Truyện dài –THÙY AN

Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN

 

CHƯƠNG MỘT

Mưa suốt đêm. Mưa rả rích trên tàng cây vú sữa ngoài cửa sổ phòng tôi, buông vào không gian lạnh vắng những âm thanh đều đều, đơn điệu… Tôi kéo tấm chăn mỏng lên tận cổ, người bềnh bồng trôi theo tiếng mưa ru. Tôi lạc vào giấc mơ với những hình ảnh thân quen đan xen lẫn lộn, tôi thấy nhỏ Đoan Trinh và Minh Hiền cãi nhau om sòm, rồi chị Lan đi chợ về đầu tóc ướt sũng bị mẹ la sao không chịu mang theo áo mưa. Tôi lại thấy mình đứng trong vườn nhìn anh Tùng leo lên cây ổi thoăn thoắt, anh thảy xuống cho tôi một trái chín hườm, bỗng nhỏ Thu Tâm từ đâu xuất hiện giật lấy bỏ vào mồm, vừa nhai chóp chép, vừa nheo mắt trêu ngươi. Con khỉ Tâm, trả lại cho tao, Tâm ơi, Tâm ơi…

Chị Lan lay vai tôi:
- Phương Khanh, dậy đi học.

Tôi lăn qua trở về. Một tiếng sấm nổ làm tôi mở bừng mắt. Chị Lan gắt:
- Thôi đừng có nằm nướng nữa.

Tôi ngồi dậy, nhìn chiếc đồng hồ để trên bàn:
- Thôi chết em rồi, đồng hồ không chịu reo.

Chị Lan bước đến gần, cười khúc khích:
- Mày không chịu kéo cái chốt lên, làm sao nó reo được.

Tôi sực nhớ ra, vùng vằng để khỏi mắc cỡ:
- Em đi học đây, không nói chuyện với chị nữa.

Mưa trở nên nặng hạt. Gió từ đâu tràn về xô đẩy hàng dừa sau vườn ngả nghiêng lao xao. Nước trút rầm rập trên mái nhà, tôi có cảm tưởng những tấm ngói cũ kỹ rêu phong trên kia đang chịu đựng một lực ép nặng nề và sắp vỡ tung ra. Tôi bước ra sau tấm màn thay quần áo. Mẹ nói:
- Mưa to quá, ở nhà một bữa đi con.

- Không được đâu, sáng nay con có giờ thực tập.

Anh Tùng nói với mẹ, giọng âu yếm:
- Nó mới chân ướt chân ráo vào đại học, đang hăng mà, giờ trời có sập nó cũng không chịu ở nhà đâu.

Tôi khoe:
- Sáng nay em có giờ thực tập Hóa học đầu tiên đó, anh Tùng ơi.

- Hay lắm, dạo còn đi học, anh thích nhất là giờ thực tập môn Hóa.

Tùng là anh đầu của tôi. Anh theo học chứng chỉ Toán Lý Hóa, nhưng thi hoài cũng không lấy nổi tấm bằng Cử nhân. Sợ bị động viên, anh tìm mọi cách để trốn. Ban đầu anh đi ở lang khắp nơi, nay nhà người bạn này, mai nhà người bạn khác, nhiều nhất là ăn dầm ở dề trên trần thượng nhà cô Sâm trong thành nội. Cuối cùng, chịu không nổi khoảng tiền đút lót mỗi lần bị bắt gặp, anh chui ra khỏi chỗ ẩn nấp và tuyên bố, thà chết ngoài chiến trường còn hơn sống mất tự do. Anh đi lính xa nhà được hai năm, sau nhờ bác Tuân, một viên chức cao cấp ở Huế, và cũng là bạn thân của ba can thiệp, anh Tùng được đổi về Huế và đóng quân ở Phú Bài.

Tôi mặc áo mưa vào, cài nút cẩn thận. Chị Lan lấy chiếc dù xanh đưa cho tôi:
- Mưa to lắm, che dù mới đỡ tạt.

