Truyện dài - Thùy An

Để nhớ mãi một thời áo trắng
Thùy An - cựu giáo sư PTGĐN

 

CHƯƠNG TÁM


Không ngờ, anh Khánh là một tên lưu manh. Ba ngày, rồi bốn ngày, năm ngày… chẳng thấy cái xe Quân Tiếp Vụ chở gạo của anh ta đâu. Bà Thị dẫn mấy bà bạn già vào nhà tôi hỏi thăm mãi làm mẹ muốn điên theo. Anh Tùng đã ra đi từ chiều hôm ấy nên mẹ chẳng biết níu vào ai, suốt ngày chỉ lo cuống cuồng. Ba nói nhẹ một câu: “Bà dễ tin người quá”, rồi đạp xe lên Quân Tiếp Vụ hỏi thăm tên Khánh. Đúng là Khánh có làm việc ở đó nhưng người ta cho biết anh ta đào nhiệm đã hai tháng nay vì thâm lạm công quỹ.

Ba đoán, chính Khánh là bạn học của anh Tùng nhưng từ đó đến giờ mới gặp lại nhau. Ngày ấy Khánh thiệt thà, nhưng biết đâu sau này, chông gai trên đường đời đã biến anh ta thành kẻ bất lương. Ba viết một lá thư mắng anh Tùng rồi ra nhà bà Thị chịu tội:
- Con dại cái mang, xin dì và các bác để từ từ, cháu sẽ hoàn số tiền lại.

Bà Thị khoát tay:
- Thôi, mấy người kia cũng đóng nhưng không bao nhiêu tiền. Chỉ có dì là mua nhiều thôi. Nay của đi thay người, cho nó qua vận xui càng tốt, không lẽ dì lại bắt đền cháu.

- Dì đã nói vậy thì cháu cám ơn dì. Để thằng Tùng về phép, cháu nhất định bắt nó phải tìm cho ra tên Khánh.

Sau khi chiếc cầu nổi bắc ngang sông Hương vừa làm xong, Minh Hiền đạp xe qua nhà tôi. Chưa tới cổng, nó đã ré lên:
- Phương Khanh ơi, mày còn sống không?

Tôi mừng muốn khóc khi gặp lại con bạn chanh chua. Thật lạ, trông nó trắng trẻo mập mạp ra. Mấy hôm nay, trời tạnh ráo, nắng sớm vàng tươi sưởi ấm ngôi vườn. Hai đứa dắt ghế ra hàng hiên ngồi nói chuyên. Minh Hiền cầm tay áo đang mặc, kéo ra:
- Phương Khanh ơi, tao mập ú, áo quần chật hết rồi.

- Mập càng đẹp, có gì mà lo.

- Tao gần bằng mụ Liếc rồi.

- Bộ Tết này mày ăn nhiều lắm hở?

- Ừ, không đi đâu được, nên bao nhiêu mứt bánh một mình tao chén hết. Nè Phương Khanh, nhà mày sao hư hết vậy? Trúng pháo kích hả? Có ai bị gì không?

- Mẹ tao bị thương, nhà tao dọn ra ngoài Gia Hội…

Tôi kể tất cả cho Minh Hiền nghe, từ giây phút Đoan Trinh ghé lại nhà, rồi Châu đến, tôi yêu anh nhưng không thể hiểu được anh… nước mắt tôi ứa theo những lời tâm sự, lòng tôi nhẹ dần. Minh Hiền nắm tay tôi:
- Đừng buồn nữa Phương Khanh à. Chúng ta còn bao nhiêu chuyện phải làm. Ngày mai mình cùng qua trường xem thông báo nghe.

- Minh Hiền, mày không hỏi gì đến Đoan Trinh sao? Nhà nó đã bị niêm phong, ông Trầm cũng biến mất.

Minh Hiền thở dài:
- Tao chưa kể cho mày nghe, con Thu Tâm cũng đi mất rồi, mẹ nó khóc hết nước mắt.

Tim tôi đập mạnh, người tôi run lên, tôi lắp bắp:
- Nó… nó theo con Đoan Trinh à?

Minh Hiền cười nhạt:
- Đoan Trinh gì chớ. Nó đi theo tiếng gọi của con tim thì đúng hơn.

- …

Minh Hiền nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Mày ngây thơ quá. Mày có biết là Thu Tâm yêu Châu ghê lắm không?

- Tao biết, nhưng đó là tình yêu đơn phương.

- Trước khi đi nó có qua nhà tao chơi. Nó nói xa nói gần, nói về một thứ hạnh phúc mơ hồ nào đó mà mày đã đánh rơi. Nó nói Phương Khanh quá khờ dại, có hạnh phúc trong tay mà không biết giữ gìn.

Tôi xót xa:
- Tao đã cố giữ nhưng không được, bàn tay tao nhỏ bé quá, tâm hồn tao ủy mị quá…Thôi, Minh Hiền à, tình yêu ấy đã như bóng mây theo gió bay đi. Thu Tâm nói sai rồi, hạnh phúc của tao đâu phải chỉ mình Châu. Chung quanh tao, còn biết bao nhiêu người thương yêu tao nữa, tao đành lòng sao?

Minh Hiền nói qua chuyện khác:
- Mày đã lên phố xem cầu Tràng Tiền gãy chưa?

- Chưa, tao chỉ vô thành nội thăm cô tao thôi - Tôi ứa nước mắt - Chị Diệu Hương tao mất rồi mày có biết không?
Minh Hiền giật mình:
- Trời ơi, chị bị bao giờ? Tao muốn đi thắp nhang cho chị ấy.

