, Phương Khanh.

Ba từ trong bước ra:
- Thôi, cả nhà lo ăn cơm đi chứ, tối rồi.

Mẹ rên rỉ:
- Ông ơi, làm sao nuốt nổi hở ông?

Tôi ngạc nhiên, không hiểu điều gì đã xảy đến cho mẹ. Hay là anh Tùng đã gây ra một lỗi lầm nào đó, một đứa con rơi chẳng hạn? Tôi chạy ra vườn tìm chị Lan. Chị cho biết, lâu nay anh Tùng làm lính kiểng, nay bị gọi chuyển về đơn vị tác chiến đâu trên Tây Nguyên lận. Sau kỳ nghỉ phép này, anh sẽ đi. Tôi bảo:
- Đi thì đi chớ, sợ gì. Trông anh Hải kìa, ảnh đi hành quân quanh năm suốt tháng mà có sao đâu.

- Mày muốn cho mẹ đau tim hả?

- Vậy thì phải làm sao đây? Hay là chạy tiền?

- Mày làm như nhà mình là triệu phú ấy. Tội nghiệp anh Tùng.

Anh Tùng ra vườn tìm hai chị em:
- Phương Lan, Phương Khanh, vào ăn cơm đi hai em.

Tôi đến nắm tay anh Tùng:
- Anh Tùng ơi, anh sắp đi xa hả?

- Ừ, anh phải đi thôi em ạ. Đời người có số hết, em đừng lo.

Chị Phương Lan nói:
- Để em hỏi ba của anh Thành, xem có can thiệp gì được không.

- Can thiệp được cũng tốn tiền lắm. Mẹ đã nhọc nhằn với anh nhiều quá rồi.

Trong bữa cơm, nước mắt mẹ vẫn chảy dài. Ba gắt:
- Nó đã trưởng thành rồi, hơi đâu bà lo.

Mẹ tấm tức:
- Con tôi sắp đương đầu với lằn tên mũi đạn, làm sao tôi không lo được. Chỉ có ông là tỉnh bơ thôi, ông không biết thương con.

- Bà này nói không sợ các con cười cho. Lo cái gì, tất cả đều vượt khỏi khả năng của chúng ta, biết làm sao bây giờ.

- Còn thằng Thành, thằng Phong nữa. Tình hình chiến sự như vậy, không biết có bị kêu không?

Anh Tùng nói:
- Cô Sâm mua được cho anh Phong tấm thẻ miễn dịch vì lý do gia cảnh rồi. Còn Thành là quân nhân biệt phái mà, còn đi đâu nữa - Anh nhìn chị Lan - Hai em định lúc nào cưới đấy?

Mẹ trả lời thay cho chị Lan:
- Bác Tuân đang coi ngày. Sang năm là năm tuổi của Phương Lan nên mẹ muốn nó lấy chồng năm nay, tốt hơn.

- Đám cưới nó, không biết con có về được không.

Giọng ba buồn buồn:
- Về cũng tốt mà không về cũng tốt. Con đừng bận tâm đến chuyện đó, xa gia đình, gắng giữ gìn sức khỏe là ba mẹ vui rồi.

Buổi sáng đến giảng đường thấy Minh Hiền ngồi buồn một xó,Thu Tâm và Đoan Trinh ngồi hai bên, mặt mày tươi rói. Tôi để tay lên vai Minh Hiền:
- Ai làm mày rầu rĩ thế?

Thu Tâm nói:
- Minh Hiền ơi, biết đâu Đoan Trinh loan tin vịt.

Đoan Trinh cãi:
- Vịt gà gì, không tin thì thôi.

Tôi tò mò, định hỏi thì thầy Vinh đã bước lên bục giảng. Tất cả sinh viên cùng đứng dậy. Thầy nói dõng dạc;
- Các anh chị ngồi xuống. Tôi báo cho anh chị một tin mới nhận được, thầy Tôn Thất Thọ không thể tiếp tục ra Huế dạy vì một lý do riêng. Tôi sẽ hướng dẫn phần còn lại để các anh chị nắm vững kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến.

Một sinh viên có giọng nói ồ ồ cuối giảng đường la lớn:
- Ôi, hạnh phúc thay cho chúng ta.

Tiếng cười kéo theo những tiếng cười khác, vang dội cả giảng đường. Vậy là tôi hiểu được nguyên nhân nỗi buồn của Minh Hiền. Châu đã nói đúng, thầy Thọ không ra nữa vì sợ mất an ninh, thầy đâu có biết là thầy đã gieo vào lòng Minh Hiền một vết thương đầu đời khi nó đặt tình yêu không đúng chỗ.

