Truyện dài - Thùy An
Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN
CHƯƠNG SÁU
Tôi không phải là linh hồn của Châu. Vì sau ngày đó, Châu làm việc rất thất thường. Anh lơ là trong công tác hướng dẫn thực tập, không lên lớp đúng giờ và vắng mặt thường xuyên. Thầy Kỳ rất bực, nhưng vì mối thiện cảm với Châu nên thầy chưa sử dụng biện pháp kỷ luật. Vin vào lý do mẹ ốm, Châu thoắt ẩn thoắt hiện, biết bao nhiêu lần anh sai hẹn với tôi. Vì ngày thi gần kề, không muốn đi chơi nhiều, nên tôi tạm bỏ qua cho anh những lần thất hứa. Tuy nhiên, anh đã chuẩn bị cho tôi đầy đủ hành trang cần thiết để bước vào phòng thi.
Trước kỳ thi một tuần, phòng Hóa Học ra thông báo tuyển giảng nghiệm viên mới và sa thải Châu. Thầy Kỳ nói với chúng tôi:
- Tôi rất mến Châu, nhưng không thể làm khác được. Tôi đã vào tận nhà anh ấy để kiểm chứng rồi. Mẹ anh vẫn khỏe mạnh, bà ấy hoàn toàn không biết Châu đã đi đâu. Tôi nghĩ là mẹ Châu đã nói dối, vì bà ấy không tỏ vẻ lo lắng gì cả.
Bạn bè xúm lại hỏi làm tôi càng tủi thân. Mang tiếng là người yêu của Châu mà bản thân tôi cũng chẳng biết hiện giờ anh đang ở đâu. Khải, người bạn thân cùng học với Châu đã bảo tôi:
- Khanh yên tâm đi, thế nào nó cũng phải về thi chứng chỉ cuối.
- Anh Khải ơi, hãy cho Khanh biết anh ấy đang ở đâu, đừng dấu Khanh.
- Làm sao tôi nỡ dấu Khanh được. Quả tình tôi không biết.
Châu đã về trước ngày tôi thi. Nhìn anh lo lắng, tất bật, chỉ bảo cho tôi từng ly từng tí, tôi quên hết mọi giận dỗi âm ỉ trong lòng từ hôm ấy đến nay. Buổi chiều tái ngộ, giữa ngôi vườn nhỏ bé nhà tôi, Châu đã cầm tay tôi tha thiết nói:
- Phương Khanh, em hãy tin anh. Lúc nào anh cũng yêu em và không bao giờ lừa dối em.
- Nhưng anh đã đi đâu? Sao không nói cho em biết, thầy Kỳ đã vào nhà anh…
- Anh biết. Anh đành chịu lỗi với thầy thôi. Sau này thầy sẽ hiểu.
- Nhưng em muốn biết, anh đã làm gì?
- Phương Khanh, anh đang làm mọi điều tốt đẹp cho em và tất cả bạn bè. - Anh nói lảng sang chuyện khác - Hãy nghĩ đến kỳ thi trước mắt đi em. Nào, lấy sách vở ra đây, có gì thắc mắc, nói với anh nhé.
- Anh có thi không?
- Có chứ. Anh lo bài vở xong rồi.
- Anh đừng đi nữa nhé.
- Anh sẽ có mặt bên em suốt kỳ thi.
Châu không rời tôi một bước. Anh động viên, khuyến khích, truyền nghị lực cho tôi thêm vững vàng trước những đề thi hóc búa. Tôi làm bài suôn sẻ các môn thi viết, và đậu với số điểm cao nhất. Minh Hiền cũng dính bảng, chỉ có Đoan Trinh và Thu Tâm là không may. Cho nên, dù bộ xương mèo của Đoan Trinh có đẹp hơn của tôi (dĩ nhiên, vì đó là hài cốt của con Minu mà!!!), nó vẫn không được thi tiếp thực tập, đành chờ kỳ hai vậy. Anh Phong rất buồn, càng buồn hơn vì ngày nào Đoan Trinh cũng sang nhà cô Sâm tìm anh với bộ mặt đưa đám. Mặc cho anh an ủi vỗ về, nó cứ khóc trù trù như cha mẹ chết hết. Chị Diệu Hạnh ra nhà tìm tôi:
- Phương Khanh, em hãy bảo con Đoan Trinh chấm dứt cái trò khóc lóc đó đi. Học ngu thì ráng chịu chớ, thằng Phong có đánh rớt nó đâu mà cứ sang ăn vạ bên chị hoài thế. Cô giận lắm đó.