Nước chảy thành dòng suối nhỏ theo bước chân tôi. Cây cối hai bên đường oằn xuống dưới những ngọn roi mưa phũ phàng. Bầu trời xám xịt, chùng thấp. Tôi đi men theo lề, cố tránh những vũng nước lớn, quay cuồng từng cụm lá vàng khô thi nhau trôi tuột vào ống cống. Qua khỏi cầu Gia Hội, tôi bước nhanh về phía bến xe đò. Quái thật, mưa to gió lớn thế này mà người đâu cứ đổ ra đường đông như kiến. Đã hai chuyến xe rời bến, tôi vẫn chưa tìm được một chỗ trống để lên. Nhìn thấy cảnh chen lấn như cá hộp, thêm vào là quang gánh, thúng mủng tràn cả ra ngoài, tôi muốn chóng mặt. Nhìn vào đồng hồ tay, vẫn còn khá sớm, tôi quyết định đi bộ đến trường.

Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Anh qua không kịp tội lắm em ơi.

Trong thi văn, cầu Tràng Tiền đẹp và nên thơ thật. Nào là sáu vài cong cong dát bạc lấp lánh trong sương mai, nào là mười hai nhịp cầu thơ mộng nghiêng mình soi bóng trên dòng Hương Giang, gợi nguồn cảm hứng cho khách lãng du… Nhưng có ai thấu chăng bề trái của hình ảnh tuyệt vời đó nếu chưa một lần đi qua cầu trong những ngày mưa gió như hôm nay. Mây xám vẫn giăng mờ mịt khung trời sũng nước, gió thổi loạn cuồng đập những hạt mưa lạnh châm chích thịt da. Tôi bám tay vào thành cầu tê cóng, nhích từng bước chân một trên dãi đường hẹp dành cho người đi bộ, thầm mong mau chóng qua khỏi cầu. Bỗng một làn gió mạnh chưa từng thấy bật ngược những chiếc gọng dù mong manh làm tôi cuống quít, suýt bay xuống cầu nếu không có một bàn tay rắn chắc giữ lại. Người con trai đỡ cây dù trên tay tôi xoay theo chiều gió, rồi nói thật nhanh:

- Đi mau lên.

Người đâu mà cộc lốc, tôi chả thèm cám ơn. Trước khi bước đi, tôi chỉ kịp thấy một gương mặt đen thui và màu xám của chiếc áo mưa rộng thùng thình. Qua khỏi cầu, gió nhẹ bớt, tôi nghe rõ tiếng bước chân theo tôi nhưng không dám quay lại. Tôi kéo kín cổ áo mưa, cầm chặt cây dù và đi một mạch vào trường.
Chuông chưa reo vào học. Thu Tâm đứng chờ tôi ngay cổng:

- Sao đi trễ vậy? Tao chờ mày từ nãy giờ.

- Có chi ăn không?

Thu Tâm chìa ra một miếng chocolat.

Reng… reng… Tôi giật ngay thỏi chocolat cho vào cặp rồi theo Thu Tâm vào trong.

Hôm nay, tôi có giờ thực tập Hóa học đầu tiên. Bước vào phòng thí nghiệm bốn bề lát gạch men trắng bóng, dãy kệ đồ sộ chất nhiều chai lọ thủy tinh và những dung dịch đầy màu sắc, tôi cảm thấy mình nhỏ bé ngẩn ngơ như cô bé Alice lạc vào xứ thần tiên.

- Phương Khanh.
Thu Tâm đưa tay ngoắc:
- Nhanh lên.

Tôi bước đến, nó đưa tay cốc nhẹ vào đầu:
- Thôi đừng có nhẩn nha như nàng công chúa nữa, hai đứa mình dành chỗ này nghe.

Tôi ngồi xuống cạnh nó, ngoan ngoãn nhìn lên bảng đen. Thu Tâm thì thầm bên tai tôi:
- Phương Khanh, mày quen với Châu chấu hả?