Những ngày kế tiếp, Minh Hiền xuống tinh thần một cách thảm hại, nó ráng đi học thêm hai bữa, rồi sau đó nằm mẹp ở nhà. Tôi rủ Đoan Trinh sang nhà Minh Hiền xem sao. Thu Tâm cản:
- Thôi, tụi mày gặp nó càng thêm chán. Tao ở gần mà cũng ớn qua thăm. Nó nói nhiều điều phi lý lắm.

Nhưng khi tôi qua, Minh Hiền không nói gì cả. Nó ngồi im lìm bên song cửa, nhìn tôi bằng ánh mắt buồn rầu:
- Cám ơn mày đã nghĩ đến tao.

- Hiền à, ráng uống thuốc cho mau lành bệnh, sắp thi rồi.

Minh Hiền bỗng cầm tay tôi:
- Con Thu Tâm đã chửi tao là yêu đương mù quáng, có đúng không hở Phương Khanh?

- Tao nghĩ… đó không phải là tình yêu, mày chỉ bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của thầy Thọ mà thôi.

- Đúng rồi Khanh ơi, thầy đẹp quá.

- Không có ai yêu nhau bằng vẻ đẹp bên ngoài, mà cần phải có mối cảm thông, sự rung động giữa hai tâm hồn.

- Phương Khanh ơi, mày đúng là một người bạn tốt. Hai đứa kia không hiểu tao, cứ mắng tao té tát, không cho tao phân trần gì cả.

- Chẳng qua là bọn chúng quá sốt ruột mà thôi. Đừng thèm nhắc đến nữa. Giờ tao hỏi mày nghe, mày có học bài để thi không?

- Có chứ. Tao nghĩ là tất cả rồi sẽ qua đi thôi. Tương lai của chúng ta mới quan trọng. Phương Khanh à, tao muốn nhờ mày một việc. Tao thiếu một số cây chưa ép được, mày có dư không, cho tao xin đi.

Tôi ôm lấy Minh Hiền:
- Được rồi. Tao sẽ lo cho mày. Đừng buồn nữa nghe.

Tôi cũng đang cần một bộ sưu tầm Thực vật đầy đủ. Chủ nhật này, tôi sẽ đi với Châu tìm hái thêm vài loại cây còn thiếu. Cho tôi và cho cả Minh Hiền.

Chúng tôi lên tới đồi Vọng Cảnh vừa lúc mặt trời nhuộm vàng thảm cỏ đầy hoa dại. Châu cúi xuống hái từng cành hoa kết thành một bó đưa cho tôi:
- Để nhớ ngày chúng ta quen nhau.

- Bó hoa trước của anh, Khanh ép vào tập vở nhưng bị hư hết rồi.

- Lần này anh sẽ chỉ cách cho em làm, phải pha hóa chất đúng liều lượng mới giữ được màu lá và hoa.

- Anh làm giùm em cũng được.

- Dĩ nhiên. Nhưng anh muốn sau này, nếu không có anh, em vẫn làm được.

Tôi suýt đánh rơi chùm hoa xuống cỏ:
- Tại sao lại không có anh? Anh… đi đâu?

Hình như cảm thấy mình lỡ lời, Châu lúng túng:
- Anh… anh chẳng đi đâu cả. Ý anh muốn đề phòng đến trường hợp mẹ anh bệnh, anh có thể vắng mặt một thời gian, như hồi Tết ấy mà.

Mặt trời lên cao chiếu những tia nắng gay gắt xuyên qua rừng thông xào xạc lá. Châu đưa tôi đến dưới bóng râm một cây to:
- Em ngồi xuống đây nghỉ mệt nhé, để một mình anh đi hái cây cho.

- Anh nhớ hái cho Minh Hiền nữa nghe.

- Anh sẽ ép mỗi loại vài mẫu, em muốn cho ai tùy ý.

Châu rời tôi, đi ngược xuống đồi. Tôi nhìn theo anh, lòng hoang mang vô bờ, linh tính báo cho tôi biết rằng, tôi sẽ mất anh. Không thể được. Tôi yêu Châu và tình yêu đó càng lúc càng thấm sâu vào mạch máu, ấm áp trái tim. Châu là ánh nắng ban mai soi vào hồn tôi những hạt vàng êm ái, là điểm tựa dịu dàng cho tôi tránh được bao điều bỡ ngỡ khi bước chân vào môi trường học mới. Tôi cần Châu, lẽ nào anh định xa tôi! “Trường hợp mẹ anh bệnh, anh có thể vắng mặt…”, Châu đã nói dối tôi. Mới hôm qua, Thu Tâm đến nhà tôi kể rằng, mẹ của Châu từ Đà Nẵng ra thăm Châu, có ghé qua nhà nó chơi. Bà cho biết hôm mồng sáu Tết, sau khi Châu trở về Huế đi học lại, bà đã cùng người chị đi Sài Gòn thăm một người bà con bên chồng. Như vậy là mẹ Châu không bệnh, nhưng đến hai mươi, Châu mới trở về Huế. Vậy Châu đã đi đâu trong khoảng thời gian đó? Tính tò mò không phải lúc nào cũng xấu, nhờ Thu Tâm, tôi mới được biết, có một cái gì không thật ở Châu. Châu yêu tôi, nhưng tôi mơ hồ cảm nhận, anh chỉ trao cho tôi một phần trái tim thôi. Còn hơn nửa kia, anh đã dành cho ai?