- Em bận chuẩn bị vào thực tập. Để thi xong em sẽ bảo nó.
Đoan Trinh làm dữ đến nỗi anh Phong không dám về nhà, anh ở suốt ngày tại phòng Thực vật. Minh Hiền nói:
- Tao mà là anh Phong, tao sẽ đá đít nó.
Tôi bênh:
- Mày phải thông cảm chứ, nó thi rớt mà, đừng trách nó.
- Cái gì cũng có mức độ thôi chứ. Lớp mình rụng như sung, có ai khóc đâu. Con Thu Tâm là một điển hình rõ nhất.
Tôi qua kỳ thi thực tập thông suốt, các mẫu sưu tầm đều được điểm cao. Trước khi vào vấn đáp, Châu mời tôi đi chơi một vòng cho thư giãn tinh thần. Ba mẹ đã biết sự quan hệ giữa tôi và Châu, nhưng không phản đối. Mẹ thường bảo:
- Đời con gái cũng như nụ hoa, chỉ nở một lần thôi. Vậy con hãy suy nghĩ cho cẩn thận trong việc lựa chọn người bạn trăm năm.
Ba cũng khen Châu là người đàng hoàng, hiếu học. Chỉ có chị Phương Lan suốt ngày chê Châu. Chị bảo, so với Hoài, Châu không bằng một cái đinh rỉ, vậy mà tôi đã mù quáng trước những lời đường mật của Châu. Tôi không có ý kiến, hay nói đúng hơn, tôi chưa có ý kiến gì cả. Tôi còn nhỏ quá,việc trước mắt là phải học để ra đi làm phụ thêm vào kinh tế gia đình. Chị Phương Lan khẳng định:
- Con trai Bắc đểu lắm, để rồi Khanh xem, Châu không thành thật với Khanh đâu. Ngày xưa, bồ chị Diệu Hương cũng là người Bắc đó.
- Em với Châu chỉ là bạn. Hơn nữa, Châu không phải là anh Khoa.
- Nếu là bạn thì chỉ nên tiếp ở nhà, đi chơi hoài, mang tiếng.
Mặc cho chị Phương Lan lên tiếng dạy đời, tôi vẫn nhận lời đi chơi với Châu. Châu yêu tôi, nhưng tôi mơ hồ cảm nhận, anh còn yêu một điều gì đó hơn cả tôi. Tôi không muốn mất Châu. Tôi cần có anh mãi trong đời nên tôi phải tìm biết điều đó là điều gì? Không ai giải thích được cho tôi trừ Châu. Lúc này anh đang thi thực tập, chưa phải lúc để hỏi chuyện. Tôi sẽ chờ đến cuối tháng này, nhàtrường sẽ kết thúc lịch thi. Chỉ còn một tuần nữa thôi.
Hai đứa đi bộ qua cầu Đông Ba. Những tấm ván rung rinh dưới bước chân. Qua khe ván, làn nước xanh ngăn ngắt đưa những đám lục bình bềnh bồng trôi dạt, những sợi rong dài mầu lục thẫm, lả lơi theo dòng chảy xa mãi chân cầu. Châu nắm cánh tay tôi:
- Khanh đừng nhìn xuống, chóng mặt đấy.
Tôi cười:
- Em không chóng mặt đâu. Hồi còn nhỏ, khi cầu Gia Hội chưa đúc xi măng, em vẫn thích nhìn sông Hương qua khe ván và đã hơn một lần, em làm lọt guốc dép xuống nước.