- Ừ, lát nữa mình cùng đi.

- Đúng là hồng nhan bạc mệnh. Còn anh Phong của mày thì sao? Ảnh nghĩ gì khi Đoan Trinh của anh bắt chước Châu của mày?

- Ảnh nghĩ lung tung, ảnh đòi lên núi Ngự Bình tìm nó, lên đài Phát Thanh nhắn tin nó, lên đài Truyền Hình chiêu hồi nó… nói chung là anh ấy đang nổi điên.

Minh Hiền nhìn ra cổng:
- Ôi, người điên đã tới.

Anh Phong đi vào sân. Trông anh khá tâm thần, tóc tai rối bù, áo quần xốc xếch, hai tay buông thõng đánh nhịp theo bước chân lững thững. Minh Hiền nhanh nhẩu:
- Em xin chào anh Phong.

Anh Phong đưa cao bàn tay:
- Minh Hiền, Phương Khanh, chào hai người đẹp của thành phố Huế cổ kính u buồn.

Đúng là ngôn ngữ của người không bình thường. Tôi bỗng hoảng sợ:
- Anh Phong, anh nói gì lung tung vậy. Bình tĩnh đi nào.

Bất ngờ, anh chụp bàn tay tôi siết mạnh:
- Phương Khanh, nếu bỗng nhiên em mất đi một vật quí giá nhất trong đời, em sẽ làm gì? Em sẽ xử sự ra sao?
Anh làm tôi đau điếng. Tôi tức giận hét lên:

- Con Đoan Trinh không phải là vật quí giá…

Anh dí mặt sát vào tôi:
- Tình yêu chân chính là một viên ngọc quí. Em ngốc lắm, em không biết yêu, em là hoa không hương, em là hoa thược dược.

- Hoa chi cũng được, anh im đi.

Anh Phong nhún vai, quay lưng đi về phía sau vườn. Tôi chạy theo:
- Anh Phong, anh đi đâu vậy?

- Anh qua nhà Đoan Trinh.

- Nó đi mất rồi.

- Còn chứ. Còn vườn, còn nhà của Đoan Trinh, anh muốn thở bầu không khí mà Đoan Trinh đã thở.

Tôi nắm tay anh kéo lại:
- Nhưng nhà của nó đã bị niêm phong, cảnh sát đang theo dõi ngày đêm, anh muốn vô tù hả?

Anh Phong lắc đầu:
- Ngu sao muốn.

Anh trở vào nhà tôi, ngồi im lìm trên ghế. Minh Hiền chào từ giã anh cũng chẳng buồn ngó. Tôi muốn nói: “Đồ hèn nhát”, nhưng không dám mở lời. Trường hợp tôi cũng giống như anh, chỉ khác là tôi đã thản nhiên trước sự ra đi của Châu. Anh Phong hèn nhát hay là tôi không biết yêu? Tôi thua xa Thu Tâm. Thu Tâm yêu Châu âm thầm dù Châu chỉ xem nó như người em gái. Khi biết Châu yêu tôi, Thu Tâm đã lặng lẽ rút lui và luôn cầu chúc tôi gặp nhiều hạnh phúc. Hạnh phúc tôi mong manh như làn mây xám, đã theo Châu bay về phương trời xa thẳm. Phải chăng giờ này Thu Tâm đang đi tìm bóng hạnh phúc đó?

Nỗi đau của anh Phong tưởng chừng theo tháng ngày gặm nhấm trái tim anh, xoáy mòn tâm thức anh, quặn thắt lòng dạ anh… Hơn hai mươi ngày anh bần thần như kẻ mất vía, ngớ nga ngớ ngẩn. Đích thân thầy Vinh sang nhà gọi anh đi làm, anh cũng chả thèm ừ hử. Cô Sâm bỏ bê việc buôn bán, suốt ngày đi chùa cúng vái, cầu xin đấng khuất mày khuất mặt trả lại linh hồn cho anh. Cô thường khóc trước bàn thờ dượng và chị Diệu Hương:
- Ông ơi, hãy thương con. Diệu Hương ơi, con sống khôn thác thiêng, hãy phù hộ cho em con cân bằng lại tinh thần. Anh Trí con không về nữa, mẹ chỉ còn mỗi mình em Phong nối dõi tông đường, thương lấy em, thương lấy mẹ con ơi.

Anh Phong bình phục thật bất ngờ. Buổi chiều hôm đó, tôi và Minh Hiền từ phòng Vật lý đi ra, chợt nghe tiếng gọi tên tôi. Anh Phong đứng nơi cửa phòng Thực vật mặt mày tươi rói. Tôi chạy đến bên anh:
- Anh Phong, anh mới đi làm hả? Anh hết bệnh rồi hả?

- Bệnh gì?

- Bệnh tương tư.

Minh Hiền che miệng cười. Anh Phong đỏ mặt:
- Thôi đừng nói tào lao nữa. Hai cô bé hết giờ chưa? Đói bụng chưa? Anh bao đi ăn nhé?

Tôi vỗ tay reo. Minh Hiền gật đầu tán thành. Nét mặt anh Phong tươi lên.

Trong quán bánh bèo Vỹ Dạ, anh Phong nhìn chúng tôi:
- Dưới mắt hai em, trông anh lố bịch lắm phải không?

Tôi cười:
- Lố bịch gì chứ. Thấy anh tươi tỉnh lại, em rất mừng.

Anh Phong chống tay lên bàn, nhìn Minh Hiền:
- Minh Hiền, em là bạn của Phương Khanh và… cả Đoan Trinh nữa, em có thể cho anh một lời khuyên, được không?