Tôi chưa kịp ngạc nhiên, nhỏ Minh Hiền ngồi cạnh đã nguýt dài, giọng Bắc của nó nghe thật chanh chua:
- Châu chấu với chả dế mèn, tụi mày ồn ào quá, thầy ra kìa.

Thầy Kỳ hướng dẫn thực tập có nét mặt rất phương phi, da thầy trắng hồng như da con gái. Thầy bước lên bục giảng nhìn chúng tôi thân mật:
- Hôm nay là giờ học đầu tiên của chúng ta, các anh chị sẽ chép chương trình học và phân nhóm.

Thầy quay vào trong đưa tay vẫy. Một thanh niên cao nhòng chạy ra đứng cạnh thầy, trên tay cầm một chồng sách quay ronéo. Tôi đã nhận ra anh chàng đen nhẻm ấy. Thầy Kỳ giới thiệu:
- Đây là anh Châu, phụ tá của tôi, năm nay anh sẽ hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm. Có gì thắc mắc liên quan đến bài học, anh chị cứ hỏi ảnh, điều cần thiết là anh chị phải siêng năng, chịu khó để đạt kết quả tốt trong kỳ thi cuối năm.

Thu Tâm nói nhỏ:
- Châu chấu đó, hồi sáng tao thấy anh chàng tò tò theo mày.

Châu hướng về đám sinh viên, tia mắt anh nhìn khắp lượt và dừng lại ở tôi. Tim tôi đập mạnh và bỗng nhiên cảm thấy buồn cười trước sự tương phản màu sắc giữa gương mặt thầy Kỳ và Châu.
- Hôm nay chúng ta sẽ phân nhóm và đóng tiền mua sách.

Châu có đôi mắt sáng lạ lùng. Anh nói giọng Hà Nội, tiếng trầm và ấm áp. Tôi có cảm giác những sợi mưa giăng ngoài khung cửa phòng thí nghiệm dường như bớt lạnh lẽo hơn. Minh Hiền đứng dậy:
- Thưa thầy, chúng em có phải đóng tiền ngay bây giờ không ạ?

- Nếu chưa có thì để tuần sau cũng được - Châu cười - Xin đừng gọi tôi là thầy, các bạn cứ xem tôi như một người anh là được rồi. Đồng ý chứ?

Tôi chưa thấy ai có hàm răng trắng như Châu. Thu Tâm nghiêng mặt vào tai tôi:
- Châu chấu cười có duyên thật.

Tôi cũng nhận thấy thế nhưng không dám gật đầu. Đám con trai ngồi phía sau hát nho nhỏ và cười cợt với nhau:

“… Răng em trắng nhất trên đời, nhờ kem Hynos tốt nhất mà thôi. Anh yêu em, anh yêu kem, anh yêu luôn anh Bảy Chà da đen. Hynos Cha Cha Cha…”

Châu đem sách phát cho từng bàn. Tôi kín đáo quan sát anh. Ngoài nước da đen ra, Châu không có gì đáng chê. Dáng dấp, gương mặt, đôi mắt, nụ cười, trông anh cũng khá đẹp trai. Buổi trưa đi học về trời còn mưa nhỏ, tôi ngán phải qua cầu nên ra đầu đường đón xe buýt. Thu Tâm đạp xe chầm chậm sau tôi:
- Cái đuôi đang theo mày.

Xong nó nhấn mạnh bàn đạp, phóng thẳng. Bây giờ tôi mới để ý có tiếng bước chân chậm rãi băng qua đường, rồi tiếng tằng hắng. Tôi biết Châu đang ở sau lưng tôi. Vẫn im lặng. Miệng anh ta dính mủ mít chắc? Tôi bực mình chưa biết tính sao thì xe buýt đến, dừng lại bên đường. Tôi nhảy vội lên xe, chẳng buồn nhìn xem Châu đi về hướng nào.

