Búp Bê ơi!
- phần 3-
- TMT-
Hôm nay dì Ba xin phép nghỉ vài ngày để về quê đám giỗ , cả năm dì ít khi nghỉ trừ mấy ngày Tết nên mẹ tôi đồng ý ngay . Nhưng khi dì Ba đi rồi thì mẹ tôi chẳng biết thu xếp sao vì mẹ tôi bận rộn với cửa hàng mua bán suốt ngày đến tối mới về , chẳng biết ai lo cơm nước cho tôi . Cuối cùng mẹ tôi quyết định gởi tôi sang nhà Hiền ban ngày cho đến tối khi mẹ tôi về thì tôi mới về nhà . Mẹ thuyết phục tôi :
- Như vậy mẹ mới yên tâm , chớ bỏ nhà cửa như vầy giao cho con mẹ lo lắm .
Tôi thích chí :
- Con ở bên nhà Hiền ăn cơm luôn hả mẹ .
Mẹ tôi gật đầu :
- Để mẹ qua nói với ba mẹ Hiền một tiếng .
Chuyện đó chẳng có gì khó khăn vì hai nhà là hàng xóm và chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ . Mẹ tôi dặn kỹ càng :
- Con qua nhà Hiền phải giữ ý tứ cẩn thận đừng để bị la rầy nghe con .
Tôi vô tư :
- Con qua nhà nó chơi hòai mẹ đừng lo chi hết .
Vậy là tôi đem sách vở , đồ đi học sang nhà Hiền để sẵn , tôi với nó cùng học buổi chiều nên chúng tôi chuẩn bị bài vở vào buổi sáng . Nhà của Hiền thật thích , ba Hiền là công chức , mẹ Hiền là giáo viên , gia đình thật nề nếp đâu đó ngăn nắp sạch sẽ . Buổi trưa cũng như buổi chiều cả gia đình ngồi quây quần ăn cơm với nhau thật vui vẻ đầm ấm , tôi chợt nghĩ đến gia đình bé nhỏ của tôi , chỉ có mẹ tôi và tôi nhưng ít có khi nào được ăn cơm chung thường thì tôi ăn trước với dì Ba , còn mẹ tôi đến chiều tối mới về , có lúc tôi cũng muốn đợi mẹ tôi về ăn cơm cho vui nhưng mẹ tôi chẳng bao giờ về đúng giờ mà cái bao tử của tôi thì như cái đồng hồ luôn réo gọi đúng giờ giấc . Tôi thầm so sánh và tôi cảm thấy một nổi buồn khó tả , có lẽ khi không có chúng ta thường ước mơ , và tôi luôn mơ một mái ấm gia đình trong đó có ba có mẹ có anh chị em chớ không đơn độc như tôi hiện giờ , tôi ăn cơm và nuốt nổi nghẹn ngào xuống đáy lòng mình không để cho ai biết vì ai nấy cũng đều yêu mến tôi , ba mẹ Hiền luôn dục tôi ăn thêm , còn anh Hòang thì gắp thức ăn vào đầy chén của tôi . Tôi cười với cặp mắt long lanh ngấn nước , dường như chỉ có anh Hòang đóan ra anh tinh ý lắm và suốt buổi ăn cơm anh luôn pha trò để tôi quên đi những ý nghĩ vừa chợt đến trong đầu.
Sau giờ ăn cơm trưa thì chúng tôi chuẩn bị đi học , cái nắng buổi trưa thật khó chịu làm sao , anh Hòang chở Hiền đi trước , trường nó xa hơn trường tôi một chút , nhìn nó ngồi sau lưng anh Hòang gò lưng chạy bon bon trên đường thật là thích .
Tôi đưa mấy cuốn tập lên che nắng , tôi vẫn thường làm thế khi đi học giữa buổi trưa ,đi có chút xíu mà làm gì phải đội nón . Anh Hòang đang quay xe lại , anh dục tôi :
- Lên xe anh chở đi , nắng quá .
Tôi ngại ngần :
- Rồi anh bị trễ học cho coi .
Anh Hòang cười :
- Làm sao trễ được , anh canh giờ rồi mà .
Ngồi sau lưng anh tôi chợt nghĩ ra hồi nãy anh hối hai đưa đi cho sớm , té ra anh cũng tính đến chuyện chở tôi đi học . Tôi thật vui vì cảm giác mình được cưng không thua gì nhỏ Hiền .Anh Hòang quay đầu lại hỏi tôi :
- Em có còn chơi búp bê không ?