Châu nhìn tôi, vẫn ánh mắt đầy thương yêu:
- Tuổi thơ của Khanh tuyệt thật.
- Chưa hết đâu. Em có rất nhiều kỷ niệm với dòng sông này. Hồi đó, nhà ông bà ngoại ở bến đò Cồn, chiều nào hai chị em cũng xuống tắm sông. Vui nhất là những lúc xuôi đò dọc về làng thăm quê nội. Làng em gần lắm, đi xe đạp chỉ mất một tiếng.
- Giờ Khanh còn về quê nữa không?
- Chỗ đó dạo này mất an ninh lắm, nên thỉnh thoảng có giỗ chạp ba em mới về.
Châu đưa tôi vào quán bánh khoái dưới dốc cầu. Chưa tới cửa, mùi thơm của nước tương, đậu phụng giã, bánh nóng dòn đã bay ra thơm lừng, đầy lôi cuốn. Châu kéo ghế, vui vẻ:
- Em phải ăn một bụng thật no, lấy hên để mai vào vấn đáp.
- Mai anh có qua đón Khanh không?
- Có chứ. Nhớ lời anh dặn nhé, tối nay chỉ coi sơ lại bài vở rồi đi ngủ sớm. Không thức khuya, không nghĩ ngợi gì cả.
- Thầy Kỳ có cho anh đi làm lại không?
Châu so đôi đũa thật đều, lau cẩn thận rồi đưa cho tôi. Giọng anh rất nhẹ:
- Khanh đừng lo, cuộc đời của anh đâu phải là cái phòng thí nghiệm Hóa Học ấy.
- Anh nói vậy là phụ lòng thầy Kỳ.
- Anh rất kính trọng và biết ơn thầy Kỳ. Thầy đã tận tâm dìu dắt anh từ năm dự bị, cho anh công việc để tăng thêm thu nhập, và cũng chính thầy đã giới thiệu anh nhiều chỗ dạy kèm. Anh rời phòng thí nghiệm, thầy Kỳ có ý giận anh, nhưng rồi đến một ngày, thầy sẽ hiểu và thương anh hơn.
Tôi buông đũa xuống, thẫn thờ:
- Đến một ngày… nhưng… bao giờ?
Châu để tay lên vai tôi:
- Ngày đó sẽ đến, không lâu đâu Khanh.
- Nhưng em muốn biết chính xác.
Châu trầm ngâm:
- Trước cơn mưa, trời âm u nổi gió. Có thể bão sẽ đến, nhưng làm sao ta biết được chính xác thời điểm nào cơn lốc sẽ lên đến đỉnh cao?
Tôi cảm thấy tức giận:
- Khanh không thích anh nói nhăng nói cuội như thế.
Châu bất bình:
- Sao em lại nặng lời với anh vậy?
Tôi thấy mắt Châu long lên, ánh mắt đó không còn dành cho tôi nữa. Không thèm nhìn dĩa bánh vàng ươm vừa được đem đến, tôi đứng phắt dậy, chạy vụt ra ngoài. Sợ Châu đuổi theo, tôi đưa tay vẫy chiếc xích lô.
Ăn cơm xong, tôi qua nhà Đoan Trinh chơi. Ông Trầm, ba của Đoan Trinh đang ngồi hóng mát ngoài sân.
- Thưa bác.
- À, cháu Khanh, cháu thi đậu rồi phải không?
- Dạ chưa, mai cháu mới vào vấn đáp.
- Cháu giỏi quá, con Trinh nhà bác bị trượt vỏ chuối rồi.
- Không sao đâu bác, kỳ hai thế nào nó cũng đậu. Nó đâu rồi bác?
- Nó ở trong nhà, cháu vào đi.
Tôi thấy Đoan Trinh đang ngồi thêu dưới ánh điện sáng choang.
- Chà, công dung ngôn hạnh quá ta.