Trời tạnh hẳn khi xe về tới bến. Tôi xếp áo mưa, gấp nhỏ chiếc dù xanh lại, thong thả đếm bước và bỗng giật mình khi thoáng thấy bóng Châu. Anh lại lẽo đẽo theo tôi qua khỏi cầu Gia Hội. Thế này thì không được. Tôi quay lại nhìn Châu, xụ mặt xuống. Vẫn giọng nói trầm ấm:
- Cho phép tôi được đưa Khanh về.

Ghê thật! Lại dò được tên tôi trên bảng phân nhóm nữa chứ. Tôi định trừng mắt nhưng không nỡ vì thấy ánh mắt Châu nhìn đầy vẻ thê thảm và van lơn. Tôi đành nói nhỏ:
- Anh đưa Khanh đến đây là được rồi.

Không một lời phản đối, Châu nghiêng mình:
- Vậy Khanh về nhé.

Châu quay trở lại và đi về phía chợ. Nhìn theo cái dáng cao lênh khênh của anh, tôi thầm hỏi, không biết anh ta ở đâu mà lại leo lên xe buýt theo tôi đến tận nơi này?


*


Sau này, nghe Thu Tâm kể, Châu ở Đập Đá, gần nhà nó. Gia đình Châu ở Đà Nẵng, anh ra Huế trọ học đã ba năm nay. Chủ nhà anh trọ là bác sĩ Phú, làm việc bên nhà thương lớn, đồng thời cũng là giảng viên trường Đại học Y khoa. Châu có họ hàng xa với bà bác sĩ, nên khỏi phải tốn tiền ăn ở, thay vào đó, hằng ngày, Châu có trách nhiệm trông nom bài vở và kèm cặp cho hai đứa con của ông bà.

Tôi thường nói với Minh Hiền:
- Nhỏ Thu Tâm rành lý lịch của anh Châu ghê.

Minh Hiền được dịp kể:
- Mày không biết sao, tình láng giềng mà. Biết bao lần trái tim của nó rung rinh trước vẻ đẹp Ăn - gô - la của anh chàng Châu chấu ấy.

- Thôi đừng có xạo, nó mà nghe được thì đầu mày cũng không còn một sợi tóc.

- Tao ở cùng xóm với nó mà, không ai rành sáu câu vọng cổ bằng tao đâu. Mày cứ tin đi.

Thu Tâm yêu Châu? Kể cũng lạ. Vì trong những giờ thực tập tiếp theo, tôi thường nghe nó đem cái yếu điểm duy nhất của Châu ra đùa cợt, đó là nước da đen của anh. Nó nói với đầy vẻ thích thú:
- Xóm tao mỗi lần cúp điện khỏi phải lo. Chỉ cần nhờ anh Châu nhe răng cười, mọi vật đều được soi sáng tỏ như ban ngày.

Tôi bảo Minh Hiền:
- Tao chả tin. Không ai đi trêu cợt người mình yêu cả.

Minh Hiền nhún vai:
- Với điều kiện… là người đó cũng yêu mình.

- Bộ anh Châu không để ý đến nó sao? Nó cũng đẹp gần chết.

Minh Hiền đập vào vai tôi:
- Nhưng mày thì đẹp đến… chết thẳng cẳng. Mày ngơ thật đấy, Phương Khanh à. Có giết tao, tao cũng chắc chắn là Châu đang yêu mày.

Tôi hốt hoảng:
- Mày đừng nói bậy chớ.

Đoan Trinh ngồi cạnh, xen vào:
- Minh Hiền nói rất đúng. Thôi miễn bàn luận nhé.

Tôi ngớ người, chẳng biết nói sao. May mà sáng nay, Thu Tâm nghỉ học vì bận việc nhà, nếu nghe được, chắc là nó buồn lắm.