Đã lâu lắm từ ngày sinh nhật tôi anh mới có cơ hội hỏi đến chuyện búp bê , tôi như có người tâm sự nên kể lể đủ điều : nào là tôi để nó ở bàn học , mỗi ngày tôi nói chuyện với nó bao nhiêu lần , nào là nó nằm cạnh tôi như một thiên thần bé nhỏ mỗi khi đi ngủ , nào là tôi đã may cho nó thêm nhiều cái áo đầm mới .... Tôi say mê kể và anh Hòang yên lặng chẳng nói gì , chỉ khi gần đến trường thả tôi xuống , tôi mới nhìn thấy anh đang cười , anh nói :
- Anh ước được như con búp bê của em !
- Chi vậy ?
- Thì ...... để được nghe em nói chuyện hòai không chán .
Nói xong anh đạp xe lao vút đi , để lại trong tôi một cảm giác mơ hồ không tả được ...
Năm tôi chuẩn bị lên lớp 9 thì anh Hòang thi Tú Tài , anh học ngày học đêm , tôi và Hiền thường chơi với nhau vào những ngày cuối tuần vì mùa hè hai đứa phải đi học thêm và hơn nữa anh Hòang bận học bài thi nên chẳng còn thời gian đâu mà chăm sóc cho các cô em gái nhỏ chúng tôi . Tôi vẫn để con búp bê lên kệ sách vở và vẫn thủ thỉ chuyện trò với nó , nó đã chia sẽ với tôi bao buồn vui và cùng tôi lớn lên từng ngày .
Anh Hòang thi trượt Tú Tài rồi , mẹ tôi chép miệng “ học tài thi phận “ anh Hòang học giỏi , siêng năng từ nhỏ vậy mà đến khi dự kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời thì lại trượt . Tôi cũng đau khổ không kém anh , nhìn anh như người mất hồn , thờ thẩn ở góc sân tôi thấy thật thương cảm nhưng chẳng biết làm gì , rồi tôi thấy mẹ tôi sang nhà mẹ anh Hòang , hai bà chụm đầu nhau tâm sự . Rồi chuyện gì đến phải đến , thi trượt thì phải nhập ngũ , anh Hòang từ giả chuyện học hành để đi vào con đường binh nghiệp , tôi cùng Hiền tiễn anh đi và như thế tuổi thơ hồn nhiên của tôi đã biết thế nào là nước mắt của chia tay .
Tôi vào lớp 9 , bắt đầu mặc áo dài đi học và tất cả chúng tôi cũng cảm thấy mình đã lớn hẳn lên , chúng tôi chỉ chụm đầu chuyện trò chứ không còn chơi những trò chơi như hồi nhỏ nữa , thỉnh thỏang tôi cũng sang nhà Hiền , hai đứa hỏi bài nhau hoặc đọc thư của anh Hòang . Anh thật may mắn , nhờ đàn hay nên được vào ban văn nghệ không phải cầm súng ra chiến trường , anh viết thư tả nhiều chuyện và hứa khi về phép sẽ dẫn chúng tôi đi ăn kem .
Năm nay tôi cảm thấy mình lớn nhanh hơn mọi năm , cứ nhìn tôi so với Hiền thì biết , ban đầu nó cao hơn tôi nhưng qua một cái Tết tôi đã vượt khỏi nó cả tấc .Nó hay vặn vẹo tôi :
- Bộ mi uống sữa voi hả , sao mau lớn quá vậy ?
Tôi chống chế :
- Tầm bậy , tau chỉ cao thôi chớ đâu có to như con voi đâu mà mi nói gì dễ sợ vậy .
Hiền cười :
- Thì tau nói giỡn vậy mà , chắc mi còn cao nhiều nữa cho coi .
Hiền nói đúng , tuổi ăn tuổi lớn như tôi thật mau thay đổi , đến nổi mẹ tôi nhắc :
- Bé Ngân à, lớn rồi đừng có chơi ngòai sân như còn nhỏ nghe con .
Cái điệp khúc “ lớn rồi , ... " làm cho tôi chẳng còn tự nhiên để bày trò chơi với Hiền như trước , chúng tôi chơi những trò chơi rất nhẹ nhàng như hái hoa kết thành chuỗi , hoặc giải đáp ô chữ , hoặc may vá thêu thùa , thỉnh thỏang lại chuyền cho nhau coi những cuốn Tuổi hoa tím viết cho tuổi mới lớn . Tuy nhiên tôi vẫn còn chơi búp bê y như mấy năm về trước , nó là quà tặng của anh Hòang , là người bạn luôn sát cánh bên tôi trong những lúc cô độc . Tôi mong ước tuổi thơ vẫn mãi mãi còn đọng lại trong ký ức của mỗi một chúng tôi . . .
- đọc tiếp -