Minh Hiền bối rối:
- Em… em đâu dám. Khuyên như thế nào ạ?

- Anh… anh có nên… quên Đoan Trinh không?

Ngẫm nghĩ một lát, Minh Hiền nói:
- Nếu anh vẫn yêu Đoan Trinh, tại sao anh lại muốn quên nó? Theo em nghĩ, anh không nên vì nó mà buông xuôi tất cả. Hãy sống vui với công việc và nhớ đến Đoan Trinh, biết đâu một ngày nào đó, nó sẽ trở về với anh.
Anh Phong lắc đầu:

- Ngày đó chỉ có trong ảo tưởng mà thôi. Anh như vừa trải qua một giấc mộng dài, đến khi bừng tỉnh, anh thấy mình không còn gì cả.

Tôi để tay lên bàn tay anh:
- Anh mất Đoan Trinh cũng như em đã mất Châu. Nhưng chung quanh chúng ta còn có bao nhiêu là người thân, đừng để cho họ lo lắng vì nỗi buồn của chúng ta, anh Phong đồng ý không?

Anh Phong siết tay tôi:
- Cám ơn Phương Khanh, cám ơn Minh Hiền đã cho anh những lời khuyên đẹp, anh hứa sẽ sống xứng đáng với lòng yêu thương của mọi người, xứng đáng với sự quan tâm của hai em.

 

*****


Sau gần một tháng tâm thần bất định, anh Phong đã vui vẻ trở lại và làm việc một cách hăng say. Hình như anh đã quên hẳn Đoan Trinh, anh thường rủ tôi qua nhà Minh Hiền chơi. Sau đó là những cuộc du ngoạn tay ba, rừng Thiên An, đồi Vọng Cảnh, Ngự Bình, Nam Giao… Càng đi, cảnh vật nên thơ càng khơi niềm nhớ. Tôi nhớ Châu quay quắt, nhớ ánh mắt đam mê, nụ cười đôn hậu, giọng hát ngày nào đưa tôi vào giấc mơ êm ái: “Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng, mắt xanh lả bóng dừa hoang dại, âu yếm nhìn tôi không nói năng…”

Cô Sâm rất mừng khi thấy anh Phong đã hoàn toàn tỉnh trí. Chị Diệu Hạnh càng mừng hơn khi không còn nghe anh nhắc đến Đoan Trinh nữa. Hôm anh Phong đưa Minh Hiền và tôi về nhà chơi, chị rất vui. Chị nhất định níu Minh Hiền ở lại ăn cơm trưa để thưởng thức món vịt nấu ngũ sắc đặc biệt của chị. Sau đó, chị bí mật rỉ tai tôi: “Phương Khanh gắng làm mai Minh Hiền cho anh Phong nhé, con nhỏ rất khôn ngoan, cô thích lắm.”
Tôi không có ý định trở thành bà mối, nhưng những lần đi chơi với anh Phong và Minh Hiền, tôi cảm thấy không vui. Không gian nào chúng tôi đến cũng đầy ắp những kỷ niệm của Châu. Hình ảnh của Châu chập chờn khắp nơi, trên phiến lá, trong nụ hoa, giữa đám mây bồng bềnh phiêu lãng… Cho nên, tôi đã tự động rút lui, mặc cho Minh Hiền và anh Phong xích lại gần nhau hơn.

Tôi nhủ lòng sẽ quên Châu, nhưng sao hình ảnh anh cứ vương vấn mãi hoài trong tâm trí. Càng yêu anh, tôi càng hờn ghen với Thu Tâm. Tôi còn nhớ, cách đây không lâu, Minh Hiền đã cảnh giác tôi, hãy coi chừng, Thu Tâm sẽ giằng Châu ra khỏi tay tôi bất cứ lúc nào thuận tiện. Và bây giờ Thu Tâm đã có cơ hội thắng tôi. Biết bao đêm tôi thao thức không ngủ được, nghe tiếng súng xa vọng về, tôi hướng tâm hồn theo bước Châu đi. Hiện giờ, Châu đang ở đâu? Chốn đồng bằng hay vùng núi non hiểm trở? Hoặc có thể, Châu đang ở ngay trong thành phố này. Nhưng anh đã ẩn mặt, anh không muốn gặp tôi nữa, anh đã hết yêu tôi. Nghĩ đến đây, tôi thường khóc, và ý nghĩ đó không đến với tôi chỉ một lần. Nước mắt tôi rơi hoài lên những trang vở học, làm mụ mẫm đầu óc, xanh xao hình hài và phai tàn nhan sắc tôi. Kết quả phũ phàng nhất là tôi không qua nổi kỳ thi viết. Tôi rớt. Đối với tôi, không oan uổng chút nào. Nhưng đối với mọi người, nhất là các thầy cô, đó là một hiện tượng bất thường, vì tôi vừa được đề nghị nhận học bổng của Công Ty Esso dành cho sinh viên xuất sắc. Chỉ có anh Phong và Minh Hiền hiểu tôi. Nhờ hai người an ủi, động viên, giúp đỡ tôi với tình thương yêu vô bờ bến, tôi đã đứng dậy được sau lần vấp ngã tuyệt vọng ấy. Tôi lao đầu vào sách vở, quên Châu đi, quên Châu đi, một mình tôi đi trên con đường của tôi.
Hoài vẫn đến với tôi. Lúc này, tôi không còn từ chối những lời mời của anh nữa. Tôi đi chơi cùng anh để chứng tỏ với mọi người rằng tôi không hề cô đơn, tôi đang nhìn thẳng về phía trước, dù từ đây, trên bước đường tương lai tôi, vắng hẳn bóng Châu. Hoài yêu tôi chân thành, anh săn sóc tôi từng ly từng tí, từ viên kẹo sinh tố cho đến hộp thuốc bổ, tôi chấp nhận anh như một bóng mát chở che để nguôi cơn khát đói. Hoài không thể thay thế được Châu trong trái tim tôi.