Năm nay, chúng tôi gồm bốn đứa chơi thân với nhau: Tôi, Minh Hiền,Thu Tâm và Đoan Trinh. Thu Tâm và Minh Hiền ở gần nhà nhau cũng như tôi và Đoan Trinh là láng giềng, nhưng xét về tình cảm, tôi thân Thu Tâm hơn vì hai đứa cùng học chung lớp từ hồi còn cấp một. Chúng tôi đã có với nhau những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, những ước mơ bay bổng của tuổi dậy thì và cùng chung một hoài bão trên bước đường tương lai.

Từ buổi sáng mưa gió ấy, Châu không còn đi theo tôi mỗi lần tan học nữa, nhưng trong ánh mắt anh nhìn, tôi đọc được vẻ say mê kỳ lạ. Nếu đúng như lời Minh Hiền nói, có phải Châu đang yêu tôi không? Chính Đoan Trinh cũng xác nhận điều đó. Tôi lắc đầu xua tan ý nghĩ, tụi nó mà biết gì, chỉ được cái tài đoán mò rồi đi chế nhạo người ta để mua vui thôi.

Dù cố không tin, nhưng những lời nói của Minh Hiền và Đoan Trinh cứ vang mãi trong đầu óc làm tôi chột dạ. Sáng nay có giờ thực tập Hóa học, tôi không dám đến trường. Tôi sợ gặp Châu, rồi tôi tự trấn an mình, giờ hôm nay cũng chả quan trọng mấy, có thể thầy Kỳ sẽ phát bài làm tuần trước rồi sửa, vậy thôi. Chưa có bài mới đâu. Thế là tôi yên tâm nói dối:
- Sáng nay em được nghỉ.

Chị Phương Lan không mảy may nghi ngờ:
- Hay quá, đơm nút giùm chị lô hàng này nghe.

Chị Phương Lan kế tôi, chị nghỉ học từ lâu vì thi hoài vẫn không đậu nổi bán phần. Chị an phận ở nhà giúp mẹ buôn bán và lãnh hàng về may gia công. Tôi lấy kim ra xỏ chỉ. Thằng Bách, em út tôi đang học lớp Bảy, cầm chiếc áo sơ mi trắng chạy đến:
- Chị Khanh, áo em bị sứt chỉ, may lại giùm em.

- Tới đưa chị Lan đạp một đường cho chắc.

Chị Lan vẫn đạp máy rào rào:
- Giờ máy mắc rồi. Để đó, chiều rảnh chị đạp cho.

Bách nhăn nhó:
- Chiều em đi học rồi.

- Thì lấy áo khác mặc, làm như mày chỉ có một cái áo không bằng.

Biết có đòi hỏi cũng chả ăn thua, Bách lái sang chuyện khác:
- Chị Lan ơi, bao giờ chị giao hàng?

- Em hỏi làm gì? Thôi vào trong học bài đi.

- Em xin tiền học thêm, nhưng mẹ nói chờ chị Lan giao hàng xong đã.

- Học thêm làm chi cho tốn. Có gì thắc mắc cứ hỏi chị Khanh là được rồi.

- Chị Khanh hay cốc đầu, em ghét lắm.

Tôi ngừng kim, nhìn nó chằm chằm:
- Nói gì nói lại nghe coi. Ghét tao à? Được rồi, lần sau đừng hòng hỏi bài tao.

- Cám ơn. Hôm trước chị giảng sai bài toán làm em bị ăn trứng vịt…

- Xin lỗi mày à, tại mày chép sai đề chớ bộ.

Chị Lan ngưng đạp, gắt:
- Thôi, chị em gì cứ như chó với mèo. Con Khanh lo đơm nút cho xong đi, còn thằng Bách ra vườn chơi, đợi giao hàng xong hẵng tính.

Tôi đơm nút thoăn thoắt cho đến trưa nhưng cảm thấy công việc chả tới đâu cả. Đống quần áo vẫn còn cao vời vợi. Tôi găm cây kim vào túi áo, uốn mình rên rỉ:
- Em mỏi lưng quá chị Lan ơi.

- Thôi nghỉ đi, để chiều chị làm tiếp cho.
- Em đi nấu cơm nhé.