Tôi đi ngược về phía Châu, leo dốc, lên đến đỉnh đồi. Màn sương dưới kia đã tan hẳn, để lộ màu xanh ngăn ngắt của dòng nước sông Hương lặng lờ trôi về phía chân trời xa. Tôi dõi theo những ngọn dừa, lũy tre, bàng bạc làn khói trắng tỏa ra từ mấy nếp tranh nghèo nép mình sau bóng lá… tôi nghĩ đến một ngày mai, không có Châu ở bên tôi. Trái tim tôi thắt lại, nỗi buồn tủi dâng lên ngào nghẹn làm tôi muốn khóc. Tôi tự an ủi mình, có thể là Thu Tâm nói dối, nó yêu Châu nên đang ghen với tôi? Không phải. Thu Tâm là một người bạn tốt, tôi không được nghĩ xấu cho nó.

Tôi ngồi bệt xuống mô đất nhỏ, thẫn thờ lượm những viên sỏi quăng ra xa. Sắp thi đến nơi rồi, thôi đừng nghĩ ngợi gì nữa, phải tập trung đầu óc vào bài vở trước mắt mới mong đuổi kịp kỳ thi.
- Phương Khanh, lên đây sao không nói, làm anh đi kiếm từ nãy giờ.

Châu đến sau lưng, ôm hai bờ vai tôi, xoay người lại:
- Có chuyện gì vậy, nói cho anh nghe đi.

Lòng tự ái không cho tôi hỏi thẳng Châu mọi thắc mắc của mình, tôi nói dối:
- Sắp thi rồi, em sợ quá.

Châu cười, con mắt có đuôi. Anh đưa cho tôi xem chiếc túi nylon lớn đựng đầy hoa lá:
- Em đừng lo gì cả, cứ học thuộc bài để lọt qua được kỳ thi viết. Phần thực tập, đã có anh. Bộ xương mèo anh đã làm xong, bộ sưu tầm mẫu cây nhất định sẽ tuyệt vời, nội chừng đó cũng đủ cho em dẫn đầu điểm.

Tôi nghe lòng vui trở lại. Châu nói như vậy có nghĩa là anh vẫn có mặt bên tôi trong suốt mùa thi. Chúng tôi cùng trở lại dưới bóng râm mát mẻ. Châu lấy trong túi xách ra hai ổ bánh mì và gói thịt nguội.
- Em đói bụng chưa? Chúng ta cùng ăn nhé.

- Em khát nước.

- À quên, anh có đem theo cam nữa.

Châu bóc vỏ cam, lột từng múi đưa cho tôi. Những tép cam óng vàng màu mật, ngọt lịm trên đầu lưỡi, làm tôi ăn mãi quên thôi. Một tia nắng xuyên qua kẽ lá, rọi vào tay phản chiếu lên mắt làm tôi nghiêng đầu để tránh. Tôi bắt gặp ánh nhìn đầy si mê của Châu. Tôi đỏ mặt khi nhận ra mình đã làm biến mất một lúc hai quả cam.
- Em còn khát không? Anh bóc nữa nhé?

Tôi mắc cỡ lắc đầu. Châu ngạc nhiên:
- Hồi nãy em bảo là chưa ăn sáng cơ mà.

- Em… em không thích ăn nữa.

Châu lấy mù-soa trong túi lau từng ngón tay tôi:
- Chắc tại em no cam đấy.

Anh kéo tôi lại gần, áp má vào lòng bàn tay tôi. Một luồng điện lan ngược vào tim khiến tôi rùng mình.
- Phương Khanh.

Tôi ngước lên nhìn anh. Một làn mây mỏng bay qua che lấp ánh nắng, gió thổi lùa tóc tôi bay, chạm vào mặt Châu.
- Phương Khanh ơi, em đẹp quá. Anh sợ mất em.

Tôi ngả vào lòng Châu, tựa vào vai anh. Tôi nghe tiếng tim anh đập mạnh trong lồng ngực.
- Phương Khanh, em hứa sẽ yêu anh mãi mãi nhé.

- Còn anh?

Châu say đắm hôn lên mắt tôi:
- Em là linh hồn của anh.

đọc tiếp

Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7, 8