Tôi thi đậu kỳ hai và tiếp tục bước đi trên con đường học vấn buồn bã, đơn điệu. Tôi luôn có cảm giác bơ vơ, hụt hẫng, và nếu không có bàn tay nâng đỡ của bạn bè chung quanh, có lẽ tôi đã bỏ cuộc. Từ một sinh viên giỏi, chật vật lắm, tôi mới qua nổi năm thứ ba và năm cuối. Tôi ra trường với thứ hạng thấp hơn Minh Hiền, nhưng chừng đó cũng đủ làm cho ba mẹ vui. Cô Sâm lại càng vui hơn khi Minh Hiền bằng lòng về “nâng khăn sửa túi” cho anh Phong. Cô thường khoe với ba mẹ:
- Con nhỏ này khôn ngoan hơn con nhỏ kia nhiều.

“Con nhỏ kia” chính là Đoan Trinh. Kể từ buổi tối mồng hai Tết năm ấy, tôi không còn gặp lại Đoan Trinh nữa, nhưng tôi vẫn nhớ như in gương mặt xa lạ của nó trong bộ quần áo màu đen. Đoan Trinh ơi, mày phụ anh Phong hay anh đã phụ mày? Vậy là trong bộ tứ chúng ta, Minh Hiền là người đầu tiên cất bước sang ngang. Nhìn anh Phong tíu tít chạy đi lo lễ vật, xe cưới… Tôi thầm hỏi, không biết anh đã quên Đoan Trinh thật chưa?

Tôi muốn tránh xa thành phố này. Mái trường, góc phố, những con đường phượng bay tràn đầy kỷ niệm… để đến một không gian hoàn toàn không gợi cho tôi niềm nhớ nhung nào. Tôi xin đổi vào Đà Nẵng. Nhờ sự can thiệp của anh Thành, tôi được toại nguyện. Có tôi vào, chị Phương Lan mừng lắm. Chị dành cho tôi một căn phòng nhỏ, có cửa sổ nhìn ra biển. Nhà của anh chị được xây gần bãi biển Thanh Bình, không rộng, nhưng xinh xắn gọn gàng. Trong sân, anh Thành trồng nhiều loại hoa, đặc biệt có hai khóm bích đào còn nhỏ, chưa ra nụ. Nhưng mỗi lần nhìn vào, tôi lại nhớ đến Châu và bâng khuâng nghĩ ngợi, nơi phương trời xa xôi nào đó, anh còn nhớ màu hồng hoa đào trên má của tôi không?

******

Gia đình cô Sâm chạy vào trước, đủ mặt tất cả: Mẹ con chị Thảo Sương, mẹ con chị Diệu Hạnh, anh Phong và Minh Hiền cùng Cu Tèo vừa giáp thôi nôi. Anh Thành dẹp bộ ghế salon, dành diện tích phòng khách cho những người trẻ trải chiếu nằm, tôi cũng tạm thời dọn ra đấy, nhường phòng ngủ cho cô Sâm. Cô kể:
- Đáng lẽ cô không đi, nhưng thấy tình hình chộn rộn quá.

Chị Thảo Sương nói:
- Ôi, giá mà các em chứng kiến cảnh đại lộ kinh hoàng từ Quảng Trị vô Huế - Chị ôm ngực, run lên - Mấy lần chị tưởng chết, nếu không có thằng Thanh dìu, chắc chị sụm giữa đường mất.

Chị Diệu Hạnh vừa xếp áo quần vào hộc tủ, vừa nói:
- Các em biết không, tối qua, chợ Đông Ba cháy, thật kinh khủng.

Tôi lạnh người:
- Chợ Đông Ba? Trời đất, tại sao chợ lại cháy?

- Ai mà biết. Khói lửa bốc ngút trời. Người ta bỏ Huế chạy vô đây ào ào. Tụi chị năn nỉ lắm, cô mới chịu đi đó.

Tôi ôm lấy chị Phương Lan:
- Em lo quá. Tại sao ba mẹ và thằng Bách chưa vào?

Anh Phong nói:
- Anh có ghé nhà kêu nhưng mợ không chịu đi vì cậu còn phải đi làm.

Tôi đạp xe ra chợ Đống Đa mua thêm đồ ăn. Ngoài chợ, người ta cũng đang bàn tán xôn xao vụ đánh lớn ở Quảng Trị, vụ chợ Đông Ba cháy, vụ nhiều người tản cư vào ở đầy các trường học…Tôi bỗng lo sợ bâng quơ, chợ Đông Ba cháy có liên quan gì đến dãy phố Trần Hưng Đạo không? Nhớ đến ngậm ngùi, sau Tết Mậu Thân, cả dãy phố cao đẹp phút chốc sụp đổ như vừa trải qua trận động đất. Suốt một buổi sáng, tôi và Minh Hiền lang thang khắp nơi, bước qua những đống gạch vụn nát, vữa vôi tơi tả. Những nơi chúng tôi thường lui tới như hiệu sách Tinh Hoa, hiệu may Tân Nghiệp, quán cháo lòng Đồng Ý… cũng cùng chung số phận, mái ngói vỡ tan, vách tường cháy đen loang lổ, tấm bảng hiệu đổ ụp xuống đất, mầu sơn long lanh phản chiếu ánh mặt trời. Bốn năm qua, thành phố Huế đã được trùng tu, thêm một chiếc cầu mới bắc qua sông Hương thơ mộng, nhưng hình ảnh chiếc cầu Tràng Tiền gãy nhịp vẫn khắc sâu vào tâm tư người dân Huế niềm đau xót khôn nguôi.