Đoan Trinh vứt khung thêu lên bàn:
- Chán quá, chẳng biết làm gì. Mình ra vườn chơi đi.
Hai đứa bắc ghế ngồi dưới tàng cây nhãn. Đoan Trinh hỏi:
- Anh Phong nói mày sắp thi vấn đáp phải không?
Tôi gật đầu:
- Sáng mai tao thi rồi.
- Sao mày không ở nhà gạo bài? - Nó cười - Chắc là mày đã thuộc lòng như cháo?
- Cũng thuộc sơ sơ thôi, nhưng tao muốn nghỉ ngơi tinh thần trong giây lát. Cả tuần nay nhức đầu quá.
Đoan Trinh chuyển hướng câu chuyện:
- Tao ghét con Minh Hiền lắm. Thứ đồ chó ngáp phải ruồi.
- Có chuyện gì vậy Trinh?
- Hôm thi nó ngồi cạnh mày, sao chép của mày từng dấu chấm phẩy, ai mà không biết. Vậy mà cứ vênh mặt lên khi thấy tụi tao thi rớt.
- Chắc là tụi bây hiểu lầm nó mà thôi. Tính nó vậy, lúc nào cái mặt cũng nhơn nhơn.
- Đồ lẳng lơ mất nết, học trò đi ưa thầy giáo…
Biết con nhỏ sắp trút mọi bực tức lên đầu lên cổ, tôi đứng dậy:
- Thôi, tao phải về ngủ sớm.
Đến cửa, chị Phương Lan báo tin:
- Tên Châu đến tìm em, ngồi đợi một lát mới về.
Tôi thao thức không ngủ được khi nhớ đến ánh mắt tức giận của Châu. Gần sáng, tôi mới chợp mắt thì chuông đồng hồ reo lên inh ỏi. Cả nhà cùng thức giấc với tôi. Ba hào hứng:
- Ráng nghe con. Con là người đầu tiên trong giòng họ lên được đại học.
Mẹ đem lên một dĩa xôi đậu bốc khói:
- Ăn đi con. Mẹ nấu rất nhiều đậu đó.
Ba nhìn mẹ âu yếm:
- Bà này thật, cái tật dị đoan nói hoài không bỏ.
Bách nhìn ra cửa:
- Chị Khanh ơi, anh Châu qua.
Chị Phương Lan liếc:
- Đeo còn hơn đỉa.
Không muốn đôi co với Châu trước cổng nhà, tôi đành lên xe cho anh chở. Châu đi rất chậm:
- Anh rất tiếc vì câu chuyện xảy ra hôm qua.
Tôi im lặng. Anh nói:
- Đừng giận anh, rồi đây em sẽ hiểu anh hơn.
Cứ rồi đây, rồi đây hoài, ai mà thèm đợi chờ những lời hứa hẹn suông ấy. Tôi tức tối nghĩ và nhất định không mở miệng.
- Em không nói chuyện với anh cũng được, nhưng đừng cáu giận. Sự bực mình sẽ làm cho em mất bình tĩnh khi thầy đặt câu hỏi.
Xe vừa đến cổng. Không trả lời trả vốn gì cả, tôi nhảy xuống xe đi một mạch vô trường. Minh Hiền đứng đợi tôi ngoài phòng thi, đưa tay vẫy:
- Thầy Vinh vào rồi, đang chuẩn bị gọi tụi mình. Tao hồi hộp quá.
Trống ngực tôi cũng bắt đầu đánh lô tô nhưng cố làm cứng:
- Mặc kệ, tới đâu hay tới đó.
Thầy Vinh bước ra:
- Phương Khanh vào trước, Minh Hiền chuẩn bị nhé.
Vì số sinh viên thi đậu quá ít, nên chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi thi xong hết bốn môn, những môn còn lại đã làm bút vấn từ hôm trước để kịp gửi vào Sài Gòn cho các giáo sư trong ấy chấm. Minh Hiền vỗ vào vai tôi:
- Phương Khanh, mày trả lời có trôi chảy không?