- Ờ, bắc một lon gạo thôi, rồi ghế thêm cơm cũ. Trưa nay ba mẹ không về đâu. Cô Sâm mời qua nhà ăn cơm khách.

Tôi vừa vo gạo xong, đã nghe tiếng chị Lan:
- Phương Khanh. Để chị nấu cho, em lên nhà trên đi, có người tìm.

Tôi ngạc nhiên:
- Ai vậy?

- Chị không biết. Em ra ngay đi.
Châu xuất hiện trong căn nhà nhỏ bé làm tim tôi đập rầm rầm. Thấy tôi, Châu lúng túng đứng dậy, quyển sách trên tay run run:
- Phương Khanh.

Tôi hỏi một câu rất vô duyên:
- Tại sao… anh lại đến đây?

Châu cố giữ cho giọng được tự nhiên hơn:
- Sáng nay không thấy Khanh đi học, thầy Kỳ điểm danh ghi tên Khanh vào chỗ vắng không phép, nên tôi…

Chị Lan bưng tách trà ra đặt lên bàn:
- Anh cứ ngồi chơi tự nhiên - nhìn tôi, chị nheo mắt - kìa Khanh, sao đứng ỳ ra vậy, đến ngồi nói chuyện đi chớ.

Chị biến mất vào trong. Tôi càng luống cuống không biết để tay chân ở đâu. Thu hết can đảm, tôi bước đến ngồi đối diện với Châu. Châu lại hỏi:
- Khanh có bị bệnh không? Trông Khanh hơi xanh.

Chắc là tại cái đống quần áo chết tiệt của chị Phương Lan, làm tôi hoa cả mắt. Tôi nói nhỏ:
- Không, tại hôm nay Khanh bận chút công chuyện.

Châu dịu dàng:
- Lần sau nếu bận, Khanh nhớ viết giấy xin phép, rồi nhờ Đoan Trinh đem lên đưa cho thầy Kỳ, cuối năm thi mới khỏi bị trừ điểm.

- Chết cha, vậy là Khanh bị trừ điểm rồi.

- Không sao đâu, ba lần vắng không phép mới bị.

Thời gian như ngừng trôi. Không gian tĩnh lặng. Tôi nghe rõ tiếng chim hót trên hàng cây khế ngọt đầu vườn.
- Vườn nhà Khanh mát quá.

- Sao anh biết được nhà Khanh?

- Hồi nãy, tôi về cùng Đoan Trinh.

Tôi buộc miệng:
- Con nhỏ nhiều chuyện

- Khanh đừng trách cô ấy, tại tôi tất cả - giọng anh buồn buồn - Hình như Khanh không muốn tôi đến đây?

- Không phải, tại Khanh… sợ phiền anh, tại Khanh…

Châu đứng dậy:
- Nếu Khanh không phiền, thỉnh thoảng, Khanh cho phép tôi được ghé nhà Khanh nhé.

Đành phải gật đầu thôi. Đôi mắt Châu trở nên rạng rỡ, anh lấy trong cuốn sách ra một phong bì lớn màu trắng:
- Xin gửi Khanh.

Không tiện hỏi, tôi cầm lấy:
- Cám ơn anh.

- Tôi xin phép được về.

Tôi đứng im, nhìn theo dáng Châu dắt xe ra cổng, vai loang loáng ánh nắng vàng lọc qua kẽ lá rung rinh trên cao.
Chị Lan ló đầu ra khỏi tấm màn hoa:
- Nhân vật nào có duyên thế?

- Anh ta làm ở phòng thí nghiệm - tôi dấu chiếc phong bì ra sau lưng - hỏi:
- Cơm chín chưa chị Lan?

Chị cười khúc khích:
- Tưởng đâu em no rồi chớ.

- Còn lâu. Kiến bò bụng em đây nè.

Bách từ ngoài vườn chạy vào, la lên:
- Bạn của chị Khanh đen như cột nhà cháy.

đọc tiếp

Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7, 8