Thời gian như bóng câu, phai mờ trong tôi bao kỷ niệm và đem băng giá phủ xuống hồn tôi. Ngày tháng qua đi, tôi chững chạc trong mắt đám học sinh, nhưng trẻ trung xinh đẹp đối với các đồng nghiệp. Rất nhiều người bạn của anh Thành theo đuổi tôi để rồi lặng lẽ rút lui vì lúc nào Hoài cũng xuất hiện đúng lúc.

Hoài trở thành bác sĩ Quân y trước khi tôi ra trường, anh công tác ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương một thời gian rồi xin đổi vào bệnh viện Duy Tân ở Đà Nẵng khi nghe tin tôi được về dạy cùng trường với anh Thành. Hoài ở nhà tập thể, nhưng rất thường về chỗ anh chị Thành, mục đích để gặp tôi nhiều hơn là thăm anh chị và cháu Tinô, năm nay đã lên bốn. Chị Phương Lan thuyết phục tôi mãi:
- Hoài rất xứng đáng với em. So với Châu, Hoài hơn hẳn. Em dại lắm, biết bao giờ Châu mới trở về mà chờ đợi cho hoài phí tuổi xuân đi.

- Em không có ý chờ Châu, rồi em cũng sẽ lấy chồng thôi, nhưng không phải bây giờ.

Tôi về đến nhà, chưa kịp đặt giỏ chợ xuống đất, chị Phương Lan đã nhào ra ôm lấy tôi, khóc òa:
- Phương Khanh, gia đình mình gặp bất hạnh rồi em ơi.

Tôi buông rơi giỏ chợ, nghĩ đến một cái chết xảy ra cho những người thân hiện còn ở Huế. Trời đất bỗng đảo lộn trước mắt, tôi khuỵu xuống, kéo chị Lan ngã theo. Hoài chạy đến, ôm vai tôi:
- Phương Khanh, em hãy bình tĩnh.

Anh Thành đỡ chị Phương Lan dậy:
- Chuyện chưa đến nỗi nào, em không nên làm cho Phương Khanh hoảng lên như thế.

Tôi níu áo anh Thành:
- Anh Thành ơi, có chuyện gì vậy?

Hoài nắm bàn tay tôi, siết nhẹ:
- Anh Tùng bị thương vừa được trực thăng đưa về bệnh viện của anh.

Tôi run rẩy:
- Anh Hoài, anh Tùng em có bị nặng lắm không?

Giọng Hoài chùng xuống:
- Anh ấy… bị dập nát một chân, bắt buộc phải cưa. Giờ thì mọi nguy hiểm đã qua…

Tôi nấc lên, gục đầu vào vai Hoài. Anh vuốt tóc tôi:
- Chiến tranh là mất mát, Phương Khanh à.

Nước mắt tôi rơi lã chã:
- Anh Hoài, anh săn sóc cho anh Tùng em nhé. Tội nghiệp anh quá, anh Tùng ơi.

- Anh sẽ tự tay chăm sóc anh Tùng. Rồi đây anh ấy sẽ đi lại được bằng chân giả. Nín đi Phương Khanh.

Chị Thảo Sương lặng lẽ nhặt thức ăn tung tóe ra sàn, mang giỏ chợ vào bếp. Cô Sâm nói:
- Phải đánh điện tín ra Huế kêu ba thằng Tùng vô.

Hoài đỡ tôi ngồi xuống ghế, anh nói với cô Sâm:
- Hồi chiều có người ra Huế, cháu đã nhờ nhắn và nếu có thể sẽ đưa bác trai vào luôn.

Mâm cơm dọn ra, không ai buồn cầm đũa. Tinô kéo vạt áo chị Phương Lan:
- Mẹ ơi, con ăn cơm với canh cá.

Bé Hạnh Hoa năm nay đã lên chín, ôm bụng nhăn nhó vì đói. Cô Sâm lấy đũa bếp xới cơm:
- Ăn ba hột rồi còn dọn dẹp. Mai dậy sớm cùng vô thăm thằng Tùng. Hai đứa nhỏ đâu, đến bà lấy cơm cho mà ăn.

Đến mười giờ đêm, ba mẹ và Bách vào tới. Cô Sâm bảo:
- Sao không để sáng sớm hãy đi. Tối tăm như vậy, xe đổ đèo nguy hiểm lắm.

- Nhận được tin báo, lòng dạ nào ở nhà cho nổi. May mà còn chuyến xe chót. Sao? Cậu Hoài đâu rồi, giờ chúng ta vào bệnh viện được chứ?

Anh Thành dìu mẹ đến nằm nơi đi văng:
- Hôm nay Hoài phải trực. Sáng mai, nó sẽ đem xe ra đón gia đình ta vào thăm anh Tùng.

Mẹ mềm oặt trên chiếc chiếu hoa, hai mắt sưng húp:
- Không, tôi phải gặp con trai tôi ngay bây giờ. Tùng ơi, con có tội tình chi mà trời nỡ đọa đày.

Bách đến quì xuống bên mẹ, vuốt ve bàn tay bà:
- Mẹ gắng ngủ một giấc, mai chúng ta sẽ gặp anh Tùng.