- Chảy ro ro.
- Hay quá, tao bao mày đi ăn cháo lòng Đồng Ý nghe.
- Mày chở tao đi, tao không có xe.
Tôi theo Minh Hiền ra nhà để xe. Châu đang chờ tôi ở đấy.
- Phương Khanh, em thi ra sao?
Không muốn Minh Hiền biết sự giận dỗi của mình, tôi gượng vui vẻ với Châu:
- Em nói được hết.
- Chúc mừng em.
Minh Hiền liến thoắng:
- Xin phép anh Châu cho em được bắt cóc Phương Khanh ngay bây giờ nhé.
Châu cười:
- Cho tôi tháp tùng với, được không?
- Không, em chiếm độc quyền nó.
Tôi nói với Châu:
- Anh khỏi đưa em về. Em đi chơi với Minh Hiền.
- Em đi vui vẻ. Chiều nay anh sẽ đến.
Nhưng Châu không đến, chiều hôm ấy và cả những ngày tiếp theo. Khải hốt hoảng nhờ anh Phong chở qua nhà tôi:
- Phương Khanh có biết hiện giờ Châu ở đâu không?
- Khanh không biết.
Tôi lo sợ thật sự khi hay tin Châu bỏ thi vấn đáp. Chỉ còn một chứng chỉ này thôi, Châu sẽ xong bằng Cử nhân. Vậy mãnh lực nào đã lôi cuốn Châu ra khỏi bước đường công danh? Sức mạnh đó còn lớn hơn cả tình yêu của tôi nữa! Tôi khóc trên vai anh Phong. Anh an ủi:
- Nín đi em. Có thể Châu đang bận một công chuyện gì đó. Rồi nó lại về thôi.
Một tháng trôi qua, tôi chìm vào nỗi buồn bã chán chường. Tin thi đậu không làm tôi mừng lắm, vì bên cạnh tôi không còn Châu để chia sẻ niềm vui. Hoài đến chúc mừng với một bó hoa hồng đỏ thắm nhưng trái tim tôi dường như đã đóng băng.
Tối hôm đó, tôi đi nằm sớm. Mẹ và chị Lan vẫn còn may ở nhà ngoài. Ba đi đâu về, hấp tấp dựng chiếc xe đạp vào tường, hỏi lớn:
- Thằng Bách, con Khanh đâu rồi?
- Con Khanh ngủ, còn thằng Bách đi chơi đâu đó.
Ba cuống lên:
- Phương Lan, đi tìm thằng Bách về, mau lên.
Chị Lan dạ rồi đi ngay. Mẹ hỏi nhỏ:
- Có chuyện gì thế ông?
Ba thì thầm:
- Nghe nói có rải truyền đơn ngoài phố. Tình hình nghiêm trọng lắm. Đêm nay giới nghiêm.
Chị Lan dẫn thằng Bách về. Miệng nó oang oang:
- Mẹ ơi, ngoài đường vui lắm, xe cảnh sát chạy rầm rầm.
Ba nạt:
- Câm ngay, rửa tay chân rồi đi ngủ, mau lên.
Chị Lan đẩy nó ra sau:
- Mày lười biếng quá, đi chơi suốt ngày, không học hành gì cả.
- Nghỉ hè mà học chi? Chị vô duyên quá.
- A, thằng này hỗn.
Mẹ la:
- Im đi, ba đang bực đấy.
Ba dục mẹ:
- Nghỉ sớm một bữa đi bà. Biểu con Lan coi lại cửa nẻo cẩn thận.
Chỉ một lát sau, ngôi nhà nhỏ của tôi chìm vào im lặng. Từ phòng bên, tiếng ngáy của ba vang lên nhè nhẹ, đều đều.