Mẹ bỗng vùng ngồi dậy, ôm chặt lấy Bách, giọng bà hốt hoảng:
- Bách ơi, con đã mười tám tuổi rồi. Nhất định mẹ không cho con đi lính. Mẹ sẽ bán nhà bán cửa chạy cho con yên thân.

Ba bước đến, vỗ nhẹ lên vai mẹ:
- Bà bình tĩnh lại, ngủ đi bà. Phương Lan, giăng mùng cho mẹ con nghỉ.

********

Cả nhà quây quần xung quanh giường bệnh. Trông anh Tùng xanh xao thảm hại. Mắt anh trũng sâu nâng gò má lên cao, râu mọc lởm chởm trên đôi môi mím chặt cố nén nỗi đau đang dằng xé tâm can. Tấm chăn trắng đắp lên thân hình anh gầy đét, dán sát xuống giường. Chỉ có hai bàn tay anh lộ ra mép chăn, đen thui và khô cứng, đẫm ướt nước mắt của mẹ. Anh nói, giọng buồn thiu:
- Mẹ đừng khóc nữa, trong cái xui vẫn có cái hên. Rồi đây con sẽ được giải ngũ, về sống với ba mẹ và các em.

Anh Thành sờ tay lên trán anh:
- Anh nghe trong người thế nào, anh Tùng?

- Cám ơn Thành, cơn sốt đã hạ, tôi thấy khỏe lắm.

Ba bàn:
- Nên chuyển Tùng ra Huế cho gia đình tiện chăm sóc, vì ba còn công việc, không thể ở lâu được.

Chị Phương Lan nói:
- Ba mẹ cứ để anh ấy lại đây, vợ chồng con và Phương Khanh sẽ lo cho ảnh, không nên di chuyển sợ động đến vết thương, vả lại nơi đây còn có Hoài, chú ấy sẽ theo dõi bệnh án của anh Tùng cẩn thận và chu đáo hơn.

Ba nhìn anh Tùng:
- Con nghĩ sao?

- Em Lan con nói đúng. Con muốn được Hoài săn sóc vết thương. Ba mẹ cứ yên tâm về Huế, con sẽ về sau khi được xuất viện.

Ba nói với cô Sâm:
- Chị cũng nên cho mấy đứa về Huế lại thôi. Chợ Đông Ba cháy là do tụi lính say rượu quậy phá, chừ dẹp yên rồi, không hề gì đâu.

- Về thì về, bỏ nhà bỏ cửa lòng tôi như lửa đốt.

Tôi không có ý định về Huế nghỉ hè nên ở lại Đà Nẵng phụ anh Thành mở lớp dạy hè. Sau những ngày chộn rộn, đám người di tản đã trở về nhà, một số tập trung vào khu tạm cư Non Nước. Học sinh bắt đầu chương trình ôn tập hè. Anh Tùng vẫn còn nằm ở bệnh viện Duy Tân, tôi và chị Phương Lan thay nhau bới xách thăm nuôi anh. Sức khỏe anh tiến triển tốt. Anh mập ra, da dẻ hồng hào trở lại, và đặc biệt, đôi mắt anh đã thấp thoáng niềm vui. Người đem lại niềm vui cho anh là một người hoàn toàn xa lạ với gia đình tôi, đó là chị Uyên Chi, y tá bệnh viện. Lần đầu gặp chị, tôi rất có thiện cảm. Chị trạc tuổi chị Phương Lan, da ngăm đen, không đẹp nhưng rất có duyên, mỗi khi cười, hai lúm đồng tiền nở hoa trên má chị trông thật dễ thương. Hoài cho biết, Uyên Chi người Nam, gia đình khá giả, vì gặp chuyện không may trong tình cảm, nên muốn sống xa nhà một thời gian. Chị đổi về bệnh viện Duy Tân trước Hoài một năm. Tính chị dịu dàng nhân hậu nên rất được lòng các bệnh nhân và đồng nghiệp. Chuyên môn chị giỏi, thêm vào sự đảm đang, chịu thương chịu khó. Giữa không gian yên tĩnh trầm mặc của bệnh viện, chị nổi bật lên như một đóa hoa đồng nội xoa dịu mọi nỗi đau của các vết thương. Vết thương anh Tùng bình phục dần dưới bàn tay săn sóc của chị, đồng thời trái tim anh dường như cũng được tưới mát bởi tia nhìn trong sáng, giọng nói hiền hòa của người con gái có mái tóc dài như dòng suối vương vấn tâm hồn anh. Họ trở thành đôi bạn, và anh Tùng chỉ mơ đến thế thôi. Có lần anh tâm sự:
- Rất tiếc, anh đã gặp Uyên Chi quá trễ. Anh chưa già nhưng anh đã tàn phế, một thằng què như anh thì không thể hái được sao trên trời.

Tôi ứa nước mắt thương anh nhưng không biết nói sao. Nếu tôi ở vào địa vị chị Uyên Chi, tôi có muốn lấy một người chồng mang chân gỗ không?

Một tháng sau, anh Tùng xuất viện. Ba vào, cùng tôi tháp tùng anh theo xe bệnh viện về Huế. Hoài nhờ một bác sĩ bạn lui tới theo dõi bệnh tình anh, đồng thời tiến hành việc làm chân giả cho anh. Hoài đối với gia đình tôi như bát nước đầy. Mẹ Hoài lại nhà tôi thường xuyên hơn, dò ý để xin một cái lễ hỏi. Ba mẹ rất vui vì tôi đã có nơi xứng đáng trao gửi cuộc đời. Cô Sâm thở phào nhẹ nhõm, các chị Phương Lan, Diệu Hạnh, anh Tùng, anh Phong, Minh Hiền… đều nhất loạt tán thành cuộc hôn nhân lý tưởng này. Tôi như ngọn lá vàng trong cơn gió, cũng đành buông xuôi theo giòng đời cuốn trôi. Ba mẹ Hoài bàn:
- Tình hình hiện nay cũng chỉ tạm thời lắng dịu thôi, xin phép anh chị cho chúng tôi làm đám hỏi và cưới một lần luôn thể, cho tiện.