Tôi trăn trở thao thức, cố nghĩ đến một điều gì đó để thôi nhớ đến Châu. Hồi chiều, Minh Hiền sang chơi, nó đã lên án Châu thậm tệ. Nó bảo Châu điên cuồng, tự dưng lại bỏ thi. Thời buổi này ra đời mà không có mảnh bằng trong tay là kể như thua cuộc. Nếu yêu tôi thành thật, Châu đã nghĩ đến tương lai mình để bảo đảm cho cuộc sống của tôi sau này. Như vậy là Châu giả dối, Châu lợi dụng tình cảm của tôi. Tôi bênh Châu một cách yếu ớt:
- Tao đâu có gì để anh ấy lợi dụng. Chính anh ấy đã lo lắng cho tao rất nhiều trong chuyện học tập, thi cử.
Minh Hiền bĩu môi:
- Lo lắng cũng chẳng tốn đồng xu nào cả. Anh ấy làm giảng nghiệm viên, đầy đủ kinh nghiệm để làm nên những bộ sưu tầm đẹp. Không đem tặng mày thì cũng đem tặng cho một con nhỏ nào đó.
- Minh Hiền, đừng nghĩ xấu cho Châu. Châu chỉ yêu một mình tao.
Minh Hiền với tay lấy chiếc gương soi dí vào mặt tôi:
- Mày nhìn vào đây xem, thử coi trong trường Khoa Học, có ai đẹp bằng mày không. Châu chỉ mê nhan sắc của mày thôi, còn yêu à? Cái đó còn xét lại.
Có phải Châu chỉ yêu vẻ bề ngoài của tôi không? Có một lần Châu đã ví làn da tôi với màu hồng mịn của những cánh hoa bích đào. Nhưng rồi, Châu cũng khen tính tình hiền lành của tôi nữa. Đôi mắt của Châu rất thành thật, tôi tin Châu và cố quên đi những lời dèm pha của Minh Hiền.
Có tiếng chó sủa râm ran, rồi òa vỡ inh ỏi. Hình như tất cả chó trong xóm tôi cùng cất tiếng một lần. Sau vườn, lao xao những bước chân dẫm trên lá khô lạ lẫm. Mẹ đã thức giấc. Không bật đèn, bà mò mẫm sang phòng tôi đánh thức chị Lan:
- Lan, con đã khóa cổng ngoài chưa?
Chị Lan thì thào:
- Rồi, nhưng ăn thua chi. Rào vườn mình con nít nhảy qua cũng được.
Sự náo nhiệt kéo dài cả tiếng đồng hồ, nhưng rất may, không có ai gõ cửa nhà tôi. Rồi đêm cũng qua. Mẹ gọi chị Lan dậy may cho xong đống quần áo để kịp giao hàng. Ba đã đi làm. Thằng Bách lấy tiền ra sau xóm mua xôi ăn sáng cho cả nhà bỗng biến đâu mất hút. Chị Lan nói:
- Phải đánh thằng khỉ này một trận mới được, có đi chơi cũng phải đem đồ ăn về đã chớ.
Mẹ vừa đơm nút vừa nói:
- Con Khanh ra bài cho nó làm đi, xong xuôi mới cho đi chơi.
Tôi đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài:
- Con đâu biết ra bài chi.
Mẹ buông chiếc áo, trợn mắt:
- Trời Phật, đậu bằng Đại học rồi mà ăn nói vậy nghe được không?
Chị Lan góp ý:
- Năm nay thằng Bách lên Đệ ngũ thì cứ mua sách toán lớp đó, dạy cho nó rồi ra bài tập áp dụng, em làm được chứ, Phương Khanh?
- Thằng đó lì lắm, nó đâu có sợ em. Kìa, quỉ sứ đã về.
Thằng Bách chạy ù vào, quăng mấy gói xôi bọc lá chuối lên bàn, thở hổn hển:
- Mẹ ơi, bác… bác Trầm… bị bắt rồi.
Tôi bước đến tát nhẹ vào mặt nó:
- Cái miệng ăn mắm ăn muối, nói tầm bậy.
- Thiệt mà. Bác bị bắt hồi khuya, bác gái và chị Đoan Trinh khóc sưng cả mắt.