Mẹ nói:
- Không ai làm đám cưới vào mùa hè. Xin anh chị cho hoãn đến mùa thu. Giờ nên làm một bữa tiệc chạm ngõ, đơn giản thôi, để họ hàng hai bên biết mặt nhau.

Ba cười:
- Bà nói hay chưa. Chúng ta và anh chị Tuân đã là thông gia từ năm năm nay rồi, họ hàng hai bên quá thân nhau, bà còn đòi gì nữa. Bà nhiều chuyện quá đó nghe.

Bác Tuân gái cầm tay mẹ:
- Chị nói rất phải. Chúng tôi xin được tổ chức một bữa tiệc, họ hàng bên tôi có nhiều người chưa biết mặt cháu Phương Khanh.

********

Chị Diệu Hạnh bảo tôi:
- Chị sẽ viết thư báo tin vui của em cho anh Hải, thế nào anh cũng về dự đám cưới em.

Cô Sâm lo lắng:
- Tình hình như vậy, coi bộ thằng Hải khó về.

- Con buồn quá mẹ ơi, ảnh đi gần cả năm nay.

Anh Tùng nói:
- Chiến tranh thật là kinh khủng. Ba mẹ còn nhớ thằng Khánh Quân Tiếp Vụ, quịt tiền của chúng ta hồi Mậu Thân không?

Ba bực mình:
- Cái thằng chó chết, đừng nhắc đến nữa.

Anh Tùng thở dài:
- Chó không chết mà nó chết đấy, ba à.

- Cái gì? Ba nghe nó đào ngũ mà.

- Nó bị bắt lại, bị tống ra chiến trường làm lao công đào binh. Con có gặp lại nó một lần, chửi nó một trận kịch liệt, chẳng thèm nghe nó giải thích… Rồi nó chết. Sau này con mới biết nó không định lường gạt đâu, chẳng qua là hai đứa con nó ngã bệnh thình lình, rồi mẹ nó bị xe đụng…

Cô Sâm khoát tay không cho anh Tùng nói tiếp, cô thắp ba cây nhang, ra vườn cắm vào gốc cây, rồi trở vào nói:
- Lúc này, cô rất sợ nói đến cái chết.

Ngày chạm ngõ, có một nhân vật đi cùng họ đàng trai khiến tôi mừng như bắt được quà. Đó là chị Uyên Chi. Chị nói với tôi:
- Anh Tùng thật tệ, anh đi không từ giã chị một tiếng, địa chỉ cũng chẳng thèm cho.

Mẹ nhìn chị nước mắt rưng rưng. Chị Phương Lan lăng xăng kéo ghế, Hoài vào phòng đưa anh Tùng ra, đẩy xe lăn đến cạnh chị. Sau phút ngỡ ngàng, đôi mắt anh sáng lên:
- Uyên Chi, em… vẫn khỏe chứ?

- Còn anh, chân anh còn nhức không?

Hoài đưa tôi ra vườn, anh nói nhỏ:
- Không biết anh làm vậy có đúng không. Nhưng anh không thể không đưa Uyên Chi về đây được. Suốt tuần nay, cô ấy năn nỉ anh, khóc lóc với anh, cô ấy yêu anh Tùng thật, Phương Khanh à.

Tôi nép đầu vào ngực Hoài:
- Anh làm rất đúng. Em cám ơn anh đã đem hạnh phúc đến cho anh Tùng em.

- Vì em, anh sẽ làm tất cả. Phương Khanh ơi, anh yêu em biết bao!

Đôi môi Hoài ghé xuống, hai má tôi nóng bừng. Lần đầu tiên, tôi hôn Hoài mà không nghĩ đến Châu.
Buổi tiệc thân mật được tổ chức tại nhà cô Sâm. Không còn chị Diệu Hương, chị Thảo Sương trở thành đầu bếp chính. Ngay từ sáng sớm, bên nhà bác Tuân đã chở bàn ghế, chén dĩa và gà vịt làm sẵn qua. Chị Diệu Hạnh, Phương Lan đi chợ mua thêm rau củ, gia vị…Tôi và Minh Hiền được phân công làm việc nhẹ nhất là cắm hoa.
Không khí trong nhà thật vui, đúng là ngày hội. Anh Phong và các bạn anh đã trang hoàng nhà cửa xong từ sớm, giờ mấy ông tướng bắc ghế ra hiên ngồi đấu láo ỏm tỏi.

Cô Sâm đi ra:
- Thằng Phong đâu? Ra sau bếp chẻ củi mau lên. Còn các cháu, giúp bác khiêng bàn ghế vào góc nhà cho gọn. Chiều mới dọn ra.

Chị Phương Lan mang về một bó hoa hồng đỏ còn ướt hơi sương.
- Hoa Đà Lạt đó, tuyệt chưa?

Tôi hỏi:
- Sao chị không mua hoa hồng vàng?

- Mầu đỏ tượng trưng cho tình yêu nồng nàn, còn màu vàng là mầu phản bội, chị không ưa.

- Chị nói sai rồi, mầu vàng là mầu vương giả, mầu quí phái…

Chị Diệu Hạnh nói:
- Thôi đừng cãi nhau nữa, tụi bây ồn ào quá.

Bé Hạnh Hoa chạy ra ôm cổ chị:
- Mẹ ơi, sao ba không về ăn tiệc cưới dì Khanh?

Chị hôn vào má con:
- Hôm nay là lễ hỏi, mai mốt đám cưới dì Khanh ba sẽ về. Con ngồi đây xem dì Khanh và mợ Phong cắm hoa nhé, mẹ xuống bếp nấu ăn đây.

Bé sà vào lòng tôi:
- Dì Khanh ơi, mai mốt ba Hải về thật hả dì? Ti Ti nhớ ba lắm.

Tôi nựng má bé:
- Ti Ti càng ngoan, ba càng mau về.

Cô Sâm vẫy tay gọi bé:
- Ra vườn chơi với ngoại.

Minh Hiền vừa tỉa các cành lá, vừa nói:
- Tình hình thế này, không biết anh Hải có về được không.

Tôi cắm ba cành hồng theo hình tam giác, chênh chếch nhau, rồi lùi ra xa, ngắm nghía. Có tiếng cô Sâm hỏi lớn:
- Chú tìm ai?

Tôi nhìn ra, thấy một người đàn ông trung niên mặc quân phục đang đứng thẳng người bên dãy hàng rào dâm bụt, màu hoa đỏ chói chang trong ánh nắng mùa hè.
- Thưa bà, đây có phải là nhà thiếu tá Hải?

- Phải, mời chú vào nhà đã.

Người đàn ông bước đến ngưỡng cửa thì dừng lại:
- Thưa, cháu muốn gặp bà thiếu tá.

Tôi nói:
- Chú vào ngồi chơi, tôi sẽ gọi chị tôi ra.

Người đàn ông có ý ngập ngừng. Cô Sâm cầm tay ông ta kéo vào nhà, nhưng ông ta không chịu ngồi:
- Xin bà để mặc cháu.

Chị Diệu Hạnh đi lên, hai tay còn ướt nước.
- Anh hỏi tôi đấy à?

- Vâng, thưa bà. Tôi ở cùng đơn vị với thiếu tá Hải.

- Hay quá, anh ngồi xuống đi. Anh Hải có thư cho tôi phải không?

Gương mặt người đàn ông trở nên tái xanh. Như có linh tính, chị Diệu Hạnh run lên, chị cầm cánh tay ông ta lắc mạnh:
- Trời ơi, anh Hải đã ra sao rồi? Anh nói đi, nói ngay, nói nhanh lên!

Người đàn ông rũ người xuống ghế:
- Thưa bà, thiếu tá đã hy sinh.

Tôi và Minh Hiền cùng nhào tới nhưng không kịp, chị Diệu Hạnh ngã lăn ra nền gạch hoa trong tiếng gọi thảng thốt của bé Hạnh Hoa:
- Mẹ, mẹ ơi.

*********

Tang thương phủ xuống nhà cô Sâm, lập tức, những dải băng xanh đỏ trang hoàng phòng tiệc được gỡ xuống, thay vào đó là những tấm vải đen. Buổi tiệc dạm hỏi của tôi tạm hoãn sang ngày khác, nhưng rồi sau đó, theo lời yêu cầu của ba, bác Tuân đành phải hủy luôn, vì thật ra giờ phút này, không ai còn lòng dạ nào để ăn uống vui chơi. Đến chiều, quan tài anh Hải về đến nhà đặt giữa phòng khách. Hoa hồng đỏ được thay thế bằng những bông huệ trắng trang điểm bàn thờ lung linh ánh nến. Tôi khóc mùi mẫn trước bức ảnh bán thân của anh:
- Anh Hải ơi.

Đôi mắt anh nhìn tôi trìu mến. Từ đây em không còn trông thấy anh nữa, người anh rể đánh kính của em. Nước mắt tuôn tràn như dòng suối, nước mắt già nua của cô Sâm, của ông bà nội bé Hạnh Hoa, nước mắt đợi chờ của chị Thảo Sương, nước mắt ngây thơ của con gái anh, của Thanh, của Bách… Chị Diệu Hạnh chết lên chết xuống, không thể ở nhà được nên Hoài phải đưa chị sang nhà tôi, tự tay anh chăm sóc sức khỏe cho chị.

Lễ dạm hỏi chưa tổ chức xong nhưng mối liên hệ giữa tôi và Hoài không phải vì thế mà kém phần thân mật, trái lại, tình cảm của tôi dành cho anh càng lúc càng nồng đậm hơn. Phải nhẫn nại lắm, mới chịu đựng nổi cơn điên cuồng của chị Diệu Hạnh. Chị la hét, đập phá, khóc lóc, rên rỉ. Chị vui đó buồn đó, tỉnh đó mê đó. Mười ngày phép của Hoài, thay vì dành cho những ngày hạnh phúc bên tôi, anh đã không quản thức khuya dậy sớm, túc trực bên giường chị Diệu Hạnh, theo dõi bệnh tình và săn sóc thuốc men cho chị. Nghĩa cử đó đã làm cho cô Sâm cảm động, ba mẹ càng yêu quí Hoài hơn. Nhân cách tốt đẹp của Hoài đã minh chứng rõ ràng tình yêu chân thành của anh đối với tôi, và có những giây phút bên anh, tôi cảm thấy tâm hồn ấm áp. Tôi nghĩ, mình đã lựa chọn đúng.

(còn tiếp)

Chương 1, 2, 3, 4, 5 ,6, 7, 8