Mẹ nhìn tôi. Tôi đi ra sau lấy cái nón:
- Con sang nhà Đoan Trinh hỏi thăm xem sao.
Mẹ lại nhìn chị Lan. Chị bước tới, giật cái nón treo lại lên tường, giọng chị đanh lại:
- Lúc này, em không nên qua đó.
- Đoan Trinh là bạn của em mà.
- Bởi vậy, em lại càng không nên qua. Đúng như lời chị Diệu Hạnh nói, gia đình nó thân Cọng lắm.
Tôi bướng bỉnh:
- Bộ chị sợ liên lụy à?
Mẹ lên tiếng:
- Sao lại không sợ. Thiệt mẹ chưa thấy ai ngu như con. Anh con là lính Quốc gia, ba con là công chức Nhà nước, bộ con muốn người ta đập bể nồi gạo nhà mình sao?
Tôi ngồi xuống ghế, lòng hoang mang cực độ. Tại sao ba Đoan Trinh bị bắt? Ông đã gây nên những việc tầy đình gì? Tôi không tin, một ông già ốm yếu đã nghỉ hưu lại có khả năng làm những chuyện phạm pháp. Tôi năn nỉ:
- Mẹ cho con sang nhà Đoan Trinh, chỉ năm phút thôi.
- Một phút cũng không được. Vào lấy kim đơm nút mớ áo này cho mẹ. - Mẹ nhìn Bách - Còn con nữa, con không được ra khỏi nhà.
Buổi trưa, chờ mẹ ngủ, tôi len lén băng vườn sau qua nhà Đoan Trinh nhưng không gặp nó, hai cánh cửa gỗ đóng chặt bằng một ổ khóa to.
***
Một tháng trôi qua, ông Trầm vẫn chưa được thả về. Ngày nào bà Trầm cũng ra chùa Diệu Đế cầu an cho ông. Đoan Trinh không biết ba mình bị giam ở đâu nên buồn lắm. Điều làm nó buồn nhất là thái độ của gia đình người yêu. Sau ngày ông Trầm bị bắt, chị Diệu Hương và Diệu Hạnh cấm anh Phong liên hệ với Đoan Trinh. Anh Phong phản đối kịch liệt, nhưng không thể thắng được áp lực của gia đình. Anh chỉ còn biết cầu cứu với cô Sâm, nhưng cô cũng đành chịu. Cô bảo, ăn theo thuở, ở theo thì. Đành rằng anh Trí đứng về phía bên kia, nhưng đó là chuyện từ đời nảo đời nao, giờ không biết anh đang ở đâu, mà vợ con chẳng chịu nhìn, anh em không buồn ngó, sá gì bà mẹ già này. Cô nói rồi cô khóc, Trí ơi, con quên mẹ rồi sao? Bây giờ, cô đang sống khá giả với nghề làm bánh mứt cùng hai người con gái. Cô không ghét bỏ gì Đoan Trinh, nhưng cô không muốn vì anh Phong mà gia đình cô gặp rắc rối.
Sức mạnh của tình yêu quả vô cùng mãnh liệt! Bất chấp dư luận, bất chấp sự cản ngăn, anh Phong vẫn đến với Đoan Trinh, đưa nó đi chơi đây đó và giúp tay mẹ nó mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà để bà đắp đổi qua ngày. Thật ra, sự lo ngại của hai chị Diệu Hương, Diệu Hạnh cũng hơi quá đáng. Sau khi ông Trầm bị bắt, hàng xóm vẫn đối xử bình thường với mẹ con Đoan Trinh. Ban đầu, ba mẹ cũng khuyên tôi nên bớt sang nhà Đoan Trinh, dần dần, lời khuyên không còn tác dụng nữa, chúng tôi lại tiếp tục chơi thân như cũ. Tôi thường an ủi Đoan Trinh:
- Rồi mọi việc sẽ qua mà thôi. Cô Sâm tao sẽ nghĩ lại, ba mày sẽ về, và mày thế nào cũng thành… chị dâu của tao.
Đoan Trinh nắm tay tôi:
- Và… Châu cũng sẽ ở bên mày mãi mãi.
Tôi xụ mặt:
- Đừng nói chuyện viễn tưởng nữa. Anh ấy quên tao rồi.
- Làm sao quên được nàng Phương Khanh xinh đẹp, cứ tin tao đi.
Tôi không tin Đoan Trinh, và cũng không nhớ đến lời nó nữa. Nhưng sau đó một tuần, vào một đêm không trăng, tôi ra vườn cài lại cổng rào, thì có tiếng kêu khẽ:
- Phương Khanh.
Giọng của Châu. Tôi buông rơi ổ khóa xuống đất, đứng sững nhìn anh, tay chân tê liệt. Châu cúi xuống lượm ổ khóa móc lên một cành cây thấp rồi đứng sát vào tôi. Anh trân trọng nâng đôi bàn tay tôi lên ngực anh về phía trái tim, rồi hôn say mê vào mái tóc bù rối của tôi. Nụ hôn lướt xuống trán, xuống mũi rồi đậu ở vành môi. Tôi lả người vào lòng Châu và tan biến vào không gian tĩnh lặng. Nỗi tủi thân cay xé lòng tôi. Tôi khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc, và Châu uống hết những giọt nước buồn phiền nhòa nhạt mắt môi tôi.
- Khanh ơi, đã ba đêm rồi anh đến đây để được trông thấy em. Nhưng em biến đâu mất tăm, chỉ có chị Lan ra khóa cổng. Anh không dám gọi, anh biết chị ấy rất có thành kiến với anh.
- Sao anh không ghé nhà chơi? Sáng nào em cũng ở nhà cả.
- Anh bận lắm.
- Tại sao anh lại bỏ thi?
- Bây giờ không phải là lúc nói chuyện đó. Phương Khanh, nghe anh bảo, chúng ta sắp sửa phải xa nhau một thời gian.
- Thì gần hai tháng nay, mình đã xa nhau rồi.
Châu siết chặt tôi vào lòng:
- Vấn đề không phải hai tháng hay hai năm…
Tôi vùng khỏi tay anh:
- Khanh không hiểu gì cả. Anh đừng có úp mở nữa.
- Sau này, em sẽ hiểu.
Tôi bỗng tức đến nghẹn lời. Nếu muốn xa tôi, sao Châu không bỏ đi luôn, còn ghé tìm tôi làm gì nữa. Giọng Châu trở nên thiết tha:
- Phương Khanh, anh không còn thì giờ nữa, đừng gay gắt với anh. Hãy cho anh nắm đôi bàn tay em lần cuối.
Tôi đứng im, mặc cho Châu mân mê những ngón tay tôi đang run rẩy.
- Phương Khanh, anh yêu em xiết bao!
Tôi khóc:
- Em không tin. Yêu em sao anh lại bỏ em?
- Không bao giờ anh bỏ em cả. Ước vọng của anh là được sống suốt đời bên em, nhưng không phải là bây giờ. Phương Khanh, em đợi anh nhé.
Dưới ánh đèn đường mờ nhạt, tôi thoáng thấy đôi mắt Châu rưng rưng. Bao nhiêu giận hờn trong lòng tôi chợt tan biến, tôi gật đầu mà không hề thắc mắc là mình phải chờ đợi đến bao lâu. Châu thở một hơi dài nhẹ nhõm:
- Cám ơn em đã cho anh một lời hứa.
Anh kéo tôi vào lòng. Lần này, nụ hôn trở nên vội vàng, cuống quít. Tôi ngộp thở dưới làn môi anh.
- Hãy chờ anh.
Châu biến vào bóng đêm. Tôi bàng hoàng bên chiếc cổng rào còn bỏ ngỏ, ánh đèn mờ hiu hắt lên vai.
Đọc tiếp
Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7 |